Nhớ những kỷ niệm của ngày Tết quê xưa cũ

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Nhắc đến Tết xưa và những kỷ niệm về Tết ở thời thơ ấu, nhiều người hân hoan kể lại với niềm phấn khích và sự xúc động bồi hồi.

Tết trong ký ức của thế hệ 8X-9X có nhiều điều đặc biệt (ảnh minh họa)

Tết trong ký ức của thế hệ 8X-9X có nhiều điều đặc biệt (ảnh minh họa)

Nhắc đến Tết xưa và những kỷ niệm về Tết thời thơ ấu, nhiều người lại hân hoan kể lại với niềm phấn khích và sự xúc động bồi hồi. Tết trong ký ức của thế hệ 8X-9X có nhiều điều đặc biệt, dù nghèo khó và thiếu thốn vẫn rất đẹp. 

Thu Sang (33 tuổi, Vĩnh Phúc) kể về Tết xưa với nụ cười luôn hé nở. Chị kể, trong bữa cơm chiều mới đây, cả nhà chị vừa hàn huyên về Tết. Mấy anh em dù đã ngoài 30, 40 tuổi vẫn nhớ như in từng kỷ niệm về Tết của năm lên 10, 15… cái thời còn chăn trâu, cắt cỏ và ngóng Tết trước cả tháng trời.

Với chị, Tết là những ngày háo hức được mẹ dẫn đi chợ mua tấm vải để cắt may quần áo mới. Nhà nghèo khó, mấy mẹ con chị phải lượn chợ cả buổi chiều mới mua được tấm vải vừa đẹp, vừa rẻ. Rồi sau đó là những ngày chị ngóng được mẹ dẫn đến tiệm may, rồi ngày lấy quần áo mới về nhà. Một bộ quần áo mới, chị em chị thử ra thử vào mấy chục lần vẫn chưa đến Tết, chỉ cần có chút mùi lạ là hò nhau đem giặt phơi nắng thơm.

Với các anh trai của chị, Tết là những ngày háo hức được ăn đồ ăn ngon hơn ngày thường, được mừng tuổi và sáng sớm không phải dậy đi chăn trâu. Mùi khói bếp nướng thịt và hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục suốt mười mấy tiếng liền có lẽ là hương vị Tết đáng nhớ nhất trong ký ức của họ.

“Bây giờ áo mới mặc quanh năm, bánh chưng hễ muốn ăn thì ngày nào cũng có, thành ra mọi người chẳng còn mong chờ Tết nữa chăng? Thời của tụi mình, Tết đẹp vô cùng, có đứa trẻ nào mà không ngóng Tết. Giờ lớn rồi, Tết là những nỗi lo nhưng mình vẫn muốn con cái có được niềm hân hoan, mong chờ ngày Tết như bố mẹ ngày xưa nên vẫn gửi đến chúng những điều mới mẻ mà chỉ ngày Tết mới có”, chị Sang tâm sự.

Nguyên Ngọc (42 tuổi) nhớ nhất Tết của thuở 15-18 tuổi, khi anh còn là cậu trai làng “choai choai” đang tập tành tán gái. Anh kể, quê anh có tục hái lộc đêm giao thừa. Hội trẻ con, thanh niên… vào đêm giao thừa rủ rê nhau thành từng đoàn đi hái lộc, mà lộc ở đây chính là những chiếc lá cây chìa ra bên ngoài bức tường nhà dân. Chẳng cần nhiều, chỉ cần mỗi người hái được vài ba chiếc lá cầu may là xem như đã có một năm suôn sẻ.

Anh vẫn nhớ, thời đó thích thầm cô bạn cùng lớp suốt mấy năm liền. Giao thừa mỗi năm, anh đều đứng đợi ở đầu hẻm lối vào nhà bạn gái, đợi từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm chỉ để mong đón được bạn gái đi hái lộc. Dù bây giờ mỗi người đã có gia đình riêng êm ấm, những cái Tết đặc biệt đó vẫn là kỷ niệm đẹp họ mang theo suốt cuộc đời.

“Thời đó, chúng tôi thích nhau, yêu nhau trong sáng lắm, có đi chơi cũng đi thành từng tốp, từng đoàn. Mà cũng chỉ ngày Tết, đám con trai tụi tôi mới dám kéo nhau vào nhà người mình thích chúc Tết, gặp gỡ một chút lại kéo nhau ra về. Đôi khi, tôi thấy mình thật may mắn vì sinh ra ở thời ấy, được cảm nhận những cái Tết nghèo mà đẹp”, anh chia sẻ.

Mùi vị quen thuộc ngày Tết của thế hệ 8X-9X là mùi pháo hoa nồng ấm, mùi thịt kho thơm phức, mùi bánh chưng, hương hoa ly, hoa cúc... Với riêng Thu Hoài (29 tuổi), ký ức về Tết là mùi ẩm ẩm hòa quyện với mùi khói bếp vương trên bộ quần áo mới.

Chị kể, năm đó, chiều 30 Tết chị mới được mẹ dẫn ra chợ mua quần áo mới vì đó là lúc họ xả hàng Tết, giá rẻ. Chị sợ giặt không kịp khô, định cứ thế mặc luôn vào sáng mùng 1 nhưng chẳng may để mắm dính vào chiếc áo. Vậy là hai mẹ con cả tối hì hục giặt áo, rồi hơ quần áo trên bếp lửa cho kịp khô vào sáng sớm hôm sau. Chiếc áo mới đầy mùi khói bếp nhưng chị vẫn hân hoan mặc đi khoe mọi người. Với chị, đó là chiếc áo Tết thơm nhất và đẹp nhất từng được mặc.

“Giờ mình lớn rồi, có tiền rồi nhưng chẳng còn mẹ nữa. Dù có bao nhiêu bộ quần áo mới, Tết với mình vẫn thiếu vắng một điều gì đó không thể khỏa lấp”, chị Hoài ngậm ngùi.

Mùi vị Tết Hoàng Anh (30 tuổi) nhớ nhất là mùi hương thoang thoảng khắp nhà những ngày đầu năm. Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết cho đến khi cúng cơm hóa vàng vào sáng mùng 3, mẹ anh sẽ không bao giờ để nhang và đèn trên bàn thờ tắt. Mẹ anh nói, thắp hương, thắp đèn là để các cụ sáng đường về ăn Tết với con cháu. Bởi câu nói đó mà Tết với Hoàng Anh thêm phần ý nghĩa, thiêng liêng. Đến giờ, khi đã có gia đình nhỏ, Hoàng Anh vẫn tiếp nối thói quen đó của mẹ.

Tết với thế hệ 8X-9X còn là niềm vui bắn và ngắm pháo hoa đếm giao thừa, là sự vắng lặng, yên tĩnh vào sáng sớm mùng 1 Tết, là những lời chúc vàng ngọc của người đến xông nhà… Tết với họ ý nghĩa, thiêng liêng, chẳng mấy ai có khái niệm “Tết nhạt” hay “chán Tết”. Thời gian trôi qua, mỗi người sẽ trưởng thành và cuộc sống có nhiều bộn bề nhưng họ vẫn mong có được một cái Tết thật đẹp như Tết ngày xưa ấy.

Nguồn: [Link nguồn]

Có gì trong bộ tranh “Tết này hổng giống Tết xưa” đang gây sốt?

Bằng góc nhìn nhẹ nhàng nhưng thú vị, bộ tranh “Tết này hổng giống Tết xưa…” đang chiếm được tình cảm của đông đảo cư dân mạng khi khiến nhiều người nhận ra, những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN