Khiếp đảm cảnh “đứng bếp” trong ngày Tết

Tết là kỳ nghỉ dài của con trẻ, là dịp đoàn viên của cả gia đình… nhưng lại là những ngày tất bật vùi đầu vào bếp của nhiều bà vợ. 

Tết là "ngày hội đoàn viên", là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau nhìn lại một năm và lên những kế hoạch cho năm mới. Nhưng với những người dâu mới, lần đầu tiên phải xa bố mẹ và ăn Tết nơi quê chồng sẽ có những cảm xúc rất khác...

***

“Có bao nhiêu niềm vui trong tổ ấm khi Tết đến xuân về dành cho những người phụ nữ? Có bao nhiêu mùa xuân nghiêng khi gánh nặng bếp núc trút hết lên vai họ để rồi niềm mong ước lớn nhất trong dịp Tết lại là được ngủ?” - đó là câu hỏi nhà văn Trang Hạ từng đặt ra trong vlog đầu tay những ngày giáp Tết.

Tết đến mang theo những nơm nớp lo âu về chuyện bếp núc. Nhiều người vợ, người mẹ còn không có khái niệm du xuân, trẩy hội bởi phải “canh” cho bếp nhà mình luôn ấm, thức ăn luôn đầy, vừa hợp khẩu vị với từng thành viên trong gia đình vừa làm hài lòng khách khứa.

Khiếp đảm cảnh “đứng bếp” trong ngày Tết - 1

Tết sum vầy mang theo những nơm nớp lo âu về chuyện bếp núc (Ảnh minh họa)

Cho đến khi có thể bước ra khỏi căn bếp thì họ chỉ còn nghĩ đến chuyện ngủ bởi, sự mệt mỏi đã “quét” đi mong muốn được vui chơi ngày Tết.

Thèm ngủ như… ngày Tết

Nhà văn Trang Hạ từng thực hiện cuộc phỏng vấn “bỏ túi” với 100 cặp vợ chồng (là những độc giả trên page của chị vào tháng 12/2014) về công việc ngày Tết. Kết quả thu được là, trong 100 cặp vợ chồng có 26 cặp nói họ thường cãi vã nhau vì chuyện chuẩn bị Tết. Đàn ông thì than thở họ bị vợ “sai vặt” dịp Tết, còn phụ nữ thì ấm ức vì quá nửa thời gian Tết của họ phải đứng trong bếp.

Và cũng trong 100 cặp đó, có 11 người vợ nói rằng, từng nghĩ đến chuyện ly hôn khi phải một mình làm lụng, lo Tết; chỉ có 1 người vợ cùng ngồi uống rượu xuân với chồng và người ấy chính là Trang Hạ. Để thấy rằng, gánh nặng bếp núc trong dịp Tết đôi khi khiến họ phải thốt lên rằng “sợ Tết”, "sợ lấy chồng".

Ngày Tết không thể thiếu bữa cơm ấm cúng với đầy đủ món truyền thống hiện đại, lại càng không thể thiếu chuyện khách khứa đến nhà cần phục vụ chu đáo, tươm tất… Từng ấy việc đã khiến những bà vợ phải quay cuồng trong gian bếp.

Đến giờ nghĩ lại những cái Tết thời còn con gái chị Thảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) lại thấy thèm thuồng. Bởi Tết ngày đó là ngủ nướng, là vui chơi, tụ tập bạn bè hò hét. Nhưng giờ đã làm dâu, là “phụ nữ đảm” của gia đình, chị phải lo toan sắm sửa, chuẩn bị Tết và đặc biệt là phải lo mâm cơm đầy chiều lòng gia đình, khách khứa.

Được nghỉ từ 27 Tết, vợ chồng chị tất bật khăn gói về quê, không quên đem theo đống quà lỉnh kỉnh đã chuẩn bị trước đó. Ngày thường còn được dậy lúc 7h sáng vì 8h mới đến giờ làm việc, nhưng ngày Tết chị phải dậy từ 5 giờ sáng dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị cỗ bàn, nấu ăn, sửa soạn quần áo cho con đi chúc Tết.

Chị Thảo chia sẻ: “Đêm 30, mình và mẹ chồng vẫn phải cặm cụi làm thịt gà, chuẩn bị cỗ cúng cho giao thừa và sáng mùng 1. Xong tất tần tật đã là gần 2h sáng, mình chẳng thiết không khí Tết đến mà lăn ra ngủ luôn. Sáng hôm sau lại dậy sớm nấu cơm thắp hương, sửa soạn quần áo cho chồng con đi chúc Tết rồi đầu giờ chiều lại tất tả về chuẩn bị cơm tiếp khách”.

Nhưng “ác mộng” ngày Tết của chị đến mùng 2 mới chính thức bắt đầu. Chị Thảo là dâu trưởng, cứ sáng mùng 2 là phải chuẩn bị đầy đủ 4 mâm cỗ đãi anh em trong nhà. Ăn uống xong rồi lao vào dọn dẹp. Ba ngày Tết quay cuồng với gian bếp đôi lúc khiến chị phát hoảng. Cho đến khi về nhà ngoại, chị mới được chui vào phòng ngủ một giấc ngon lành.

Từng quan niệm rất “thoáng” về chuyện nội trợ của phụ nữ, không nhất thiết phải phấn đấu thành người phụ nữ đảm đang bếp núc,  nhưng chị Bùi Hân (Hà Nội) vẫn phải dùng hai từ “khiếp đảm” để nói về ngày Tết. Mong muốn duy nhất của chị trong những ngày đoàn viên, sum vầy là được ngủ một giấc no nê.

Không đón Tết chung với bố mẹ chồng nhưng không vì thế mà áp lực bếp núc của chị Hân được giảm bớt. Chị chia sẻ: “Ngày thường mình đã thiếu ngủ rồi, mấy ngày Tết còn thèm ngủ hơn. Nào cơm cúng, cơm nhà, cơm khách. Nào món ăn truyền thống, món ăn hiện đại… mọi thứ cứ loạn cả lên. Nhưng không làm thì không được. Cả năm có mỗi mấy ngày Tết, vẫn phải lo cho tươm tất, chu đáo”.

Chị than thở:  “Chắc phải đến lúc có con dâu lo toan chuyện Tết nhất cho thì mình mới được thảnh thơi. Giờ nghĩ lại mới thấy ngày xưa mẹ mình phải vất vả vật lộn với cái Tết như thế nào”.

5 người 10 món

Thời buổi hiện đại, mâm cơm ngày Tết không thể chỉ có những món truyền thống như bánh chưng, giò, chả... mà còn cần những món khác, lạ. Việc chế biến món ăn ngày Tết sao cho đa dạng, hợp với khẩu vị từng người cũng khiến nhiều bà vợ đau đầu.

Khiếp đảm cảnh “đứng bếp” trong ngày Tết - 2

Hãy đặt gánh nặng bếp núc ra khỏi vai người phụ nữ để họ được hưởng trọn niềm vui ngày Tết bên gia đình (Ảnh minh họa)

Tết nào Thanh (Hải Dương) cũng phải “vắt óc” suy nghĩ nấu món gì để làm hài lòng cả thành viên trong nhà và khách. Mẹ chồng Thanh tính cẩn thận nên muốn mỗi ngày, ngoài những món truyền thống ra phải có thêm những món khác, lạ cho cả nhà ngon miệng. Bởi vậy, Tết đối với Thanh còn tốn ""chất xám" hơn cả những ngày đi làm.

Thanh chia sẻ: “Tết đầu tiên về nhà chồng, mình lên cả kế hoạch ra mắt cô dâu mới. Nào ngờ đổ bể hết vì phải vùi đầu vào bếp núc nấu nướng. Nhà mình mỗi người một khẩu vị, mẹ thì thích những món ăn truyền thống, bố thì thích đồ ăn tanh như hải sản, chồng thì chỉ thích có những món lai rai để nhậu với bạn bè. Đó là chưa kể khách đến nhà còn phải làm lẩu, nướng. Năm đầu tiên mình bị gian bếp làm cho quay cuồng. Cũng may là có mẹ chồng giúp đỡ nên cũng quen dần”.

Không thể phủ nhận vai trò của người phụ nữ trong ngày Tết. Họ là người làm ấm gian bếp, là người chuẩn bị mọi thứ cho cái Tết sum vầy, đoàn viên. Và chính việc nấu những món ăn ngon cho gia đình trong ngày cuối năm lại là niềm hạnh phúc giản dị mà người phụ nữ nào cũng mong có được.

Tuy vậy, đôi khi chuyện bếp núc lại chính là gánh nặng của họ trong ngày Tết, khiến họ phải chịu những mùa xuân nghiêng. Bởi vậy, mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng chia sẻ, giúp đỡ mẹ, vợ công việc trong gian bếp, coi đó như là nơi đoàn viên, gắn kết của cả gia đình thay vì chỉ sum vầy trong mâm cơm hay nhà khách.

Chỉ như vậy, những phụ nữ của chúng ta mới có được một cái Tết trọn vẹn, thực sự vui và ý nghĩa bên gia đình. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN