Sinh viên ra trường sốc vì lương thấp hơn ô sin, nhân viên chan bún

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Mức lương dành cho nhân viên chan bún không cần bằng cấp, kinh nghiệm là 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Trong khi những tranh cãi xung quanh câu chuyện lương cử nhân đại học thấp hơn lương ô sin chưa dứt thì mới đây, mức lương của sinh viên mới ra trường lại được đem ra so sánh với loại hình công việc khác có mức lương không tệ: nhân viên chan bún.

Câu chuyện bắt đầu từ dòng thông tin tuyển dụng của một hệ thống nhà hàng tại Hà Nội. Vị trí tuyển dụng là nhân viên chan bún, mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Công việc cụ thể là đứng chán bún và trả “order” cho khách theo hướng dẫn của trưởng bộ phận, đảm bảo sạch sẽ khu vực bếp, ngoài ra, sẽ trao đổi kỹ hơn khi phỏng vấn.

Sinh viên ra trường sốc vì lương thấp hơn ô sin, nhân viên chan bún - 1

Dòng thông tin tuyển dụng gây xôn xao dân mạng 

Với vị trí công việc này, người ứng truyển không cần có kinh nghiệm, trình độ học vấn chỉ ở bậc trung học và công việc được chia theo ca, mỗi ca 8 tiếng.

Không cần kinh nghiệm, bằng cấp, thời gian làm việc giống như mọi nhân viên văn phòng, mức lương lại khá cao so với mặt bằng chung, đây được xem là mức lương đáng mơ ước với nhiều người.

Trong số rất nhiều bình luận phía dưới hình ảnh chụp lại thông tin tuyển dụng, có không ít người trẻ, sinh viên mới ra trường tỏ vẻ não nề. Họ so sánh mức lương “còm cõi” mà trước đó phải cần tới bằng cao đẳng, đại học, bằng tin học, trình độ tiếng Anh và một CV điền đủ thông tin học vấn, kinh nghiệm mới có được, với lương của một người chan bún không cần kinh nghiệm, bằng cấp.

Vũ Thị Hương (23 tuổi, nhân viên kế toán tại Hà Nội) ngượng ngùng chia sẻ, mức lương khởi điểm của cô là 3 triệu đồng, ngoài ra không có thu nhập thêm. Chưa kể, Hương phải mất đến 2 tháng thử việc, nhận lương 80%.

Mà để có công việc này không hề đơn giản. Hương ví von, cử nhân kế toán hiện giờ đông như kiến, “chém 7 ngày không hết”, nên để có được công việc này tại một công ty gia đình, cô phải nhờ đến người thân hỗ trợ.

Sinh viên ra trường sốc vì lương thấp hơn ô sin, nhân viên chan bún - 2

Nhiều sinh viên mới ra trường nhận được mức lương khởi điểm thấp 

Sau 1 năm cống hiến, Hương được tăng thêm 1 triệu đồng tiền lương, đồng nghĩa với việc khối lượng công việc nhiều lên. Lương không đủ trang trải cuộc sống, lại thêm công việc áp lực khiến cô không khỏi nản lòng.

“Một người bạn cùng lớp mình, học được 2 năm thì bỏ vì lo sau này thất nghiệp. Cô ấy xin vào làm thu ngân trong siêu thị, lương khởi điểm đã 5 triệu, làm được 2 năm, sau vài lần thi nâng cấp thì được tăng lên 7 triệu. Đấy, suýt soát gấp 2 lần lương cử nhân đại học như mình rồi. Nghĩ mà não ruột”, Hương than thở.

Chán nản là vậy nhưng cô vẫn quyết đeo bám công việc này đến cùng với lý do rất… hài hước: “Cố làm nhân viên văn phòng để kiếm tấm chồng ngon đã, tính sau”.

Trang Phạm (sinh năm 1994, giáo viên mầm non) cũng chịu áp lực lớn từ gia đình khi sau 2 năm ra trường, lương vẫn bọt bèo. Mức lương hiện tại của cô là 4,2 triệu và chính cô cũng không rõ, mình có thể cầm cự đến bao giờ.

Sống ở quê nên việc bị so sánh với lương ô sin, nhân viên chạy bàn với Trang là chuyện cơm bữa... “Bà hàng xóm ngày nào cũng khoe, con bà đi làm may lương cũng được 5, 7 triệu hoặc đứa xóm trên đi làm công nhân cho công ty điện tử lương ngót nghét 9 triệu mà chẳng mất đồng tiền học đại học nào”, Trang buồn phiền kể.

Bản thân Trang nhiều lần đấu tranh tâm lý, nên nghỉ việc đi làm công nhân hay tiếp tục công việc yêu thích nhưng lương thấp này.

“Bỏ thì lo bố mẹ mang tiếng, tốn cơm nuôi con 4 năm đại học, mà đi làm tiếp cuối tháng nhận vài đồng lương còm cõi thì buồn. Được cái bố mẹ mình luôn động viên nên theo đuổi ngành sư phạm để không phải làm ca, kíp, sau này có thời gian cho gia đình”, Trang kể.

Sinh viên ra trường sốc vì lương thấp hơn ô sin, nhân viên chan bún - 3

Lương cử nhân thấp hơn cả lương ô sin khiến không ít bạn trẻ chán nản 

Nguyễn Phượng (cựu sinh viên trường Đại học Thương mại) cho hay, bạn bè đồng lứa của cô ra trường làm nhiều công việc khác nhau như: nhân viên marketing, nhân viên sale, social, kiểm thử phần mềm… và hầu hết đều nhận được mức lương khởi điểm từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Thời điểm mới ra trường, Phượng từng có suy nghĩ “kiếm được việc là tốt rồi” nên khá hài lòng với mức lương khởi điểm đó. Nhưng khi chịu áp lực công việc, cô lại khá nản lòng và đôi lúc so sánh lương của mình với lương công nhân.

“Cũng có lúc chán vì việc nặng mà lương thấp nhưng chỉ trong chốc lát thôi. Tụi mình bảo nhau, giờ có môi trường học hỏi là tốt rồi, đừng để tâm đến lương. Sau này có kiến thức, kinh nghiệm thực tế sẽ khá khẩm hơn”, Phượng lạc quan.

Rất nhiều sinh viên mới ra trường làm những công việc như nhân viên chăm sóc sức khỏe cá nhân, nhân viên bán hàng, kế toán, giáo viên hợp đồng, hành chính nhân sự… cũng than phiền về mức lương khởi điểm.

Họ chỉ được trả từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng trong khi khối lượng công việc không hề nhỏ. Hầu hết đều phải làm trọn 8 giờ/ngày cộng thêm sáng thứ 7.  Cũng bởi thế mà sự so sánh với lương ô sin, nhân viên chan bún… là điều không tránh khỏi.

***

Tuy nhiên, một số bạn khẳng định rằng, dù lương thấp hơn nữa, cuộc sống khó khăn hơn nữa, họ vẫn muốn làm công việc đúng với ngành đã học chứ không làm giúp việc hoặc lao động chân tay.

Vậy lý do họ đưa ra là gì? Cùng đọc bài tiếp theo vào lúc 9h00 ngày 3/11/2017.

Chàng học sinh cưới cô giáo chủ nhiệm 10 năm trước giờ ra sao?

Cô giáo hơn học trò 8 tuổi nhưng vẫn nên duyên vợ chồng sau bao ngăn cấm của gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN