Cô gái bị liệt vẽ ước mơ bằng chân đầy nghị lực

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Cô gái 27 tuổi giao tiếp với thế giới bên ngoài qua những bức tranh đơn sơ được vẽ nên bằng đôi chân đầy nghị lực của mình.

Cô gái đầy nghị lực ấy là Huỳnh Thị Thảnh, 27 tuổi, ở thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. Thảnh là con út trong gia đình có ba mẹ con nhưng từ khi lọt lòng, cô gái đã chịu bất hạnh vì mang một thân thể bị tật nguyền và thiếu đi bàn tay che chở của người cha.

Cô gái bị liệt vẽ ước mơ bằng chân đầy nghị lực - 1

Những khát khao về một cuộc sống bình thường được gửi gắm qua những bức tranh do Thảnh vẽ nên bằng đôi chân bị liệt của mình. Ảnh: NGUYỄN DO

Những bức tranh chứa đầy mơ ước

Bên trong căn nhà nhỏ, Thảnh lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của mẹ là bà Huỳnh Thị Liên. “Cháu bị tật bẩm sinh, bị liệt tay chân từ nhỏ. Lúc trước Thảnh không nói được, gần đây cháu mới nói tiếng được, tiếng mất…” - bà Liên nói.

Gia đình bà Liên chỉ có ba mẹ con, người con gái lớn đã lấy chồng ở Đồng Tháp nhưng vì kinh tế khó khăn nên 5-7 năm mới về thăm nhà một lần. Thảnh từ nhỏ đến giờ chỉ nằm một chỗ, không đi lại được, mọi công việc vệ sinh, ăn uống đều nhờ vào người mẹ. “Bữa nào Thảnh đau, tôi không đi đâu được, ở nhà còn gì hai mẹ con ăn nấy. Còn lúc Thảnh khỏe, tôi đi chợ mua con cá, ra vườn hái nắm rau. Lúc tôi nấu ăn thì Thảnh nằm giữa nhà vẽ tranh” - bà Liên nói.

Vừa dứt lời, bà Liên đưa cho chúng tôi xem một tập tranh được đóng ghim gọn gàng, những bức tranh được vẽ bằng bút chì và tô những màu sắc sặc sỡ. Chủ đề trong những bức tranh chủ yếu nói đến tình cảm mẹ con, tình yêu đôi lứa, thời trang, những vật nuôi trong nhà… Những bức tranh được vẽ nên từ đôi bàn chân của Thảnh!

Lật những tập tranh do chính con gái vẽ, bao ký ức năm tháng như ùa về với người phụ nữ tần tảo. Bà Liên nói: “Mỗi khi cho Thảnh ngủ xong, buồn buồn tôi lại lật những bức tranh nó vẽ ra coi. Nhìn những bức tranh, tôi không cầm được nước mắt. Mình sinh Thảnh ra chịu thiệt thòi so với mọi người rồi, giờ muốn bù đắp cho nó nhưng vì nghèo khổ nên chẳng biết làm sao”.

Đến bức tranh vẽ bốn người cùng ngồi với nhau, trước mặt là một chiếc bàn gỗ có những cốc nước, bà Liên dừng lại, giọng buồn buồn: “Ước mơ nhỏ nhoi của Thảnh là được đi uống nước, vui chơi, trò chuyện cùng bạn bè…”.

Hai gam màu trái ngược

Cũng như bao người phụ nữ khác, bà Liên đã từng ước mơ sau khi sinh con, cố gắng một mình chăm lo cho chúng học hành như bao đứa trẻ hàng xóm. Thế nhưng bao nhiêu hoài bão của người mẹ bị sụp đổ khi phát hiện đứa con thứ hai (là Thảnh) có những biểu hiện lạ thường khi vừa ở tuổi lên hai.

“Những đứa trẻ lên hai đã chạy nhảy, còn nó chỉ nằm và quấy khóc, sau đó những dấu hiệu về liệt hai tay, hai chân dần dần lộ rõ. Tôi như đứt từng khúc ruột. Nhưng dù tuyệt vọng, tôi vẫn phải gắng gượng để nuôi con” - bà Liên nói.

Bà Liên kể lúc trước nhà chưa xây, nền nhà là nền đất nên mỗi lần đặt Thảnh nằm xuống là nó lấy ngón chân quậy quậy vào đất để vẽ. “Nhiều ngày như thế tôi mới biết con mình thích vẽ tranh nên tôi đi xin những ngòi bút chì, mẩu giấy về cho nó tập vẽ”.

Lúc đầu Thảnh chỉ dùng hai ngón chân kẹp chặt ngòi bút rồi vẽ nguệch ngoạc và không vẽ lâu được vì bàn chân đau nhức. Thế nhưng qua thời gian dài kiên trì, cuối cùng cô gái cũng đã vẽ được những vật dụng đơn giản trong nhà. Đến nay Thảnh đã hoàn thiện hàng trăm bức tranh nhiều màu sắc và tự viết được tên mình.

Và cứ thế, hằng ngày những bức tranh với những gam màu tươi đẹp, trái ngược với cuộc sống hiện tại của hai mẹ con Thảnh hiện lên trên những trang giấy trắng.

Điều người mẹ trăn trở nhất là càng ngày tuổi tác càng cao, không còn lao động được thì ai sẽ lo từng bữa ăn cho đứa con gái bất hạnh của mình. “Nhà cũ đã quá xuống cấp, không thể ở được nên mấy năm trước tôi vay tạm xây căn nhà nhỏ để hai mẹ con ở. Mới đây, khi được hỗ trợ xây nhà chống bão, tôi cũng vay thêm để làm căn phòng có đổ trần bê tông để tránh bão, giờ vẫn còn nợ ngân hàng hơn 30 triệu…” - bà Liên nói.

Nghị lực của nữ sinh Ngoại thương mang bầu với bạn cùng lớp

Bà mẹ trẻ không chỉ giữ lại đứa con mà còn coi đó là nghị lực để tìm lại hạnh phúc của đời mình.

Bạn có những băn khoăn muốn chia sẻ, những tâm tư muốn được giãi bày, những khúc mắc muốn nhờ tư vấn? Hãy gửi ngay những tâm sự của bạn tới mail bantrecuocsong@24h.com.vn để các chuyên gia tâm lý, tình yêu gỡ rối giùm bạn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Do ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN