Tủi nhục phận đàn ông ở rể

Trong lúc tức giận, Thương đã chỉ tay thẳng mặt đuổi chồng ra khỏi nhà mình.

Hiện nay, cuộc sống xã hội văn minh và phát triển, mối quan hệ nam nữ được dung hòa, mọi quyền lợi và trách nhiệm sống ngang nhau. Việc người đàn ông tá túc nhà vợ có lẽ không còn xa lạ, không là vấn đề to tát như xưa. Tuy nhiên, xét về mặt tâm lý, không ít ông chồng vẫn tủi nhục bởi thân phận của riêng mình.

Sau hơn 2 năm tìm hiểu và yêu thương nhau, Thái và Thương quyết định đi đến hôn nhân trong hoàn cảnh cả hai đều mới ra trường chưa ổn định việc làm. Nhà Thương ở thành phố, gia đình lại có điều kiện. Vì thế, khi cưới nhau, Thái chấp nhận về ở rể nhà vợ, vừa là để bố mẹ vợ tiện chăm sóc cho con gái khi mang bầu, vừa tiết kiệm số tiền hàng tháng thuê nhà để dành sau này mua đất.

Thái cho rằng, ở rể chỉ là biện pháp tạm thời, khi nào đủ tự lập được sẽ đền đáp lại cho bố mẹ vợ. Mặt khác, gia đình nhà vợ có một cô con gái duy nhất nên việc Thái đồng ý về ở với bố mẹ vợ được cả hai bên ủng hộ nhiệt tình.

Bố mẹ vợ coi chàng rể như con trai, chăm sóc tận tâm không kém con đẻ. Biết anh con rể mới chân ướt chân ráo ra trường, đi làm cũng chỉ kiếm được vài ba triệu không đủ chi tiêu, thời gian đầu bố mẹ vợ không lấy tiền ăn hàng tháng. Thậm chí, ông bà còn rất tâm lý, có tháng còn cho thêm tiền để vợ chồng dẫn nhau đi mua sắm, ăn ngoài để thay đổi không khí.

Khi cưới nhau, Thương đã mang bầu được một tháng nên cô ở nhà dưỡng thai, không đi làm. Tiền chi tiêu của hai vợ chồng chỉ dựa vào đồng lương 3 triệu của Thái kiếm được. Vợ mang bầu cần tiêu đủ thứ, số tiền ít ỏi đó không đủ nên vợ chồng đành nhận số tiền cho thêm từ bố mẹ vợ.

Tủi nhục phận đàn ông ở rể - 1

Vì áp lực gia đình, cuộc sống, Thương đã không ít lần làm tổn thương chồng (Ảnh minh họa)

Sau nhiều tháng đi làm, lương của Thái vẫn dừng lại chừng đó, không thêm mà ngược lại còn bị cắt xén vì doanh thu không đảm bảo. Vợ sắp sinh cần thêm nhiều khoản chi tiêu, không xoay sở được nên hai vợ chồng chỉ dựa vào tiền bố mẹ vợ cho.

Chi tiêu túng thiếu, lâu dần, Thương ngại không xin thêm tiền mẹ đẻ và bắt đầu cằn nhằn với chồng. Cô cho rằng, anh kém cỏi, không linh hoạt kiếm tiền, thấy dựa hơi được bên nhà vợ nên ỉ lại. Vì chuyện đó, cuộc sống vợ chồng trở nên căng thẳng, hai người thường xảy ra xích mích, cãi vã.

Thương vợ đang chờ sinh con, lại đang nằm trong thế nhà vợ, Thái nhẫn nhịn bỏ qua, chấp nhận lời đay nghiến của vợ. Nhiều khi uất nghẹn, anh chỉ dám mượn rượu để giải khuây. Thương chẳng những không hiểu chuyện cho chồng, mỗi ngày một quá đáng. Có lần, trong lúc tức giận, cô thẳng tay chỉ mặt đuổi anh ra khỏi nhà. Nể bố mẹ vợ, anh xin ra ở tạm nhà bạn một tuần lễ rồi lại nhịn nhục quay về làm tròn trách nhiệm của người chồng.

Bố mẹ vợ áy náy, lấy lý do phụ nữ có bầu trái tính trái nết khuyên Thái nên bỏ qua mọi chuyện. Về phần anh, anh luôn hiếu thuận và sống đúng nghĩa lễ với bố mẹ vợ. Anh luôn tự an ủi chính mình: Chấp nhận sống nhục để con cái được chăm sóc đầy đủ, mình chưa đủ lực, chưa lo trọn vẹn cho vợ con, xấu hổ với nhà vợ cũng đành nín nhịn". Vì thế, anh đành bỏ qua mọi chuyện để về sống tiếp quãng thời gian không êm ấm của mình.

Ở rể có muôn mặt của chuyện ở rể. Không giống như trường hợp của Thái, hiện nay nhiều cánh đàn ông đi ở rể dù thuận được cả ý vợ ý chồng nhưng lại gặp phải cảnh dở khóc dở cười từ những lời đàm tiếu nhà vợ.

Nhiều anh phải hạ thân thế làm chồng để nịnh vợ cho êm ấm cửa nhà, lấy lòng bố mẹ vợ, có những người rơi vào đủ chuyện oái ăm vì ở rể, vì bố mẹ vợ không ưng thuận, có những trường hợp vì ở rể mà trở nên nhu nhược, thiếu tính quyết đoán, ích kỷ… Từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt đẹp, nhiều vụ án chỉ vì không làm chủ được bản thân nghe vài ba câu xúc phạm, lỡ lời sát hại cả nhà vợ hay trẫm uất…

Nói về việc ở rể không có gì đáng hổ thẹn hay chỉ trích gì cả, nhưng thực tế người đàn ông khi quyết định “ăn nhờ ở đậu” nhà vợ cần phải có bản lĩnh thì sẽ không lo bị thất bại. Mặt khác, phải biết dung hòa mối quan hệ giữa mọi người như thế sẽ đảm bảo được mọi chuyện tốt đẹp và không có điều tiếng xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Phong ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN