Lấy vợ 6 năm mới dẫn về ra mắt, bố chồng vừa nhìn thấy con dâu thì "rụng rời chân tay"

Giấu chuyện kết hôn suốt 6 năm mới đưa vợ về ra mắt chính thức. Ngờ đâu, bố của anh vừa nhìn thấy con dâu liền “chết sững” tại chỗ, vẻ mặt lộ rõ sự bối rối.

Theo tờ Gulf News, một người đàn ông ở Ả Rập Xê-út đã đệ đơn ly hôn vợ dù hai người đã kết hôn 6 năm và có một đứa con chung, đặc biệt cả hai vẫn còn rất yêu nhau.

Thông tin về vụ ly hôn được ông Abdullah Al Mutlaq - cố vấn tại Tòa án Hoàng gia Ả Rập Xê Út kiêm thành viên của Hội đồng Học giả Cấp cao chia sẻ.

Vụ việc bắt đầu khi người đàn ông kết hôn với một cô gái theo hợp đồng "misyar" và không thông báo cho gia đình. Trong thời gian chung sống, anh đã nảy sinh tình cảm với đối phương, hai người sau đó có với nhau một cậu con trai, cuộc sống hôn nhân về cơ bản rất bình yên và hạnh phúc.

Kết hôn theo hình thức misyar, người đàn ông không ngờ đó là người cũ của bố mình. Ảnh minh hoạ

Kết hôn theo hình thức misyar, người đàn ông không ngờ đó là người cũ của bố mình. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, người đàn ông này lại giấu chuyện kết hôn với gia đình suốt 6 năm, mãi đến gần đây mới đưa vợ về ra mắt bố mẹ một cách chính thức. Ngờ đâu, bố của anh vừa nhìn thấy con dâu liền "chết sững" tại chỗ, vẻ mặt lộ rõ sự bối rối.

Sau vài phút sững sờ, người bố kể cách đây 10 năm đã kết hôn với chính con dâu của mình theo hình thức "hôn nhân misyar" nhưng quyết định chia tay sau một thời gian. Sự thật trớ trêu này khiến cả gia đình vô cùng bàng hoàng.

Misyar được Ả Rập Xê-út công nhận là hình thức hôn nhân hợp pháp, tồn tại song song với hôn nhân theo truyền thống trong nhiều thập kỷ qua. Khi kết hôn theo hình thức này, người phụ nữ phải từ bỏ một số quyền cơ bản trong cuộc hôn nhân thông thường như chung sống và được hỗ trợ tài chính.

Theo quy định của đạo Hồi, vợ cũ của bố và ông nội không được kết hôn với con trai và cháu trai bất kể họ có con với nhau trong cuộc hôn nhân trước đó hay không. Vì vậy sau khi mọi chuyện vỡ lở, người đàn ông đành phải chấp nhận ly hôn người vợ "đầu ấp tay gối" 6 năm.

Hôn nhân không ràng buộc theo kiểu misyar ngày càng phổ biến ở Ả Rập Xê-út

Misyar - tức hôn nhân không ràng buộc, theo tiếng Ả rập - đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở Ả rập Xê-út, không chỉ vì một số người đàn ông ở nước này không đủ tiền để chi trả cho những đám cưới theo truyền thống khá tốn kém, mà còn vì một số người nước ngoài đang làm việc tại đây cũng muốn tìm đến hình thức hôn nhân theo hợp đồng để thỏa mãn nhu cầu tìm bạn tình trong ngắn hạn.

Khi được phỏng vấn, những người làm nghề mai mối misyar, và cả những người đàn ông đang có một cuộc hôn nhân chính thức nhưng đồng thời muốn duy trì một mối quan hệ theo kiểu misyar, đều cho rằng sở dĩ misyar ngày càng phổ biến vì nó được xem như một sự "lai tạo" giữa việc kết hôn và sống độc thân, mang lại lợi ích cho những người đa thê, trong khi họ không phải chịu áp lực của việc duy trì một gia đình thứ hai.

Một giáo sĩ nổi tiếng ở Riyadh - thủ đô Ả Rập Xê-út - cũng cho rằng số cuộc hôn nhân misyar ở nước này đang tăng mạnh là do những người đàn ông không muốn gánh vác đầy đủ trách nhiệm của hôn nhân đa thê, vốn là điều được cho phép trong đạo Hồi với điều kiện người chồng phải đối xử bình đẳng với tất cả các bà vợ.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong một chuyên mục trên tờ nhật báo Saudi Gazette năm 2019, người phụ trách chuyên mục Tariq Al-Maeena đã mô tả misyar là "giấy phép để có nhiều đối tác mà không phải chịu nhiều trách nhiệm hoặc chi phí".

Mặt khác, mặc dù có khả năng bị lạm dụng, nhưng nhiều phụ nữ Ả rập cũng bị cuốn hút vào các cuộc hôn nhân misyar với hy vọng sẽ tránh được sự gia trưởng trong những cuộc hôn nhân truyền thống.

Thêm vào đó, giới quan sát cho rằng, các cặp đôi chưa kết hôn ở nước này cũng có thể mượn hôn nhân theo kiểu misyar để thỏa mãn nhu cầu tình dục, tránh việc phạm phải các điều cấm theo Hồi giáo.

"Lấy vợ theo kiểu misyar rẻ hơn. Không cần có của hồi môn, và cũng chẳng phải có bất cứ nghĩa vụ nào", một dược sĩ 40 tuổi người Ai Cập ở Riyadh nói.

Sau khi phải đưa vợ và con trai 5 tuổi quay lại Cairo khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm ngoái, chủ yếu là vì chi phí sinh hoạt và mức thuế mà Ả Rập Xê-út áp lên người lao động nước ngoài tăng trong những năm gần đây, vị dược sĩ này bắt đầu tìm bạn tình theo hình thức misyar.

"Sống xa vợ thật là khó", người đàn ông này giải thích và cho biết thêm đã tìm kiếm misyar thông qua những người mai mối (tiếng Ả Rập gọi là "khatba") trên Instagram, và phải trả một mức phí đến 5.000 riyals (khoảng 1.300 đô la Mỹ) cho những người này.

Theo Al-Watan - một tờ báo địa phương, những cuộc hôn nhân misyar thường rất ngắn ngủi, đa số sẽ dẫn đến ly hôn trong 14 đến 60 ngày. Đa số phụ nữ chấp nhận hình thức kết hôn này là những người đã ly hôn hoặc góa bụa, và đang rất khó có thể tái hôn.

Nguồn: [Link nguồn]

Chồng và mẹ chồng lần lượt qua đời, con dâu về ở chung với bố chồng coi ông như bố ruột

Nhiều người cho rằng việc người phụ nữ góa chồng nay lại sống chung với bố chồng là không phù hợp với lẽ thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy (t/h) ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN