Nữ sinh Bách khoa và đường đến giải nhất Olympic Cơ học toàn quốc

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Phạm Thị Huê, 22 tuổi, nữ sinh duy nhất của lớp Cơ khí động lực năm thứ 4, Đại học Bách khoa Hà Nội, giành giải nhất Olympic Cơ học toàn quốc.

Hơn một tháng kể từ khi biết tin, Huê vẫn còn cảm giác vui sướng.

"Kết quả này xứng đáng với những nỗ lực mình bỏ ra", Huê nói. Giải nhất và điểm tuyệt đối ở môn Thủy lực là mục tiêu nữ sinh đặt ra từ đầu. Mục tiêu sau không đạt được, Huê hơi tiếc, coi đây là động lực cho kỳ Olympic tiếp theo.

Phạm Thị Huê, sinh viên năm tư Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm Thị Huê, sinh viên năm tư Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Huê sinh ra ở một vùng quê của tỉnh Hải Dương. Bố mẹ làm công nhân, hai chị học hết cấp 3 rồi đi làm phụ gia đình, cô là người con đầu tiên trong nhà học đại học.

Từ cấp 2, Huê học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là Toán và Vật lý, thường nằm trong đội tuyển trường. Vì thích Toán hơn, Huê xác định học chuyên môn này khi lên cấp 3. Nhưng trường chuyên chỉ có ở thành phố, cách xa nhà, nên mẹ cô không đồng ý.

"Mình từng rất buồn, nhưng giờ thấy quyết định đó mới là đúng đắn, giúp mình bén duyên với ngành học hiện tại", Huê chia sẻ.

Sau đó, Huê theo học lớp chọn Toán, Lý, Hóa ở trường THPT Kẻ Sặt. Thầy dạy Lý lớp 12 nhận thấy tiềm năng của học trò, gợi ý Huê học kỹ thuật ở đại học. Bố mẹ Huê không phản đối, nhưng cũng không ủng hộ vì quan niệm kỹ thuật là ngành của nam giới, vất vả. Hàng xóm láng giềng cũng thắc mắc, nói Huê nên học nghề nào nữ tính hơn. Dù vậy, Huê không nhụt chí. Nữ sinh tin rằng chọn ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực sẽ giúp em phát huy hai môn học thế mạnh.

Năm 2020, Huê trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội, bằng điểm đánh giá tư duy. Ở lớp học chung hay chuyên ngành, Huê đều là nữ sinh duy nhất. Ban đầu, cô bị choáng ngợp, không dám nói chuyện với ai, mỗi ngày chỉ lên lớp học rồi về nhà. Gặp kiến thức chưa hiểu, Huê tự học thay vì hỏi thầy cô, bạn bè, nên nhiều chỗ chưa hiểu sâu. Điểm trung bình của Huê chỉ đạt mức khá ở học kỳ đầu tiên.

"Kết quả đó giúp mình nhận ra ngại giao tiếp là một sai lầm", Huê nhìn nhận.

Nữ sinh dần cải thiện, nhờ thầy cô giải đáp bằng được khi gặp kiến thức khó. Hỏi các bạn, Huê cũng được trả lời nhiệt tình. Là "bóng hồng" duy nhất, Huê còn được ưu tiên lên bảng trả lời bài. Nhờ vậy, điểm của Huê tốt hơn, lên mức tuyệt đối 4/4, trong hai học kỳ gần đây.

Huê cũng bắt đầu nghiên cứu động lực học chất lỏng ở một phòng thí nghiệm (lab) của trường từ giữa năm thứ hai. Tháng 4 vừa qua, cô có tên trong bài báo khoa học về huyết động học trong động mạch vành, đăng trên tạp chí Vietnam Journal of Science and Technology. Bài báo cũng giúp Huê giành học bổng Merali của Quỹ châu Á dành cho nữ sinh ngành kỹ thuật.

Nữ sinh nói đặc biệt quan tâm đến ứng dụng của động lực học chất lỏng trong sức khỏe nói chung, bệnh ung thư nói riêng. Một số nghiên cứu khác mà Huê đang theo đuổi gồm tách các tế bào mang ADN ung thư, mô phỏng dòng điện trong tim... Theo Huê, việc phát hiện sớm ung thư ở quy mô tế bào là rất khó, nhất là với người không khám sức khỏe định kỳ. Tình trạng này phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khiến điều trị ung thư không nhiều hiệu quả.

"Em muốn tìm hiểu sâu, cải tiến các phương pháp làm giàu và tách hạt mang bệnh trong xét nghiệm sớm, sử dụng kiến thức của động lực học chất lỏng", Huê nói.

Vốn hứng thú môn Kỹ thuật thủy khí, nên khi thầy cô thành lập đội tuyển thi Olympic cơ học môn này, Huê đăng ký ngay. Huê làm theo hướng dẫn của thầy dẫn đội: học đều đặn để tạo thói quen và liên hệ kiến thức tốt hơn. Mỗi ngày, ngoài giờ học trên lớp và nghiên cứu ở lab, cô dành một tiếng buổi tối để ôn tập kiến thức nâng cao. Những hôm đội tuyển học tập trung, việc học và luyện đề gần như chiếm trọn thời gian.

"Đều đặn như vậy nên mình không thấy mệt, dù thực tế đã học rất nhiều", Huê nói.

Buổi thi ngày 5/5, Huê hơi căng thẳng khi bước vào phòng thi. May mắn gặp kiến thức sở trường về tĩnh học chất lỏng ở ngay câu 1, Huê làm bài bình tĩnh hơn. Luyện đề thường xuyên nên Huê không gặp vướng mắc gì, lần lượt giải quyết từng câu hỏi. Nữ sinh chỉ hơi tiếc vì chưa phân bổ thời gian tốt, trình bày hai câu cuối văn tắt. Đây có thể là lý do Huê mất điểm.

Phạm Thị Huê (đứng giữa) nhận giải thưởng Olympic Cơ học toàn quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm Thị Huê (đứng giữa) nhận giải thưởng Olympic Cơ học toàn quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Trần Xuân Bộ, giám đốc chương trình đào tạo Kỹ thuật Cơ khí động lực, nhận xét Huê thông minh, chăm chỉ, sáng tạo, nghiêm túc với nghiên cứu khoa học.

"Tôi cũng ấn tượng với ý chí theo đuổi đến cùng của Huê, thể hiện qua mỗi lần gặp đề tài phức tạp. Không ít lần, Huê còn chủ động đề xuất hướng nghiên cứu mới với thầy hướng dẫn ở lab", thầy nói.

Huê đang ứng tuyển một chương trình thực tập 6 tháng về thủy động lực học chất lỏng tại Singapore. Cô cũng có ý định du học Mỹ sau khi tốt nghiệp, để nghiên cứu sâu hơn các ứng dụng của chất lỏng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ sinh Nguyễn Hà Vân Khanh (THCS và THPT Việt – Úc, Hà Nội) có trận tuần kịch tính khi ranh giới chiến thắng và về nhì được định đoạt bằng hai câu hỏi cuối. Kết quả, nữ sinh trường Việt – Úc đã sở hữu chiếc vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN