Quay như chong chóng với lễ nghi ngày Tết ở nhà bạn trai, tôi muốn bỏ chạy

Sự kiện: Những tâm sự hay

Tôi yêu Thành rất nhiều, nhưng để về làm dâu gia đình anh và đảm đương tất cả những việc như chị dâu anh lâu nay phải làm, tôi e ngại vô cùng. Nhưng nói lời chia tay anh chỉ vì bản thân ngại khó ngại khổ thì tôi không nỡ.

Tôi không thích ứng nổi nề nếp gia đình người yêu. Ảnh minh họa

Tôi không thích ứng nổi nề nếp gia đình người yêu. Ảnh minh họa

Ba má lại có mỗi mình tôi là tiểu thư lá ngọc cành vàng nên cưng chiều con gái vô cùng. Tuy nhiên tôi cũng không ỷ lại, làm vương làm tướng trong nhà. Từ nhỏ, má tuy nuông chiều con gái nhưng lại có cách dạy dỗ cực kỳ nghiêm túc. Chính vì thế, tôi xác định cho mình con đường học tập và luôn vươn lên khẳng định mình trong cuộc sống.

Tôi gặp Thành, mối tình đầu của tôi trong trường đại học. Thành là trai Bắc chính hiệu, cung cách ăn nói và cư xử điềm đạm, mực thước và rất thâm trầm. Không như những vệ tinh vây quanh tôi thời điểm bấy giờ, chỉ thích chơi trội và thể hiện bề nổi khoe mẽ, Thành lại chinh phục tôi theo cách rất riêng. Anh sử dụng chiến thuật "mưa dầm thấm lâu", lặng lẽ quan sát tôi từ xa và thể hiện tình cảm bằng những cử chỉ quan tâm rất nhỏ nhưng vô cùng tinh tế.

Hai chúng tôi, người lớp trưởng, kẻ làm bí thư, song hành cùng nhau trong các hoạt động bề nổi của lớp. Tôi bị vẻ điềm đạc chừng mực của Thành chinh phục. Chúng tôi chính thức thành một cặp từ năm thứ hai đại học.

Suốt ba năm yêu nhau, Thành kể cho tôi nghe nhiều về quê hương anh. Đó là mộ thị trấn nhỏ xinh vùng đồng bằng. Bố mẹ anh đều là giáo viên đã nghỉ hưu. Gia đình anh tứ đại đồng đường trong một mái nhà. Mọi thứ đều do bà nội anh sắp xếp. Nề nếp gia đình yên ấm đâu vào đấy, là tấm gương cho mọi người quanh khu vực lấy đó dạy dỗ con cái về nề nếp gia phong.

Tôi yêu anh và khâm phục nếp nhà bạn trai, thầm hiểu vì sao anh lại sớm trưởng thành về nhân cách và là người đàn ông đáng tin cậy như bây giờ. Trong thâm tâm, tôi mong được anh dẫn về quê một lần để được gần gũi thăm hỏi bà nội, bố mẹ anh, cũng là hiểu tường tận gốc gác cũng như gia phong gia đình bạn trai.

Thời gian tìm hiểu yêu đương của chúng tôi đã chín muồi. Năm đầu tiên ra trường, Thành và tôi đã nhanh chóng ổn định công tác. Tôi đưa anh về thăm ba má nhiều lần. Các cụ tỏ ra rất hài lòng về con rể tương lai. Về phía Thành, anh bàn bạc với tôi tết này sẽ thu xếp đưa tôi về quê anh ăn tết, nhân tiện giới thiệu tôi với các thành viên trong gia đình, chuẩn bị nền tảng cho một lễ cưới không lâu sau đấy.

Tôi có nên "bỏ chạy"? Ảnh minh họa

Tôi có nên "bỏ chạy"? Ảnh minh họa

28 Tết, chúng tôi đáp chuyến tàu về quê anh. Ban đầu mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Ai cũng vui mừng thân thiện chào đón vị khách quý, cũng là dâu con tương lai trong gia đình. Mọi sự ngạc nhiên của tôi bắt đầu khi chính thức ngồi vào mâm cơm với gia đình bạn trai.

Gia đình anh bốn thế hệ: bà nội, bố mẹ anh, vợ chồng anh trai cùng con nhỏ ở cùng nhà, cộng thêm tôi và Thành nữa tổng cộng 8 thành viên. Tôi để ý chị dâu tương lai ở từng cung cách ứng xử rồi tự rút ra bài học cho mình.

Chị dặn khi nấu cơm, phải cố tình để nán thêm chút nước ở góc sao cho phần này cơm sôi lâu hơn, đặng khi chín sẽ mềm hơn. Phần cơm đó được con cháu lưu ý để xới cho bà nội và bố mẹ vì răng họ đã yếu. Phần còn lại sẽ dành cho các thành viên trẻ khỏe khác.

Con dâu không được phép "mời tắt", "mời gộp": "Con mời cả nhà ăn cơm". Ngược lại, chị phải đứng lên mời từng thành viên trong gia đình theo thứ tự từ già đến trẻ.

Chị dâu thoăn thoắt xới cơm, tới lượt chị vừa nâng bát lên đã phải đặt xuống để tất bật tiếp thêm đồ ăn sao cho trên mâm lúc nào cũng đủ đầy tươm tất. Chị chu toàn và lễ giáo quá, không phút nào ngơi nghỉ, rốt cuộc chị chẳng chăm lo cho bản thân được chút nào.

Cũng theo lời Thành, bà nội anh đã thống nhất, tới khi cưới tôi về, chúng tôi sẽ chuyển công tác ở Sài Gòn về đây cho tiện. Vị trí làm việc của cả hai, bà đã nhờ mối quen biết sắp đặt sẵn cả rồi. Tôi cũng sẽ ở chung cả đại gia đình chứ không được phép ra ở riêng. Những việc nấu nướng, lo gìn giữ nếp nhà hằng ngày, tôi sẽ phải thay chị dâu đảm đương tất cả.

Đêm trừ tịch, tôi theo chân Thành và anh trai chồng, chị dâu về dưới quê gốc. Đó mới chính là nơi sinh ra ông bà nội và bố mẹ anh. Ở đây, phụ nữ phận dâu con trong gia đình sẽ phải thức thâu đêm 30 để làm bánh trái, cỗ bàn. Họ phải lo lắng chu toàn sao cho sáng mùng 1 Tết, mọi lễ nghi cỗ bàn tươm tất cho "việc họ". Các "đinh" là trai tráng sẽ có mặt tại gia đình ông trưởng họ, ăn uống và bàn "việc họ".

Mùng Hai tết, sau khi đã dự một cái tết mệt bơ phờ nhiều thủ tục ở quê bạn trai, lòng tôi nặng trĩu đi tàu ngược về Sài Gòn. Tôi yêu Thành rất nhiều, nhưng để về làm dâu gia đình anh và đảm đương tất cả những việc như chị dâu anh lâu nay phải làm, tôi e ngại vô cùng. Nhưng nói lời chia tay anh chỉ vì bản thân ngại khó ngại khổ thì tôi không nỡ.

Có phải một khi đã đưa mọi thứ lên bàn cân là khi tình yêu tôi dành cho anh không đủ lớn?

Đứng trước một sự lựa chọn, chẳng lẽ tôi không được phép dùng lý trí mà chỉ đưa tình cảm ủy mị ra để ru ngủ mình? Mong bạn đọc hãy cho tôi lời khuyên chân thành trong hoàn cảnh này.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngược đời, ăn Tết nhà chồng sướng hơn nhà đẻ

Có những cô gái làm mọi cách để được về ăn Tết cùng mẹ đẻ nhưng có người lại chỉ muốn được đón Tết nhà chồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thuật (ghi) ([Tên nguồn])
Những tâm sự hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN