Thận trọng khi “tám” nơi công sở

Không ít việc chém gió của phái đẹp nơi công sở lại thường là bàn tán và nói xấu sau lưng người khác.

“Tám” là thói quen của các chị em, nó giúp thư giãn, xả stress làm giảm bớt đi những căng thẳng trong công việc, hay chia sẻ với nhau những điều bổ ích, về một cửa hàng mua sắm giá rẻ, những mẫu thời trang mới, bí quyết làm đẹp, làm thế nào để chăm sóc gia đình tốt hơn… “Tám” cũng là cách giúp chị em có thêm nhiều niềm vui và gần gũi nhau hơn. Nhưng bên cạnh đó, không ít việc chém gió của phái đẹp nơi công sở lại thường là bàn tán và nói xấu sau lưng người khác.

- Ê tụi bây, thấy con nhỏ nhân viên mới đẹp quá nhỉ! Mấy gã nhà mình vừa thấy em xuất hiện là tíu tít cả lên.

- Ừ! Con đó đẹp mà có vẻ điệu đà quá, tao không ưa nó tẹo nào!

Bao giờ cũng vậy, trong cơ quan hễ có chuyện gì, giả dụ như sự xuất hiện của một nhân viên nữ trong phòng, cũng thường bị cánh chị em để ý, từ cách đi đứng, nói năng, hành xử, tất cả đều có thể đưa ra bàn tán. Đó là khiếm khuyết của phụ nữ, mà những người đàn ông thường nhăn nhó mỗi khi nhắc đến cái tật nói nhiều của các chị em phải thốt lên rằng: “Đúng là đàn bà, nhiều chuyện!”.

Riêng chị, tôi chưa bao giờ thấy chị nói xấu bất kỳ ai hay tham gia vào những phi vụ chém gió nào. Chị ít để ý đến những câu hỏi không liên quan đến mình, nhưng hay trả lời nó bằng một nụ cười xã giao cho qua chuyện.

Chị cũng là phụ nữ, cũng là đàn bà đó thôi nhưng chị thì lại luôn vui vẻ, hòa đồng và không tham gia nói xấu bất kỳ ai, phải chăng nhờ đó mà chị luôn nhận được sự quý mến của các anh chị em đồng nghiệp. Chị luôn mạnh dạn nhận những gì mình sai phạm, dù chỉ là một cái lỡ lời không đáng trách. Còn chúng tôi thì trái lại, rõ ràng là luôn bàn ra tán vào chuyện của người khác, tất nhiên là có thêm bớt, thế mà có bao giờ dám đứng ra nhận khiếm khuyết về mình đâu.

Mọi vấn đề đều biện minh “không có lửa thì làm sao có khói”, còn cái miệng thì cứ a dua theo phong trào, hứng lên thì nói cho đã miệng, có khi nói xong rồi còn không nhớ mình đã nói những gì. Mỗi lần cơ quan phân xử chuyện gì thì phần đông luôn thắng thế, sếp có than thở hay bực bội thì cũng không thể đuổi việc một lúc cả đám như vậy. Rồi sếp cũng lại thườn thượt một câu thở dài: “Đàn bà các cô nhiều chuyện quá!”.

Thận trọng khi “tám” nơi công sở - 1

Nếu chúng ta sáng suốt, nhìn những điều không tốt của người khác thì thấy đó mà tránh (Ảnh minh họa)

Chúng tôi lại vẫn cứ hả hê và tiếp tục làm mưa làm gió, nói móc, nói méo, nói đông nói tây, nói cho ai nhột mặc ai, ai có tật thì giật mình... Rồi đến lúc không ai nói mình mà chúng tôi phải tự giật mình vì thấy ở đâu ra nhiều rắc rối đến vậy. Người này ghét, người khác không ưa, các đồng nghiệp cũng dần xa lánh và không còn nhiệt tình giúp đỡ mình như trước, rồi hết chuyện này đến chuyện khác từ đó mà nảy sinh, phải chăng đã đến lúc “đổ nghiệp”.

Có lúc tôi ước giá như mình được như chị. Việc cơ quan, nhà cửa, chồng con bộn bề mà chị vẫn chỉn chu đâu vào đấy. Làm xong việc cơ quan rồi lo việc gia đình, thời gian rảnh thì vẫn tham gia các buổi vui chơi, hay chuyện trò cùng đồng nghiệp, nhưng là những câu chuyện về công việc, cuộc sống mà không đụng chạm hay tổn thương ai. Còn những chuyện cần góp ý cho người khác thì chị tham gia trên tinh thần nhẹ nhàng, hòa giải. Chắc vì thế mà chị luôn an nhàn, vui vẻ, tự tin và tươi cười khi gặp bất cứ ai.

Ngẫm lại, đôi khi mình không thích một ai đó, tuy bằng mặt mà không bằng lòng, có gặp thì cũng gượng cười cho qua chuyện, dù người ta làm gì, nói gì mình cũng phải để ý xem sao… Nhìn lại thấy thật phí công, mất thời giờ, tốn sức mà chẳng được gì, đã vậy còn ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Chuyện đời có muôn vàn điều trái tai, gai mắt cũng đủ mệt mỏi rồi, các chị em cứ xé to chuyện nhỏ làm gì thêm cho mệt.

Có thời gian thì hỏi han, chăm sóc đồng nghiệp, quan tâm đến công việc của mình hoặc chia sẻ với nhau những điều bổ ích. Như vậy thì công việc cũng hoàn thành tốt, đồng nghiệp vì đó mà cũng thương mến và quan tâm đến mình hơn. Những cái nên làm thì ít thấy, toàn làm những chuyện cho nhức đầu thiên hạ chơi, vậy mà đâu hay nạn nhân đầu tiên lại là chính mình.

Nhờ duyên lành tôi đã có dịp cùng chị về nhà và tôi thực sự ngỡ ngàng trước góc tâm linh trong nhà chị. Có vẻ như cả hai vợ chồng chị rất hiểu nhau, đồng cảm và cùng chung lý tưởng nên gia đình chị thường ăn chay, niệm Phật. Tôi mới ngỡ ra, chắc đây là nguyên nhân khiến chị sống chân thật và hành xử khéo léo nên được mọi người yêu quý như vậy.

Chị chia sẻ với tôi, trong cuộc sống chúng ta luôn gặp phải những người làm ta khó chịu, những thứ làm ta bực bội. Nếu chúng ta sáng suốt, nhìn những điều không tốt của người khác thì thấy đó mà tránh, thấy đó mà thương lấy họ chứ đừng trách cứ họ làm chi cho tâm mình thêm phiền muộn. Ngược lại, họ còn là ân nhân của mình, vì họ cho mình thấy cái xấu của họ để rồi mình tránh, từ đó mà có được cái đẹp cho mình. Tôi im lặng như muốn nuốt trọn những điều chị nói, lòng thầm mong học theo cách sống của chị.

Bây giờ tôi cũng là Phật tử và tôi mong mình cũng được mọi người mến yêu như chị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Thanh (Giác Ngộ)
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN