Tự lập hoàn toàn ở thủ đô, cô gái 22 tuổi vẫn dư tiền biếu bố mẹ

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Luôn lập kế hoạch chi tiêu cẩn thận, Ánh Dương, 22 tuổi, sau khi trừ hết chi phí vẫn dành ra được mỗi tháng 6 triệu đồng để báo hiếu bố mẹ và tiết kiệm.

Ánh Dương, 22 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Ánh Dương, 22 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trần Thị Ánh Dương, 22 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đang thuê trọ tại Hà Nội, đã tốt nghiệp đại học và đi làm được một năm. Dù cuộc sống tại Hà Nội tốn kém, mỗi tháng Ánh Dương đều dành được 3 triệu đồng để biếu bố mẹ ở quê và 3 triệu đồng gửi tiết kiệm. Gen Z cho biết có được thành quả này chủ yếu nhờ tư duy, cách chi tiêu khoa học.

Cô gái trẻ cho biết mỗi tháng có nguồn thu chính 15 triệu đồng đến từ công việc full-time 8 tiếng/ngày. Ngoài ra, Dương làm thêm công việc sáng tạo nội dung trên TikTok, thu nhập khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Do đó, tổng thu nhập hàng tháng của cô dao động khoảng 17 - 20 triệu đồng. Với khoản thu trên, Dương chia ngân sách mỗi tháng gồm:

- Tiền trọ (bao gồm tiền phòng, điện nước): 3,3 triệu đồng

- Tiền ăn uống: 2,5 triệu đồng

- Biếu bố mẹ: 3 triệu đồng

- Cafe, shopping: 800.000 đồng

- Tiết kiệm: 3 triệu đồng (nếu thu nhập tốt hơn sẽ tăng tiền vào khoản này)

- Đồ cần thiết: 800.000 đồng

- Dự phòng: một triệu đồng

Ánh Dương, 22 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Để đảm bảo ngân sách này, Ánh Dương tuân theo 4 nguyên tắc. Đầu tiên, cô phân bổ khoản chi tiêu rõ ràng từ đầu tháng. "Mình thường chia tiền thành ba phần là nhu cầu thiết yếu, khoản tiết kiệm và quỹ cho sở thích cá nhân. Nhờ vậy, mình không tiêu quá tay hoặc rơi vào tình trạng cuối tháng hết tiền bất ngờ", Ánh Dương nói.

Cô gái trẻ cũng thường xuyên mua đồ về tự nấu nướng thay vì ăn ngoài để vừa tiết kiệm, vừa ăn uống lành mạnh. Dương hay đi chợ một lần mỗi tuần, lên sẵn thực đơn để không phải nghĩ mỗi ngày. Cô cũng tập nói "không" với chi tiêu cảm tính. Mỗi lần muốn mua gì, Dương hay tự hỏi: "Món đồ này có thật sự cần thiết không?", nhờ vậy tránh được nhiều khoản lãng phí, không đáng.

Cuối cùng, Dương luôn để một khoản tiết kiệm mỗi tháng dù ít hay nhiều để phòng khi cần và khiến bản thân an tâm. Chi tiêu theo ngân sách đôi khi sẽ khiến Dương hơi ngột ngạt nhưng cô thầm động viên mình cố gắng vượt qua.

"Vì sống một mình và hoàn toàn tự lập, không phụ thuộc vào bố mẹ, nên việc kiểm soát chi tiêu đối với mình rất quan trọng. Điều đó giúp mình cảm thấy yên tâm và tự tin khi sống một mình ở Hà Nội đắt đỏ. Đồng thời, mình cũng muốn để bố mẹ yên lòng khi biết con gái có thể tự lo cho bản thân, sống có trách nhiệm và tiết kiệm được một khoản cho tương lai", Ánh Dương nói.

Ngoài chi tiêu khoa học, Dương cũng luôn trau dồi để cải thiện thu nhập chính và từ nghề phụ. Các công việc tay trái của Dương phù hợp thế mạnh của cô là viết nội dung, chỉnh sửa video. Kênh Tiktok của Gen Z cũng vừa để chia sẻ cuộc sống, kết hợp bán hàng, hợp tác nhãn hàng. "Không phải lúc nào mình cũng thấy ngay kết quả, nhưng mỗi lần làm thêm được một chút là thấy bản thân đang đi đúng hướng", Dương nói.

Hồng Ngọc, 27 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực kế toán tại Hà Nội, cho biết việc hạn chế chi tiêu bốc đồng, đặt mục tiêu tài chính cụ thể... giúp cô tiết kiệm 5-7 triệu đồng hàng tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hằng Trần Ảnh: NVCC ([Tên nguồn])
Người trẻ suy ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN