Quỳ gối xin việc: Nhà tuyển dụng không phải nhà hảo tâm

“Tôi sẽ rất bất ngờ nếu đây là cách xin việc hiệu quả, để rồi sau này các cử nhân đi xin việc không cần CV, chỉ việc ra đường quỳ gối”, CEO Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.

Chàng trai “quỳ gối” trước cổng VTV giơ biển xin nhà tuyển dụng ban cho một vị trí nhân viên bán hàng gây xôn xao dư luận những ngày gần đây không phải trường hợp đầu tiên xin việc theo cách khác biệt của người trẻ. Trước đó, vào thời điểm tháng 8/2015, một cử nhân thất nghiệp lâu ngày cũng sẵn sàng ra giữa đường giơ biển xin việc để kiếm tiền mua sữa cho con.

Quỳ gối xin việc: Nhà tuyển dụng không phải nhà hảo tâm - 1

Chàng trai quỳ gối xin việc trước cổng Đài truyền hình gây xôn xao dư luận

Dù xuất phát điểm khác nhau (một người có bằng cử nhân, một người chỉ học hết lớp 6 – PV) nhưng ông bố trẻ và chàng trai Thủ đô có cùng mục tiêu là xin được việc làm để chấm dứt những tháng ngày túng quẫn. Cách xin việc lạ của họ đã gây nên làn sóng tranh cãi lớn trong dư luận.

Nhiều người cho rằng, trong thời buổi người thất nghiệp đông hơn kẻ có việc làm như hiện tại, việc dám ra đường quỳ gối, giơ biển xin việc như vậy là can đảm, táo bạo. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, đó là cách xin việc hèn kém, chỉ dành cho những người thiếu tự tin về bản thân.

Vậy, các nhà tuyển dụng nghĩ sao về cách xin việc này? Họ sẵn sàng tuyển dụng những người có hành động “độc và lạ” như vậy? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Minh Ngọc, CEO Gemslight Company Ltd, người từng có bài viết thức tỉnh 178.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp gây tiếng vang để lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề này:

Mới đây, vừa có một chàng trai quỳ gối cầm biển xin việc trước cổng VTV. Dưới góc độ của một nhà tuyển dụng, anh thấy sao về trường hợp này?

Tôi có biết về việc đó, tuy nhiên không có đủ hết thông tin chính xác về anh ta nên không biết chắc chắn mục đích của anh ấy là gì? Làm liều để xin việc bằng việc thu hút chú ý giới truyền thông? Hay là có ai đó đứng sau xúi giục? Hay là với một mục đích riêng gì đó? Tại sao quỳ gối, giơ biển xin việc mà lại không để lại số điện thoại trên đó? Chẳng lẽ cứ đợi nhà tuyển dụng đi ngang qua nhìn thấy rồi đến tuyển?

Là một nhà tuyển dụng, anh có tuyển một thanh niên quỳ gối xin việc như thế?

Tuyển dụng nó bao hàm rất nhiều yếu tố như tuyển lao động phổ thông, tuyển người có trình độ cao, tuyển người về làm sáng tạo...

Trước mắt, tôi thấy anh ta có một điểm nổi bật: đó là dám quỳ gối. Nếu một công việc nào đó đòi hỏi điều này thì có thể nhà tuyển dụng sẽ tìm đến anh chàng vì dù sao điều họ cần nhất là tuyển được một người làm được việc cho họ chứ không mấy quan tâm đến chuyện xin việc bằng cách nào và tất nhiên cũng không thể trở thành một nhà hảo tâm.

Quỳ gối xin việc: Nhà tuyển dụng không phải nhà hảo tâm - 2

Ông Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, quỳ gối xin việc là cách làm không hiệu quả

Tôi xin khẳng định, một doanh nghiệp chưa bao giờ là một “doanh trại từ thiện”, sẵn sàng thu nhận một người vào công ty chỉ vì cuộc sống của họ đang bế tắc. Và nhà tuyển dụng cũng không bao giờ đóng vai một nhà hảo tâm đối với nhân viên của họ.  Đó là mối hợp tác mang lại giá trị cho đôi bên.

Nhiều người lên tiếng bảo vệ chàng thanh niên, cho rằng, tìm việc là một nhu cầu thiết yếu, người ta có thể làm bằng cách này hay cách khác, miễn không xin xỏ của ai. Quan điểm cá nhân của anh thì sao?

Tôi sẽ rất bất ngờ nếu đây là cách xin việc hiệu quả, để rồi sau này các cử nhân đi xin việc không cần CV, chỉ việc ra đường quỳ gối.

Là một nhà tuyển dụng, tôi chỉ quan tâm đến cách xin việc này ở khía cạnh hiệu quả mà nó mang lại, chứ không đánh giá về các yếu tố khác. Anh ta không vi phạm pháp luật khi xin việc kiểu đó. Nhưng tôi nghĩ, có nhiều cách khác tốt hơn và cách này có lẽ, sẽ không hiệu quả.

Còn có ý kiến cho rằng: “Biết quỳ gối xin việc làm lương thiện còn hơn là đi cướp giật, làm ăn phi pháp”. Hoặc: “Quỳ ở đây xin việc còn hơn “ngấm ngầm” quỵ lụy bỏ tiền xin vào biên chế”… Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Chẳng có nấc thang nào đo đếm được rằng, làm điều này tốt hơn điều kia, vì đơn giản mỗi người có một  hoàn cảnh khác nhau. Họ luôn có hành động phù hợp nhất với hoàn cảnh và nguồn lực cá nhân của họ. Nếu có cách tốt hơn với họ tại thời điểm đó thì tôi tin họ cũng đã hành động.

Chàng thanh niên chia sẻ, gia đình khó khăn, phải nghỉ học từ lớp 6, không có bằng cấp nên không xin được việc. Lý do đó liệu đã đủ để thuyết phục mọi người thôi phán xét về cách xin việc của anh ta?

Tôi là một nhà đào tạo kỹ năng thuyết phục và bán hàng và tôi chưa thấy nơi nào tuyển nhân viên bán hàng mà đặt nặng vấn đề bằng cấp cả. Theo như tôi biết, công việc chàng trai muốn nhà tuyển dụng “làm ơn” tuyển là nhân viên bán hàng.

Cách đây không lâu, cũng có một cử nhân cầm biển xin việc lấy tiền mua sữa cho con. Liệu có phải một bộ phận giới trẻ Việt đang càng ngày càng thiếu tự tin vào bản thân nên phải xin việc bằng những cách này?

2 người không thể đại diện cho một bộ phận hay gì hết. Nhưng tôi nghĩ họ đã không thể nghĩ ra cách tốt hơn trong phạm vi hiểu biết của họ nên mới làm vậy.

Quỳ gối xin việc: Nhà tuyển dụng không phải nhà hảo tâm - 3

Theo CEO Gemslight Company Ltd, để tự tin đưa ra yêu cầu về quyền lợi, các ứng viên phải biết nâng tầm trách nhiệm của mình và đủ sức gánh vác công việc được giao

Là một nhà tuyển dụng, anh thường đặt ra những tiêu chí gì đối với các ứng viên xin việc?

Tiêu chí sẽ tuỳ thuộc vào vị trí và từng loại công việc, không có tiêu chí chung. Đơn giản là hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ mang lại lợi ích gì cho họ. Còn làm thế nào thì khi thật sự khao khát công việc ở đó, bạn sẽ tự biết cách khiến cho nhà tuyển dụng thấy điều đó qua ánh mắt.  

Bạn có thể ăn nói kém, có thể hơi run rẩy trong phút đối diện với nhà tuyển dụng nhưng phần nội bên trong được biểu hiện ra ngoài qua ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ là thứ tác động đến vùng não quyết định của nhà tuyển dụng chuyên nghiệp.

Theo anh, liệu các ứng viên đi xin việc có quyền được đưa ra yêu cầu về quyền lợi của mình với nhà tuyển dụng. Và để làm được điều đó, họ cần có những tố chất gì?

Quyền lợi sẽ tương xứng với nghĩa vụ và trách nhiệm mà ứng viên cần đảm nhiệm. Không ai cho không bạn cái gì cả, ngay cả lương cứng cũng là mức lương được trả cho bảng mô tả công việc cố định mà bạn phải hoàn tất chứ không phải là khoản hỗ trợ mặc định bạn được nhận. Doanh nghiệp nào không nắm được điều này trong trả lương thì đó là một sự nhầm lẫn.

Vậy nên muốn có nhiều quyền lợi thì hãy nâng tầm trách nhiệm gánh vác của bạn lên và học hỏi đi. 

Lại nói về chuyện tiền và quan hệ trong xin việc, rất nhiều cử nhân kêu than về việc này. Theo ông, tiền và quan hệ chiếm bao nhiêu % trong việc tìm kiếm việc làm thành công?

Những nơi có thể dùng tiền và quan hệ mà vào thì cũng không có gì đáng để phấn đấu.

Còn nhiều khi, người ta xin việc qua quan hệ vì có thể họ cần người nhà để tin tưởng hơn. Có thân quen thì sẽ bớt đi nỗi lo về niềm tin đối với một ứng viên. Nói cho cùng nhà tuyển dụng luôn làm điều có lợi nhất cho họ và ứng viên.

Bạn nào mà luôn tìm ra những cái vô lý của nhà tuyển dụng để rồi ca thán thì tốt nhất đừng đi xin việc nữa, quay sang làm chủ rồi đứng vào vị trí tuyển dụng đi, bạn sẽ thấy đời tuyển dụng không như là mơ.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

"Khi bạn đi xin việc làm, nói là đi xin nhưng thật ra là bạn đi Đề Nghị Bán Sức Lao Động của mình cho người khác chứ chẳng phải xin xỏ gì! Bạn đem lại lợi ích cho người chủ, họ sẽ trả lương cho bạn, rất sòng phẳng! Và các bạn nên nhớ, những người tuyển dụng luôn cần những nhân sự làm được việc, kiếm tiền cho họ. Họ phải bỏ ra 1,2 tháng lương để nhờ công ty dịch vụ việc làm hay săn đầu người tìm kiếm tài năng cho họ!

Vậy tại sao bạn phải quỳ gối hèn hạ để xin việc! Vì bản chất bạn chả đem lại lợi lộc gì cho người ta cả, mà đã như thế, họ tuyển bạn vào làm, trả lương cho bạn khác nào bố thí, vậy thì bạn đi xin ăn luôn cho nó gọn, xin việc làm làm gì, lằng nhằng!

Vậy nên, muốn xin việc làm thì hãy thẳng lưng dõng dạc “quát” vào mặt chủ rằng: “ Ông hãy khôn hồn mà tuyển tôi, vì tôi sẽ đem tiền về cho ông, có bị điên mới bỏ qua tôi!”. Tất nhiên muốn quát được câu đó thì bạn phải có đủ năng lực đem tiền về thật"

Trích ý kiến của bác sĩ Huỳnh Phước Sang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN