Quà “ngoại” phải hơn quà “nội”

Túi quà Tết cho bên ngoại, chị đóng toàn bánh kẹo, hoa quả ngon, còn túi quà cho bên nội chỉ là những bánh kẹo, hoa quả rẻ tiền.

Tôi vừa thi xong là tranh thủ về quê giúp bố mẹ mua sắm Tết. Thỉnh thoảng tôi lại sang phụ giúp chị Hương – hàng xóm nhà tôi bán hàng Tết. Chị là người Tuyên Quang lấy chồng về đây. Từ nhỏ, chị đã quen buôn bán làm ăn nên tính cách chị đôi lúc bộc lộ vẻ “chợ búa”. Chị với mẹ chồng lại không hợp nhau, bởi vậy chị vẫn thường tâm sự với tôi chuyện gia đình chồng. Dường như lúc nào chị cũng nhớ đến bố mẹ, quê hương mình. Chị nói: “Con gái đi lấy chồng phụ thuộc nhiều lắm. Sau này em cũng nên biết giấu diếm, vun vén về cho bố mẹ mình”. Tôi thường nghe chị “thao thao bất tuyệt”chứ không mấy khi để tâm đến những vấn đề đó.

Một hôm, chị rủ tôi đi chợ mua sắm quà biếu cho hai bên gia đình nội ngoại. Tôi thấy chị chọn rất nhiều loại thực phẩm như bánh kẹo, hoa quả, rượu, gà…rồi nhờ tôi xách túi lớn, túi bé. Mang đồ Tết về nhà, chị bắt đầu phân chia chúng ra làm hai túi. Một túi chị để toàn bánh kẹo nhập ngoại, rượu nhập ngoại, hoa quả ngon. Còn một túi toàn bánh kẹo rẻ tiền, rượu và hoa quả cũng không chất lượng bằng túi kia.

Quà “ngoại” phải hơn quà “nội” - 1

 Quà biếu vô hình trung trở thành thước đo cung bậc cảm xúc, tình cảm của người biếu (Ảnh minh họa)

Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích: “Cả năm mới có dịp Tết để về với ông bà ngoại, chị tranh thủ sắm cho ông bà ít  đồ ngon. Còn bên nhà chồng, chị chỉ cho ăn thế thôi. Đồ nội sao tốt bằng đồ ngoại được!”. Tôi hơi sững sờ trước câu nói của chị. Bố mẹ của chồng hay bố mẹ của mình đều là những bậc sinh thành, chí ít, chị cũng nên tôn trọng? Đặc biệt ngày Tết là ngày cả gia đình sum vầy, quây quần sau một năm làm việc vất vả, chị cũng nên giành cho gia đình nhà chồng một chút tình cảm chân thành.

Tôi trêu chị: “Con gái đi lấy chồng là gánh vác giang sơn gia đình nhà chồng. Nhà mình là phụ thôi chứ chị!”. Đáp lại lời tôi, chị chua ngoa: “Khác máu tanh lòng em ạ. Bao giờ đi lấy chồng em mới hiểu”.

Tôi lại không có suy nghĩ như chị. Con dâu sống với bố mẹ chồng cả đời, nếu biết cách cư xử, tôn trọng nhà chồng tôi nghĩ rằng, bố mẹ chồng nào cũng quý mến, coi con dâu như con gái trong nhà. Cuối khu ngõ nhà tôi có chị Nụ về làm dâu nhà bác Cả được gần chục năm. Chị chăm lo giỗ tết trong gia đình chu đáo, không cãi bố mẹ chồng nửa lời, được làng trên, xóm dưới hết lời khen ngợi. Có lần, tôi thấy chị đi mua gà,  chị mua đều cả hai con gà ngon, bằng cân nhau để biếu bên nội, bên ngoại. Ngay cả bác bán gà cũng khen chị vừa đẹp người lại đẹp cả nết. Tôi cũng rất quý chị và luôn lấy chị làm tấm gương học tập.

Món quà ngày Tết dâng cúng tổ tiên hai bên gia đình nội ngoại là nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời của các nàng dâu Việt. Thế nhưng, quà biếu vô hình trung trở thành thước đo cung bậc cảm xúc, tình cảm của người biếu. Đặc biệt là những nàng dâu thường ăn sâu suy nghĩ: “khác máu tanh lòng, đồ ngoại hơn đồ nội” bởi vậy, món quà biếu ngày Tết bỗng dưng bị đem ra so sánh, đong đếm “nặng", "nhẹ" và làm mất đi nét đẹp văn hóa.

Dù là bên nội, hay bên ngoại, cách thể hiện khôn khéo nhất của mỗi nàng dâu là làm cho món quà biếu ngày Tết của mình thêm tình cảm, ấm cúng, ý nghĩa và công bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Thu ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN