Nghề dọn tủ quần áo

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Hà Nội - Gần một năm theo nghề nhưng mỗi lần đứng trước "tủ quần áo chất như núi, chực chờ đổ sập" của khách Hồng Anh vẫn cảm thấy đau đầu, chóng mặt.

Tuần trước, cô vừa hoàn thành đơn hàng cho một nữ khách hàng ở quận Ba Đình với tiền công 30 triệu đồng và 5 nhân viên làm việc liên tục trong bốn ngày.

Gia đình này có bốn thành viên nhưng lượng quần áo rất lớn. Riêng nữ chủ nhà có 230 chiếc chân váy, gần 300 chiếc sơ mi, 150 chiếc quần tây, hơn 100 chiếc áo len mỏng, chưa kể hàng trăm chiếc đầm, áo khoác, bộ vest, đồ tập thể dục.

"Thực sự là núi đồ đúng nghĩa. Người ngoài ngành sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu", Hoàng Hồng Anh, 36 tuổi, người sáng lập dịch vụ sắp xếp tủ quần áo ở Hà Nội cho biết.

Một phần lượng quần áo của vị khách ở quận Ba Đình trước khi được 5 nhân viên của Hồng Anh, mỗi người làm việc trong 20 tiếng để sắp xếp, từ 25-28/3. Ảnh: Tudo

Một phần lượng quần áo của vị khách ở quận Ba Đình trước khi được 5 nhân viên của Hồng Anh, mỗi người làm việc trong 20 tiếng để sắp xếp, từ 25-28/3. Ảnh: Tudo

"Hơn 10 năm làm trong công ty Nhật, văn hóa kaizen (cải tiến) thấm nhuần nên tôi thường tự hỏi phải làm gì để thoải mái mỗi khi mở tủ đồ của mình", Hồng Anh nói. Khi chia sẻ với bạn bè, cô nhận thấy tất cả đều từng có cảm giác bực bội với tủ quần áo chật ních đồ nhưng lúc muốn lại không tìm được bộ ưng ý. Ý tưởng về một dịch vụ giúp sắp xếp tủ quần áo ra đời.

Hè năm ngoái, cô quyết định bỏ vị trí trưởng phòng kinh doanh để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Trước khi thành lập doanh nghiệp, Hồng Anh đăng ký khóa học online professional organizer (nhà tổ chức chuyên nghiệp) của International Association of Professions Career College (Mỹ).

Professional organizers chỉ những người kiếm sống bằng cách giúp người khác sắp xếp cuộc sống của họ, với nhiều ngách nhỏ như tư vấn quản lý thời gian, sắp xếp tủ quần áo, chuyên gia hiệu suất. Nghề này ra đời vào khoảng những năm 1980. Theo Statista, thị trường professional organizer ở Mỹ được định giá khoảng 10,3 tỷ USD vào năm 2020, tăng trưởng 4,7% mỗi năm.

Tại Mỹ, mức lương của nghề sắp xếp tủ quần áo dao động từ 42.000 USD đến 55.000 USD, ở Anh khoảng 20.000-24.000 bảng mỗi năm. Tại Việt Nam, ngành này còn mới, hiện có vài đơn vị chủ yếu ở Hà Nội, với mức phí dao động từ 200.000-300.000 đồng một giờ.

Hồng Anh đang sắp xếp một tủ quần áo của khách hàng ở quận Nam Từ Liêm, tháng 11/2023. Ảnh: Tudo

Hồng Anh đang sắp xếp một tủ quần áo của khách hàng ở quận Nam Từ Liêm, tháng 11/2023. Ảnh: Tudo

Lan Anh, một bà mẹ ba con, mới làm việc này hơn một tháng nhưng cảm tưởng nghề sinh ra cho mình. "Tôi nhìn thấy tin đăng tuyển dịp đầu năm nay, thấy hứng thú nên ứng tuyển ngay", người phụ nữ 36 tuổi, từng là một chủ homestay ở quận Đống Đa, nói.

Những kinh nghiệm, thẩm mỹ và vốn sống giúp Lan Anh chỉ mất chưa đầy một tháng đã bắt nhịp dược công việc. Nghề này cần sự khéo léo, tỉ mỉ, nhiệt tình, có hiểu biết nhất định về thời trang, chất liệu và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với các khách hàng cao cấp. "Sau 20 ngày đi làm tôi đã được đề bạt thành trưởng ca", Lan Anh cho hay.

Vốn thích sắp xếp, lại hay theo dõi các chuyên gia về tối giản hay phương pháp của Marie Kondo, song Lan Anh thừa nhận chỉ được đào tạo thành một professional organizer mới có một phương pháp hệ thống. Ví dụ trước đây cô chỉ xếp đồ sao cho gọn, nay chia theo màu, theo loại, gấp sao cho dễ phân biệt và không bị xô lệch. Trước cô chỉ treo đồ lên, nay treo cùng một loại móc đã thấy thẩm mỹ hơn hẳn.

"Tôi học được phương pháp bố trí theo hàng ngang và dọc. Ở hàng ngang, đồ ít sử dụng, đồ trái mùa để lên cao nhất. Theo hàng dọc như trên áo, dưới váy và quần để thuận tiện cho khách mở tủ ra là nhìn thấy ngay món đồ muốn phối", Lan Anh chia sẻ.

Cuối tuần vừa qua ekip của cô làm cho một khách ở khu đô thị trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy). Gia đình có ba thành viên, lượng đồ không nhiều nhưng quần áo các thành viên lẫn lộn, nhăn nhúm. Họ than phiền không có tủ để chứa đồ.

Tuy nhiên sau khi mang tất cả đồ ra phân loại và sắp xếp lại, thừa ra ba hộc tủ. Khách rất hài lòng, cho biết ekip đã làm một "cuộc cách mạng" cho tủ đồ của gia đình họ.

"Niềm hạnh phúc nhất của công việc này là cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy thành quả của mình. Đó là tủ quần áo đẹp mắt, là lời khen của khách và biết được mình đang giúp cho người xung quanh có chất lượng cuộc sống tốt hơn", cô nói.

Nhiều khách tìm lại được món đồ quý bị bỏ quên, kiếm được tiền nhờ thanh lý bớt đồ và giúp điều chỉnh hành vi mua sắm.

Chị Thanh Huệ, 43 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, thuê dịch vụ dọn tủ hồi tháng 9/2023 nói "sống trong nhung lụa cũng là ác mộng". Chi ra 5 triệu đồng, gia đình được vệ sinh tủ, gấp đồ, phân loại và là gọn gàng toàn bộ đồ của bốn thành viên.

"Làm xong nhìn tủ của mình như của các fashionista. Nhờ vậy tủ đồ nhà tôi gọn gàng được ít nhất 6 tháng", chị Huệ nói.

Một tủ đồ của khách ở quận Long Biên được ekip của Hồng Anh tái cấu trúc, tháng 2/2024. Ảnh: Tudo

Một tủ đồ của khách ở quận Long Biên được ekip của Hồng Anh tái cấu trúc, tháng 2/2024. Ảnh: Tudo

Nghề chuyên gia sắp xếp còn mới, không tránh được hiểu lầm. Hồng Anh cho biết, nhiều khách hàng vẫn nghĩ về doanh nghiệp của cô như một công ty giúp việc gia đình. "Chúng tôi không phải người giúp việc. Chúng tôi là người mang đến sự khoa học, gọn gàng cho không gian sống của các gia đình", cô nói.

Trong những ngày đầu tiên mới mở dịch vụ, một nữ khách hàng ở quận Thanh Xuân tìm đến Hồng Anh với mong muốn tái cấu trúc tủ quần áo trước khi mua thêm. Sau sinh con và nghỉ ở nhà gần một năm, người phụ nữ 30 tuổi này chưa mua thêm một bộ đồ nào.

Ngay khi nhìn tủ quần áo của gia đình Hoa, Hồng Anh nhận ra luôn mối quan hệ của vợ chồng cô đang mất cân bằng. Quần áo của người chồng chiếm 2/3 tủ, một cánh tủ còn lại là của con trai họ, còn đồ của người vợ nằm trong ngăn kéo dưới và ngăn kéo trên cao.

"Lúc này cô ấy mới tâm sự bị chồng chê ăn mặc luộm thuộm, đi ra ngoài khiến anh mất mặt", Hồng Anh kể.

Chuyên gia sắp xếp này đã nói chuyện với chồng Hoa về việc tái cấu trúc tủ đồ. Do chiều cao người vợ hạn chế, lại bận chăm con và nội trợ nên được ưu tiên đặt ở các vị trí thuận tiện, dễ lấy. Các stylist (người tư vấn phong cách) cũng giúp Hoa mua vài món đồ mới phù hợp. Từ đó Hoa rất chịu tương tác với Hồng Anh để duy trì tủ đồ gọn đẹp như lúc mới được sắp xếp, cũng như mỗi lúc mua đồ mới.

"Sau ba tháng bạn ấy đã tự tin với gu ăn mặc, từ đó vị thế trong mối quan hệ vợ chồng bạn cũng cân bằng hơn", Hồng Anh cho biết.

Mặc dù giá trị của đơn hàng này không lớn, giúp Hồng Anh nhìn thấy ý nghĩa thực sự công việc của mình."Ở một góc độ nào đó, công việc của chúng tôi không chỉ lột xác tủ quần áo, còn thay đổi cả con người", cô nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Cô gái kiếm được hàng triệu USD từ các nhà tài trợ và hợp đồng thương hiệu khiến cô có thể giúp đỡ người khác miễn phí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Dương ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN