Trực suốt mấy ngày Tết, tôi bị chị chồng lườm “cháy” mặt

Sự kiện: Những tâm sự hay

Tôi nuốt không trôi bữa cơm Tết vì sự mỉa mai, quở trách của chị chồng.

Tết với người khác là sự háo hức, mong chờ nhưng với tôi lại là những rối ren, phiền não. Tết năm nào ở quê chồng, tôi cũng bị mọi người hết trách móc đến cạnh khóe chỉ bởi không thể dành trọn vẹn thời gian lo liệu chuyện bếp núc.

Tôi làm phóng viên của tạp chí. Do đặc thù công việc, những ngày lễ, Tết mọi người được nghỉ ngơi toàn thời gian thì tôi lại phải trực bài. Nhóm tôi có 4 người chia nhau trực Tết. Tết nào được nghỉ 9 ngày thì tôi phải trực 3 ngày, Tết nào được nghỉ 7 ngày thì tôi phải trực 2 ngày.

Do đặc thù công việc, tôi thường phải ngồi máy tính làm việc trong ngày Tết (ảnh minh họa)

Do đặc thù công việc, tôi thường phải ngồi máy tính làm việc trong ngày Tết (ảnh minh họa)

Mấy năm trước, tôi thường chọn trực trước và sau Tết, tránh 3 ngày mùng 1, 2, 3 để có nhiều thời gian hơn lo liệu việc nhà. Dẫu vậy, chuyện bài vở vẫn khiến tôi nhấp nhổm, không thể chu toàn mọi thứ như những nàng dâu khác nên thường bị mẹ chồng, chị chồng bóng gió quở trách.

Năm nay, nhóm tôi một người nghỉ thai sản, một người bận con nhỏ nên tôi phải trực 4 ngày, từ 29 Tết đến hết mùng 3. Thế nên, sự quở trách ấy càng nặng nề hơn.

Thời gian làm cơm cúng buổi sáng cũng là lúc tôi bận rộn nhất chuyện bài vở. Mấy ngày Tết, tôi dậy từ 5h sáng, sơ chế trước vài thứ để 7h ngồi vào bàn làm việc. Mẹ chồng tôi thấy vậy thì mỉa mai: “Làm cơm cúng nhà cũng phải có giờ có giấc, đâu phải thích làm lúc nào thì làm”. Tôi chỉ biết câm nín.

Tôi làm việc từ 7h sáng đến 10h trưa, đến tận lúc cơm canh cúng nhà xong xuôi mới ló mặt ra khỏi phòng. Chị chồng tôi lấy chồng cách nhà vài chục mét, sáng sớm nào cũng đảo qua nhà vài lần. Thấy tôi ru rú trong phòng, còn mẹ lúi húi dưới bếp, chị nói oang oang: “Dâu quý đâu mà một mình mẹ làm cơm. Còn thằng D. nữa, vợ nó không chịu làm thì phải ra mà làm đi chứ. Lẽ nào mẹ phải phục vụ cả nhà nó”.

Ngày xưa, tôi còn ra giải thích đôi câu nhưng giờ đã quen với việc này, tôi chỉ nín lặng làm việc tiếp. Có điều, nghe nhiều cũng rát tai, tôi không tránh được cảm xúc tiêu cực.

Ngày mùng 3 Tết, nhà chồng tôi làm cơm hóa vàng buổi sáng để chiều vợ chồng tôi đưa con về ngoại. Tôi vẫn vướng công việc nên chỉ đảo qua chuyện bếp núc được một chút. Chị chồng sang nhà thấy tôi vẫn đóng cửa trong phòng thì xì xầm trách móc: “Hết cả cái Tết rồi vẫn không ló mặt ra ngoài. Làm như chỉ một mình nó có việc”.

Bữa cơm hóa vàng hôm đó, chị chồng tôi hết lườm đến nguýt. Ăn món nào chị cũng khen mẹ chồng tôi nấu ngon, đôi lúc còn nói thêm vài câu cạnh khóe: “Nhà này mà vắng mẹ chắc mất Tết luôn. Có ai vào bếp nấu nướng đâu mà có Tết”. Chị quên mất rằng, người thịt gà từ tối hôm trước là tôi, người dậy từ 5h sáng sơ chế đồ ăn cũng là tôi.

Chẳng lẽ, tôi làm việc là sai hoặc tôi phải bỏ công việc này chỉ để tập trung toàn thời gian chăm lo bếp núc cho đẹp lòng mẹ chồng, chị chồng? Tôi nghĩ, đã là gia đình nghĩa là mọi người phải thấu hiểu, san sẻ với nhau mọi việc bởi, việc bếp núc đâu phải chỉ của mỗi nàng dâu?

Nguồn: [Link nguồn]

Tình cờ gặp lại chồng trong siêu thị, đã mấy đêm không ngủ được vì hối hận trước lời tâm sự của anh ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN