Tự chế 'đĩa bay' lướt trên nước, 8X Kiên Giang khiến nhiều người kinh ngạc

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Chứng kiến vật lạ giống đĩa bay đang lướt trên mặt nước, người xem kinh ngạc, ngỡ như đang thấy chiếc phi thuyền đến từ ngoài không gian.

"Đĩa bay" tự chế lướt trên mặt sông ở miền Tây. Video: Nhân vật cung cấp

Đĩa bay tự chế

Ít ngày qua, mạng xã hội lan tỏa đoạn video ghi lại cảnh vật lạ có hình dạng giống như chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng lướt đi trên mặt nước.

Vật này được tạo hình, trang trí bắt mắt, có khả năng tự đóng, mở cửa. Mô hình này cũng được trang bị động cơ, có thể chở được 2 người, di chuyển linh hoạt trên mặt nước.

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đoạn clip thu hút nhiều triệu lượt xem cùng hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Nhiều người xem trầm trồ, kinh ngạc trước sức sáng tạo, độ khéo tay của người chế tạo ra mô hình này.

Anh Long Hồ trang trí chiếc "đĩa bay" tự chế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Long Hồ trang trí chiếc "đĩa bay" tự chế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo tìm hiểu của VietNamNet, mô hình trên là sản phẩm của anh Trần Long Hồ (SN 1987, Kiên Giang). Trên mạng xã hội, anh Long Hồ tự xưng là “thánh chế” và giới thiệu nhiều mô hình độc đáo được độ chế từ thuyền, vỏ lãi, động cơ cũ.

Anh Long Hồ cho biết: “Tôi có sự tò mò và yêu thích đặc biệt với đĩa bay. Trước đây, tôi rất thích xem phim, đọc báo về loại phương tiện được cho là sản phẩm của người ngoài hành tinh này.

Sau này, tôi có ý định tự tay thiết kế, chế tạo một chiếc cho riêng mình để trải nghiệm cảm giác ngồi, điều khiển di chuyển trên sông. Tôi lên ý tưởng và làm theo trí tưởng tượng của mình”.

Tại vị trí tay của anh Long Hồ là công tắc đóng mở cửa tự động từ bên ngoài của mô hình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại vị trí tay của anh Long Hồ là công tắc đóng mở cửa tự động từ bên ngoài của mô hình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu tiên, anh dùng than củi vẽ nhiều vòng tròn đồng tâm trên nền nhà rồi đắp cát để tạo khuôn có hình dáng như chiếc đĩa bay. Sau đó, anh đổ nhựa composite lỏng lên khuôn, tạo thành lớp vỏ bên ngoài.

Khuôn khô, anh gia cố bằng cách uốn, cắt, hàn sắt vào bên trong. Sau đó, anh cắt cửa, lắp đặt động cơ để 2 cánh cửa có thể tự đóng, mở bằng công tắc.

Để mô hình sống động, bắt mắt, anh tạo hình nhiều cửa sổ bằng những họa tiết hiện đại, thường thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. “Thánh chế” cũng trang trí “đĩa bay” bằng hệ thống đèn điện nhiều màu, bảng công tắc nhiều nút bấm đẹp mắt.

Bên trong, anh thiết kế, trang bị nhiều công tắc cho việc khởi động, điều khiển phương tiện độc đáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên trong, anh thiết kế, trang bị nhiều công tắc cho việc khởi động, điều khiển phương tiện độc đáo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau cùng, anh sử dụng động cơ lấy từ chiếc mô tô nước cũ, lắp đặt một cách khéo léo vào mô hình. Khi hoàn tất, anh đem mô hình ra sông chạy thử trước sự chứng kiến của bạn bè, người đi đường.

Chưa qua trường lớp

Trong lúc chế tạo chiếc “đĩa bay”, anh Long Hồ giữ bí mật với mọi người. Do đó, hôm anh chạy thử mô hình, có nhiều người hiếu kỳ đến xem.

Từ trên bờ, anh bấm bộ điều khiển từ xa để mở cửa "đĩa bay" rồi bước vào bên trong. Sau khi cửa đóng, anh bật nguồn, cầm vô lăng, nhấn ga lái thử. Chiếc "đĩa bay" lao đi trên mặt nước một cách nhẹ nhàng, linh hoạt.

Anh Long Hồ trong lần chạy thử chiếc "đĩa bay" tự chế trên sông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Long Hồ trong lần chạy thử chiếc "đĩa bay" tự chế trên sông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chứng kiến vật lạ có hình dáng giống như chiếc đĩa bay đang lướt đi trên mặt nước, người xem không khỏi ngỡ ngàng, kinh ngạc. Nhiều người nói vui mình đang tận mắt chứng kiến phi thuyền của người ngoài hành tinh.

Anh Long Hồ chia sẻ: “Để làm mô hình này, tôi đầu tư khoảng 60 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu dùng để mua một số vật liệu cũ, đồ phế liệu và phụ kiện trang trí. "Đĩa bay" có thể đạt tốc độ 40 km/h và chở được 2 người bên trong.

Vỏ ngoài được làm từ composit, gia cố bằng sắt và có hình đĩa nên không thể lật. Trừ khi va chạm mạnh dẫn đến vỡ lớp vỏ, nước tràn vào bên trong, mô hình mới hỏng, chìm”.

Trước khi sáng tạo mô hình đĩa bay, anh Long Hồ từng khiến cộng đồng mạng thích thú khi độ chế nhiều sản phẩm từ phế liệu. Các sản phẩm đến từ óc sáng tạo của anh đều độc đáo, có thể di chuyển như: Thuyền nhện nước, du thuyền tự chế, xe 3 bánh, thuyền siêu tốc…

Mô hình lướt trên mặt nước với tốc độ cao khiến người xem bất ngờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mô hình lướt trên mặt nước với tốc độ cao khiến người xem bất ngờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Điều đặc biệt, anh có khả năng độ chế các sản phẩm cơ khí mà chưa từng trải qua trường lớp. Các sản phẩm do anh tạo tác đều là kết quả của sự tự mày mò, nghiên cứu.

Anh thường chế tạo sản phẩm theo phương pháp "làm đến đâu, học đến đó". Cái gì chưa hiểu, chưa biết, anh lên mạng tìm hiểu hoặc học hỏi thêm từ người có chuyên môn.

Anh Long Hồ vốn là nhân viên bảo trì khách sạn. Năm 2020, vì chưa có điều kiện mua thuyền để đi lại trên sông, anh có ý định phục hồi, sửa chữa thuyền, vỏ lãi… hỏng, bị vứt bỏ.

Anh xin, mua lại những thiết bị này về vệ sinh rồi tự mày mò phục hồi, sửa chữa. Trong lúc phục hồi, độ chế các thiết bị, anh quay phim, đăng tải lên mạng xã hội.

"Đĩa bay" được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng đẹp mắt và có thể di chuyển vào ban đêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Đĩa bay" được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng đẹp mắt và có thể di chuyển vào ban đêm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thật bất ngờ, các đoạn clip này được đông đảo người xem đón nhận. Từ đó, anh quyết định dừng công việc bảo trì khách sạn, trở thành nhà sáng tạo nội dung. Anh liên tục độ chế các loại phương tiện di chuyển trên sông, đất liền để phục vụ khán giả.

Anh tâm sự: “Tôi tự thấy mình có năng khiếu với công việc này. Tuy nhiên, các sản phẩm độ chế của tôi không được đăng ký, đăng kiểm.

Tôi làm ra chúng để giải trí, thỏa mãn đam mê độ chế của mình, không mang mục đích lưu hành, sử dụng trong cuộc sống. Sau khi hoàn thành, giới thiệu đến người xem, tôi thường cất giữ các sản phẩm của mình làm kỷ niệm”.

Cần có đăng kiểm, đăng ký nếu muốn lưu thông

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TPHCM cho biết: “Việc người đàn ông thiết kế, chế tạo thành công mô hình có hình dạng giống đĩa bay, di chuyển được trên mặt nước thể hiện sức sáng tạo, độ khéo tay của người lao động.

Tuy nhiên, người thực hiện cần liên hệ với chính quyền, sở giao thông vận tải tại địa phương để có hướng dẫn cụ thể cho việc nghiên cứu, sáng tạo của mình.

Theo luật, sáng chế mô hình là các phương tiện đường thủy chạy trong luồng rạch, kênh, sông… cần phải đăng ký.

Hơn nữa việc sáng chế phương tiện đường thủy chạy trên 30 km/h là chạy tốc độ cao thì người điều khiển cần có đầy đủ bằng cấp liên quan hoặc đăng ký, đăng kiểm mới đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Xã hội ủng hộ tinh thần sáng tạo, sáng chế của mọi người. Tuy nhiên, trong trường hợp nói trên, người sáng tạo nên tìm hiểu, liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Giao thông tỉnh… hoặc các đơn vị liên quan tại địa phương để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký…”.

Nguồn: [Link nguồn]

Những ngày qua, netizen được phen lóa mắt trước khả năng tự tay chế tạo ra chiếc xe Skysphere thuộc hãng ô tô cao cấp Audi của một người cha để làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN