Roi vọt thời nay

Kiểu giáo dục “thương cho roi cho vọt” tưởng đã thuộc về quá khứ, nhưng hoá ra nó vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, khi mà gần đây những câu chuyện bạo hành con cái trở thành tâm điểm của các trang báo mạng. Giáo dục con theo kiểu “bố sói mẹ hổ” thì được gì?

Phản đòn

Một học sinh lớp 10 ở Dăk Nông trốn nhà, bỏ học chơi game thì bị bố bắt gặp, phạt bò một quãng đường dài từ tiệm net về nhà. Còn trên đoạn đường Âu Cơ, quận Tân Bình TP.HCM một trưa nắng đổ lửa, một bé trai 12 tuổi bị người lớn trong nhà trừng phạt bằng cách bắt mang tấm bảng “Tôi là thằng ăn cắp” do định lấy trộm chiếc xe đạp trong tiệm nọ...

Sau khi đọc những câu chuyện đau lòng kia, anh bạn tôi nhắc lại tuổi thơ của mình, cũng chịu sự dạy dỗ hà khắc như những cậu bé kia. Làm sai một bài toán, thấp điểm, anh bạn tôi không dám về nhà vì sợ cha bắt thức đến sáng để học các bất đẳng thức nằm lòng mới thôi. Có lần tan học đi chơi cùng bạn về nhà trễ, anh bị cha treo ngược lên trần nhà đúng một tiếng đồng hồ, còn bắt nhịn cơm. Một lần khác, anh bị cha phạt quỳ trên đám ruộng cày giữa trưa miền Trung tháng 7 vì tội không thuộc bài ở lớp... “Nhưng chính vì sự khắc nghiệt đó mà tôi thành đạt như hôm nay. Cha tôi đã nghiêm đúng với anh em tôi” – anh bạn tôi, giờ là giám đốc một công ty xây dựng, kết luận. Và anh đã tiếp ứng những nghiêm khắc từ người cha để dạy đứa con trai 15 tuổi. Không quỳ trên ruộng cày, không treo ngược trên trần nhà, không đánh đòn roi, nhưng “roi vọt” của anh dành cho con còn đau hơn. Thằng bé lười ăn cơm, một hôm lén trộm vài thanh sôcôla mẹ cất trong tủ lạnh, vậy là cả ngày hôm đó thằng nhỏ tội nghiệp bị bố phạt ăn cho hết năm hộp sôcôla đến nghẹn! Con không thích ăn mướp đắng, nhưng ngày nào bố cũng dặn cả nhà nấu mướp đắng cho nó ăn đến khi quen miệng mới thôi. Thằng nhỏ xin bố mẹ đi sinh nhật bạn, về nhà trễ có mười phút, liền bị bố mẹ khoá trái cửa khiến phải ngủ ngoài hành lang cả đêm... Tôi bảo đó là kiểu dạy tàn nhẫn, anh bạn đáp liền: “Giờ ngoài xã hội nhiều cám dỗ, mình phải rắn nó mới yên”.

Tại một trung tâm giáo dục và trị liệu trẻ em ở quận 7, một người cha tuổi 50 đưa đứa con trai 18 tuổi đến nhờ chuyên gia điều trị. Cậu bé không đạt suất học bổng đi nước ngoài nên thất chí, xé áo quần, lúc ngồi bất động một góc, lúc khóc cười cả ngày. Sau vài tiếng định thần tâm trí cậu bé, chuyên gia tâm lý mới từ tốn trò chuyện với em: “Vì sao em thích thi đậu đại học?” Câu trả lời như nằm sẵn trong đầu: “Vì muốn thoát khỏi gia đình, muốn sống thật tự do”.

Roi vọt thời nay - 1

Cha mẹ hãy dùng những lời ngọt ngào nhất cho con mình, chứ không phải những lời khiến tim non rướm máu (Ảnh minh họa)

Qua lời tâm sự mới biết, năm tháng tuổi thơ của em chỉ có những điểm mười và sự tuân thủ giờ giấc gia đình đặt ra. Chỉ cần một môn nào đó xuống dưới điểm chín, thế nào em cũng nhận nhiều giọt nước mắt của mẹ cũng như cái trừng mắt tức giận của cha. Tuổi thơ trôi qua như một hình nhân di động, không thể phản ứng lại, cách tốt nhất mà em nghĩ là cố gắng học thật giỏi, đậu đại học, xin học bổng nước ngoài để có thể thoát khỏi cái ách hà khắc của gia đình. Càng khát khao thì tâm lý càng căng thẳng, ước nguyện được học bổng du học không thành khiến cậu suy sụp.

TS Trần Thị Thu Mai, phó trưởng khoa Tâm lý – giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định: kiểu giáo dục biệt dị ở trên chỉ nguỵ biện cho sự thất bại trong dạy dỗ con cái. Dưới uy quyền quá lớn của bố mẹ, trẻ có thể phản ứng nhiều kiểu: bỏ nhà đi, khu trú cuộc sống cá nhân, phản ứng quyết liệt, bị tự kỷ, hành xử bạo lực với xung quanh. Âm thầm chịu đựng cũng là một kiểu phản đối, nhưng khi trưởng thành đứa con đó sẽ áp đặt roi vọt cho thế hệ sau.

Thương cho ngọt cho bùi

Tại một cuộc trò chuyện với trẻ vị thành niên được tổ chức ở nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM gần đây, khi được hỏi trong gia đình ai là người gần gũi với em nhất, cô bé N.K, 15 tuổi buông câu trả lời: “Trong nhà con ghét nhất là mẹ, vì mẹ lúc nào cũng thô lỗ, trống lốc. Con thi học kỳ được điểm 10 môn toán, về khoe với mẹ, mẹ chỉ buông “bấy nhiêu đó thôi mà tự mãn rồi”. Con gặp chuyện không vui ở lớp, về nhà muốn chia sẻ với mẹ, nghe xong mẹ quát “mới bây lớn mà bày đặt buồn với vui”. Hôm có bạn bè con đến chơi, con lỡ tay làm rơi bể cái chén, mẹ chửi “đồ con gái hư”. Khi mẹ bực chuyện gì thì con phải tránh né, nếu có ở đó thế nào mẹ cũng bảo “mày chết đi cho quả đất đỡ chật”. Con không thích về nhà chút nào, vì về thế nào cũng gặp mẹ, mà bố lại hay đi công tác xa, con đâu được trò chuyện với ai”.

Những đứa trẻ là nạn nhân của sự đay nghiến thường phản ứng bằng cách hấp thụ sự thô lỗ, và áp dụng chúng với bạn bè, với em nhỏ trong nhà. Một vài đứa khác cố tình tạo khoảng cách với người lớn, bởi trong mắt chúng bố mẹ là những người đáng sợ nhất. Và trẻ sẽ tìm điểm tựa ở một đối tượng khác, hoặc nếu không còn ai tin tưởng, trẻ sẽ đi theo hướng mà chúng thấy đó là niềm vui nhưng thường lại là cạm bẫy ngoài xã hội như bạn bè xấu, ma tuý… Vì vậy, cha mẹ hãy dùng những lời ngọt ngào nhất cho con mình, chứ không phải những lời khiến tim non rướm máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Cao (Sài gòn tiếp thị)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN