Mùa Vu lan... con lại về với mẹ!

Ngày ấy, hình ảnh mẹ phi cán chổi vào người tôi cứ hiện hữu trong tâm trí tôi.

Tháng ngâu, tháng của Ngưu Lang – Chức Nữ đoàn tụ.

Tháng ngâu, tháng của những người con xa quê trở về báo hiếu, tưởng nhớ cha mẹ.

Tháng ngâu… cũng là tháng gợi nhớ cho tôi những năm tháng tuổi thơ dữ dội…

Năm đó, tôi là một cô bé học sinh lớp 9. Tuổi mười lăm trăng rằm… Tuổi ương ngạnh. Tuổi với những trạng thái tâm lý, tình cảm khó đoán.

Năm đó, cũng là năm tôi bước vào kỳ thi cấp ba vô cùng quan trọng. Vẫn đang trong thời gian nghỉ hè, mẹ thúc ép tôi đi học thêm. Tôi nhất định không chịu đi học bởi với tôi, kỳ nghỉ hè mà phải đi học thêm đúng là một cực hình.

Sau những lời răn đe của mẹ, tôi miễn cưỡng đi học. Thế nhưng, ngay buổi đầu tiên tôi đã trốn học đi xem phim với mấy người bạn thân. Một tuần trôi qua, câu chuyện tôi trốn học đã được cô giáo kể lại với mẹ.

Buổi chiều hôm đó, khi tôi vừa dắt chiếc xe đạp mini vào cổng, mẹ tôi đã cầm cán chổi phi từ trong nhà ra. Và sau đó là "được" hứng chịu một trận đòn tơi tả từ mẹ.

Xấu hổ, tủi thân, xen lẫn sự bực tức, tôi òa khóc và lao đi như tên. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ có thể trốn nhanh ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.

Hết khóc, tôi không về nhà. Tôi nghĩ bụng sẽ không quay trở về nơi đầy bạo lực ấy nữa. Tôi muốn tìm một nơi yên tĩnh để trốn và cũng là để dọa cho bố mẹ một phen hốt hoảng. Tôi lên chùa.

Mùa Vu lan... con lại về với mẹ! - 1

Ngày lễ Vu lan, tôi lại sắp xếp thời gian để được về với mẹ (Ảnh minh họa)

Mùa Vu lan, chùa làng tôi trang hoàng đẹp đẽ. Chiều hôm đó, trong chùa có bài giảng về Lễ Vu lan báo hiếu. Đông người ngồi nghe, trong đó đa phần là cỡ tuổi như tôi. Một cô mặc bộ quần áo Phật tử tiến tới hỏi tôi: “Con còn bố mẹ không?”. Tôi nhỏ nhẹ đáp: “Dạ, còn ạ”. Cô cài lên ngực tôi bông hồng rực rỡ. Tôi nhìn xung quanh. Có rất nhiều người đeo bông hồng đỏ giống tôi. Nhưng cũng có nhiều người cài lên ngực bông hồng trắng.

Tôi thắc mắc quay sang hỏi một người bạn cùng lứa tuổi:

- Sao ấy lại cài bông hồng trắng?

-  Bố tớ mất trong lúc đang đi xây dựng công trình”

Nghe giọng nói nghẹn ngào, ánh mắt đỏ hoe của cậu bạn đó, bỗng dưng tôi thấy cay cay nơi khóe mắt.

Giọng sư thầy vẫn vang lên trong buổi Thuyết pháp về lễ Vu Lan báo hiếu. Câu chuyện của thầy về những con người không còn cha mẹ, mãi mãi không bao giờ có cơ hội được đền đáp công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ khiến tôi cảm thấy mình thật có lỗi.

Những đôi mắt của những người nghe giảng thuyết pháp đều đỏ hoe. Đôi mắt của tôi cũng đỏ hoe. Hình ảnh mẹ phi cán chổi vào người tôi cứ hiện hữu trong tâm trí tôi. Thế nhưng, ngẫm lại tôi là một đứa vô cùng may mắn vì còn có người “phi cán chổi” để dạy dỗ tôi nên người. Dù rằng, cách làm của mẹ không phải là hay nhưng với tôi “đòn đau nhớ đời” ấy đã để lại cho tôi một bài học đến giờ tôi vẫn không thể nào quên.

Hết giờ giảng pháp của sư thầy, tôi trở về nhà. Cả nhà đang tá hỏa đi tìm tôi. Mẹ tôi chạy lại kéo tay tôi, xoa xoa vào vết hằn trên chân của tôi rồi dỗ tôi như dỗ một đứa trẻ.

Kể từ giây phút ấy, tôi đã biết mình không còn là một đứa trẻ con.

Giờ đây tôi đã trưởng thành, công việc, tiền bạc cứ cuốn tôi xa khỏi vòng tay của cha mẹ.  

Những cơn mưa ngâu đỏng đảnh làm nỗi nhớ nhà trong tôi trào dâng. Bật ca khúc “Home” của Michale Buble “I wanna go home…” thôi thúc tôi trở về nhà.

Chiều nay, tôi sẽ sắp xếp công việc để về nhà với mẹ. Tôi lại muốn trở về là một đứa trẻ để được mẹ vuốt ve, âu yếm trong lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN