Nở rộ "hôn nhân một ngày" để không có lỗi với tổ tiên

Người ta cho rằng tổ chức "hôn nhân một ngày" nhằm ngăn đàn ông độc thân làm hỏng phong thủy gia đình và liên lụy tới con cháu trong nhà cũng ế vợ.

Hiện tượng "đám cưới một ngày" đang trở nên thịnh hành tại các vùng quê tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, theo tạp chí Phoenix Weekly. Tìm đến những dịch vụ này chính là nhóm nam giới độc thân và không đủ tiền để mua sắm sính lễ cưới vợ.

Đám cưới thường được tổ chức với đủ nghi lễ và có cả tiệc mừng, nhưng cuộc hôn nhân trên thực tế chỉ kéo dài một ngày. Người mai mối sẽ thuê phụ nữ ngoài làng đóng vai cô dâu, làm đám cưới giả và đi cùng chú rể đến mộ phần tổ tiên để thông báo hôn ước, sau đó đường ai nấy đi.

Ở một số vùng, những người đàn ông quá nghèo khó nếu không lấy được vợ sẽ không được phép chôn trong phần mộ gia đình hay bước chân vào nhà thờ họ. Người ta cho rằng làm vậy nhằm ngăn họ làm hỏng phong thủy gia đình và liên lụy tới con cháu trong nhà cũng ế vợ.

Tân lang tân nương trong "đám cưới một ngày" tại tỉnh Hà Bắc vào tháng 7. Ảnh: South China Morning Post

Tân lang tân nương trong "đám cưới một ngày" tại tỉnh Hà Bắc vào tháng 7. Ảnh: South China Morning Post

Nhiều nơi quan niệm đàn ông được phép chôn trong phần mộ tổ tiên sẽ được con cháu trong gia tộc chăm sóc, hưởng tiền vàng mã và đồ vật mà họ đốt cho người thân ở thế giới bên kia.

Theo báo cáo, hôn lễ trong một ngày đã trở nên phổ biến ở khu vực này cách đây 5-6 năm. Nó trở thành giải pháp thay thế cho cuộc "hôn nhân ma" phổ biến một thời, trong đó một hoặc cả hai bên đều đã mất.

Bà mối họ Wu - người điều hành doanh nghiệp sắp xếp các cuộc hôn nhân trong ngày - cho biết, bà có sẵn một số "cô dâu chuyên nghiệp". Bà tính phí những người đàn ông 3.600 nhân dân tệ (gần 12 triệu đồng) để thuê cô dâu và 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu đồng) làm phí môi giới.

Các cô dâu giả tham dự lễ cưới và cùng người đàn ông đi thăm mộ để tổ tiên biết họ đã "kết hôn".

Bà cho hay, hầu hết cô dâu là bảo mẫu hoặc nhân viên massage từ nơi khác đến. Họ lo lắng việc kinh doanh này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của mình.

Cô dâu giả tên Tian cho biết, cô cần tiền để chu cấp cho chồng và con trai. Ngoài "công việc bán thời gian" này, cô cũng kiếm được vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng với tư cách là chủ tiệm mát xa.

Nhiều dân mạng bày tỏ sự phản đối với kiểu cưới giả này Ảnh: Douyin

Nhiều dân mạng bày tỏ sự phản đối với kiểu cưới giả này Ảnh: Douyin

Tian nói rằng gia đình cô không biết về công việc "diễn xuất" của cô. Trong những lần đóng vai cô dâu, cô cũng cố che giấu danh tính bằng cách trang điểm đậm và đội tóc giả tại đám cưới. Tian bắt đầu làm việc cho bà Wu vào năm 2021. Ở tuổi 48, Tian là "cô dâu" trẻ nhất trong dàn diễn viên nữ của bà mối.

Chú rể trong đám cưới của Tian mang họ Song, ông này gọi cuộc hôn nhân kéo dài một ngày là "một thỏa thuận" vì ông không cần trả tiền cho lễ vật đính hôn – thứ thường có giá khoảng 100.000 nhân dân tệ (hơn 329 triệu đồng) ở tỉnh này.

Bà Wu cho hay đang giúp đỡ nhiều người theo cách này bởi họ "là người nghèo". "Đời này chẳng có gì là thật ngoài tiền", bà nói.

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc so sánh hôn nhân một ngày với dịch vụ thuê bạn trai, bạn gái phổ biến trong giới trẻ muốn đối phó với cha mẹ. Một số người sốc bởi nỗi ám ảnh của các chú rể về việc được vào phần mộ tổ tiên.

"Tôi không hiểu tại sao có tục lệ người độc thân không được chôn trong phần mộ tổ tiên. Ngoài ra, tại sao lại quan tâm nhiều đến việc đó khi ta đã chết rồi?" một người bình luận.

"Tôi từng chứng kiến nhiều vụ lừa người sống, nhưng chưa từng thấy ai lừa ma", một người khác bày tỏ.

"Người ta nói hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Đúng thế thật", một người khác mỉa mai.

Nguồn: [Link nguồn]

Chú rể và phù dâu diễn cảnh ”nóng bỏng” tại đám cưới

Một số người xung quanh hô lớn “hôn nhau đi” để trêu đùa hai người. Chẳng ngờ, chú rể lại thực sự đứng lên và chạm vào môi phù dâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thư Di (t/h) ([Tên nguồn])
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN