Nữ sinh Ngoại giao và ước mơ tình nguyện

Sự kiện: Giới trẻ 9X

Với những câu chuyện bình dị, đầy tính nhân văn của mình, nữ sinh Ngoại giao đã giành được giải nhất cuộc thi viết "Ước mơ sinh viên" 2012

Chiều qua, ban tổ chức cuộc thi viết "Ước mơ sinh viên" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với báo Sinh viên việt Nam đã tổ chức lễ trao giải cho các thí sinh đoạt giải cao tại cuộc thi.

Trong vòng nửa năm phát động, ban tổ chức đã nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi của các bạn học sinh, sinh viên từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Nữ sinh Ngoại giao và ước mơ tình nguyện - 1

Những sinh viên đoạt giải tại cuộc thi viết "Ước mơ sinh viên"

Những bài viết phải đảm bảo được các tiêu chí: người thật việc thật; mang tính nhân văn, hiện đại hoặc sáng tạo trong hình thức thể hiện. Và sau khi xem xét, chấm điểm, ban tổ chức đã lựa chọn ra 30 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Bằng những cảm xúc chân thành, những câu chuyện gần gũi, những ước mơ giản dị của mình, cô nữ sinh Học viện Ngoại giao Phạm Thị Hiền đã thuyết phục được hội đồng ban giám khảo và giành giải nhất cuộc thi viết "Ước mơ sinh viên".

Nữ sinh Ngoại giao và ước mơ tình nguyện - 2

Nữ sinh Ngoại giao Phạm Thị Hiền vinh dự nhận giải nhất

Sau khi nhận giải thưởng từ ban tổ chức, Phạm Thị Hiền cũng chia sẻ, cô sẽ dành dụm số tiền này để thực hiện những dự án tình nguyện sắp tới của mình.

Bài dự thi đoạt giải nhất của Nguyễn Thị Hiền

"Một buổi sáng mùa hè 1998, tôi nhập viện vì bệnh viêm phổi. Suốt hai tuần, chỉ có con bọ ngựa mắt to lúng liếng quanh quẩn ở ngọn cây trước cửa sổ giúp tôi khuây khỏa.

Trong ý nghĩ non nớt bấy giờ của bé gái tám tuổi gầy gò, ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ như một đứa trẻ lên năm, bệnh tật là một thứ gì đó thật kinh khủng vì nếu bị bệnh nặng thì sẽ không thể tới trường. Chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ, nếu tôi mắc bệnh nặng suốt đời, hay gia đình quá nghèo?

Lúc bước vào cổng Học viện Ngoại giao, tôi chỉ mơ có bằng tốt nghiệp, kiếm một công việc; có sức khỏe, có nhà ở và cuộc sống của riêng bản thân ổn định là mãn nguyện rồi.

Tới khi tham gia Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, học các kỹ năng giúp đỡ những người bất hạnh; rồi những tối mùa đông đi qua bao con phố, thấy những bà cụ mặc áo mưa đi bán hàng rong, những đứa trẻ khoác độc một tấm áo mong manh, cũ kỹ tới các quán nước xin tiền, tự nhiên tôi thấy ước nguyện của mình thật ích kỷ.

Tôi vận động hiến máu nhân đạo từ 2008. Chúng tôi có mặt ở khắp nơi, từ quán nước, vỉa hè, bến xe, tới siêu thị, công ty, ngân hàng, khu công nghiệp, khu trọ, làng bản… dù nắng hay mưa, lạnh hay nóng. Có lần đi bộ cả ngày trời mấy chục cây số, khát nước, sưng chân, ăn đói và buổi tối đi xin tắm nhờ. Nhiều người không thông cảm, còn la mắng, thả chó đuổi, đêm về ứa nước mắt.

Khó khăn vậy, nhưng vận động thêm một người đi hiến máu là vui sướng vô cùng.

Năm thứ ba, tham gia SIFE, tôi nghĩ nên bắt đầu thứ gì đó cho các bệnh nhân bệnh về máu. Hầu hết họ từ nhỏ không được đi học, gia đình khó khăn, lớn lên không kiếm được việc làm, nên rất tự ti, mặc cảm. Và thế là tôi thành lập dự án hỗ trợ các bệnh nhân làm các sản phẩm handmade.

Vì bắt đầu đi một con đường chưa ai đi nên tôi chia sẻ với rất nhiều người, đọc nhiều sách và tìm kiếm thông tin. Cuối cùng, tôi quyết định viết một bức thư gửi nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu, cha đẻ nghệ thuật ghép tranh lá hoa khô tại Việt Nam. Bác đồng ý nhận tôi làm học trò.

Mùa hè, tôi ở lại Hà Nội, lên đường Hùng Vương nhặt lá trò, rồi lại về rửa, phơi, nhuộm. Vài tháng trôi qua, chúng tôi quay trở lại bệnh viện.

Nhưng thất bại đầu tiên của tôi là không lường trước việc các bệnh nhân máu khó đông tay yếu, không thể dùng súng bắn keo thuần thục và hơn nữa kỹ thuật này rất khó. Khóc suốt hai ngày, tưởng như dừng lại nhưng rồi cũng phải đứng lên, tôi đạp xe tới Bạch Mai gặp các bệnh nhân. Chúng tôi vượt qua tất cả, cuối cùng cũng làm được những tấm thiệp cuốn giấy đầu tiên. Ai ai cũng phấn khởi.

Rồi đến lúc lo đầu ra sản phẩm. Bán ở trong nước rất khó, lại bế tắc, tôi quyết định tìm đường xuất khẩu. Tôi viết thư gửi cho các bạn ở nước ngoài. Giờ thì thiệp của dự án đã sang Mỹ và Châu Âu.

Nhiều bạn đã có thể hướng dẫn lại cho những người khác. Khi bắt đầu ổn định, tôi mơ ước mở cơ sở sản xuất riêng cho các bệnh nhân, để chúng tôi không bị chèn ép và núp bóng dưới bất kỳ một công ty nào. Ước mơ có việc làm, cuộc sống ổn định, đâu phải chỉ của người bình thường? Biết khó khăn lắm, nhưng tôi vẫn đang cố gắng.

Tôi muốn đi nhiều nơi, sang những nước xã hội tiến bộ, cả những nước nghèo khác để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều người nữa.

Thời điểm khó khăn nhất là lúc tôi vừa học ở trường, học tiếng Anh, vừa cộng tác cho một tờ báo, vừa biên tập và viết bài cho báo trường, vừa vận động hiến máu, vừa quản lý đội tình nguyện, nhóm dự án, vừa học làm thiệp,…

Cảm thấy quá áp lực, nhất là vào kỳ thi, hay những lúc bế tắc, trái gió trở trời sức khỏe lại yếu, tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả. Có nhiều đêm thức trắng, những buổi trưa đói meo đi học, cả tuần chỉ ăn đậu phụ, uống canh vì bớt tiền đi chợ để làm dự án khi chưa xin được tài trợ.

Cứ nghĩ đến khuôn mặt những đứa trẻ trên giường bệnh, nhìn ra cửa sổ như đang tìm kiếm thứ gì, tôi lại có động lực đi tiếp. Chẳng có lý gì khiến tôi đầu hàng hay từ bỏ ước mơ cả.

Ai đó nói rất đúng: “Tình nguyện không phải phi lợi nhuận, vì ta nhận được nhiều thứ quý hơn cả tiền.”

Chiều tháng sáu, trở lại bệnh viện, qua cửa sổ của thư viện mà chúng tôi gây quỹ thành lập, tôi thấy một cô bé với bàn tay xinh xắn còn gài đầu cây kim nhọn, đang lật dở từng trang sách. Hẳn em vừa truyền thuốc.

Giọt nước mắt còn sót lại lăn dài trên má em, khiến tim tôi bất thần rung lên nhè nhẹ, như thể gặp lại mình của hơn mười năm trước.

Bạn có biết không, đất nước tôi gầy guộc bên bờ biển. Có nhiều nơi hẳn bạn sẽ cho là những nơi ở rất tồi tàn. Trẻ em phải lội suối trèo đèo tới lớp, đôi chân trần phồng rộp, đôi môi tím nhạt, lạnh tái tê với một manh áo cộc, ướt nhèm trong cái rét cắt da cắt thịt.

Những cơn bão tàn khốc thèm nuốt chửng bao tổ ấm. Em bé dỡ mái ngói thu lu trên nóc, nước đục ngàu ngấp nghé dưới chân. Lại có mảnh đất khô cằn, nắng gió cháy da, cả mầm sống cũng chưa kịp mọc lên.

Họ rất ít khi dám mơ đến cuộc sống phồn hoa nơi bạn, hay bất cứ một nơi nào trên thế giới, nơi nhọc nhằn dù chỉ bớt đi đôi phần bé nhỏ.

Họ dựng những túp lều tạm bợ, lụp xụp. Họ muốn sống và chết đi tại đó.

Phạm Thị Hiền, sinh viên Học viện Ngoại giao - Giải Nhất cuộc thi viết "Ước mơ sinh viên"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 9X Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN