Hết yêu, vợ chồng hãy cư xử đẹp

Việc níu kéo khó mang lại hạnh phúc nếu điều này không xuất phát từ tình yêu.

Gá nghĩa vợ chồng được 10 năm, một ngày nọ, ông Bình - ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM - biết tin bà Hương, vợ ông, đã nộp đơn đơn phương xin ly hôn tại TAND quận. Vừa bất ngờ, tức giận vừa không cam tâm để bà đến với nhân tình, ông xuống nước năn nỉ vợ rút đơn ly dị.

Tài sản không đổi được hạnh phúc

Để chứng tỏ “tấm chân tình”, ông Bình đã soạn thảo bản “hợp đồng hôn nhân”. Trong bản hợp đồng, hai bên cam kết: Nếu bà Hương đồng ý rút đơn xin ly hôn thì sau này ông sẽ chia cho bà 60% tài sản, là giá trị 2 căn nhà mà ông đứng tên. Bà Hương đồng ý.

Thế nhưng, chưa đến 1 năm sau, ông bà lại dắt nhau ra tòa xin ly hôn. Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Tân Bình quyết định cho ông bà ly hôn. Khi phân chia tài sản, vì 2 căn nhà có trước hôn nhân nên tòa phán bà Hương chỉ được nhận một nửa phần tài sản mà 2 ông bà đã tạo dựng được trong thời gian chung sống, gồm: xe máy, nồi cơm điện, máy lạnh và một số đồ dùng lặt vặt khác.

Bà Hương làm đơn kháng cáo yêu cầu ông Bình phải thực hiện lời hứa chia 60% giá trị 2 căn nhà cho bà. Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bình cho rằng bà Hương là người phá vỡ giao ước, không thực hiện đúng thỏa thuận trong bản hợp đồng là tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc cùng ông. Bà Hương đáp lại: “Hạnh phúc phải do 2 người vun đắp, một mình tôi làm sao làm được. Ông ấy suốt ngày khủng bố tinh thần tôi, chửi tôi ra rả”. “Nhân tình của bà ấy cứ đúng 12 giờ đêm lại nhắn tin chọc tức tôi khiến tôi không thể nào ngủ được, tôi không nổi nóng với bà ấy mới lạ” - ông Bình phản pháo. Vị chủ tọa phiên tòa đề nghị: “Hoàn cảnh bà Hương rất khó khăn, không có tài sản, chỗ ở. Dù ông bà đã ly hôn nhưng đã có 10 năm chung sống, không còn tình cũng còn nghĩa với nhau. Ông có thể hỗ trợ cho bà Hương một khoản tiền?”. Ông Bình đáp gọn hơ: “Tôi không có tiền”.

Hết yêu, vợ chồng hãy cư xử đẹp - 1

Hạnh phúc phải được xây dựng trên tình yêu đích thực (Ảnh minh họa)

Không yêu cũng giữ

Với lý do không còn tình cảm với nhau và đã ly thân hơn 2 năm, anh Sơn, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nộp đơn xin ly hôn. Xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không nghiêm trọng đến mức phải ly hôn, tòa sơ thẩm tuyên bác đơn của anh Sơn. Anh kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Lam, vợ anh, tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình. Chị trình bày: Cách đây 2 năm, tình cảm vợ chồng vẫn tốt đẹp nhưng do anh Sơn bị stress trong công việc nên đề nghị được sống riêng để ổn định lại tinh thần. Thương chồng, chị đồng ý và tạo mọi điều kiện để anh sớm hồi phục chứ không phải ly thân. Còn anh Sơn khẳng định: “Vợ tôi không chịu ly hôn chẳng phải vì còn yêu tôi mà vì sợ phải chia đôi tài sản mà cô ấy cho rằng một tay mình tạo dựng nên. Suốt 6 năm chung sống, cô ấy luôn cho mình tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nên coi thường tôi. Đã vậy, 2 năm tôi sống riêng, cô ấy cũng chẳng thèm ngó ngàng tới. Thậm chí, khi đưa con đến gặp tôi, cô ấy cũng muốn tránh mặt, thấy tôi ra là cô ấy đi ngay”.

Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhận định: “Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Anh hãy vì con mà suy nghĩ lại”. Anh Sơn bật khóc: “Tòa không hiểu, với tòa là không nghiêm trọng nhưng với tôi là nghiêm trọng. Tôi là giáo viên nên dù tức giận đến mấy cũng không bao giờ động tay động chân với vợ. Nếu tòa xét khi có bạo lực gia đình mới nghiêm trọng thì có lẽ tôi chẳng bao giờ được ly hôn”.

Kết thúc phiên tòa với kết quả y án sơ thẩm, chị Lam nhanh chóng đi ra bãi giữ xe, chẳng thèm nhìn chồng. Còn anh Sơn ngồi phịch xuống ghế đá trong sân tòa, ngửa mặt lên trời thiểu não.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Vợ chồng như người dưng nước lã

Một ngày nên nghĩa vợ chồng

Vợ chồng như y phục?

Vợ chồng trục trặc vì tiền

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Chi (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN