6 cách đối phó khi yêu phải anh chàng keo kiệt

Hãy động viên chàng kiếm nhiều tiền hơn thay vì giữ bo bo đống tiền trong túi.

Lúc mới quen, chàng tỏ ra khá vui vẻ, hào phóng, lúc nào cũng “rủng rỉnh” tiền trong túi. Nhưng khi chấp nhận mối quan hệ yêu đương nghiêm túc với nhau rồi, bạn dần phát hiện ra chàng là người khá “giữ của”, tiết kiệm đến mức bị người ta gọi là “ki bo”, "keo kiệt". Vậy nên tiếp tục hay chấm dứt với một người đàn ông không chịu chi như vậy?

6 cách đối phó khi yêu phải anh chàng keo kiệt - 1

Hãy chú ý điều tiết dần những khoản chi tiêu cho các cuộc hẹn hò của hai bạn (Ảnh minh họa)

Hãy áp dụng ngay 6 cách sau đây trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào để không bỏ lỡ “một nửa” của mình nhé!

1. Làm gương cho chàng

Bản thân bạn hãy thoải mái và rộng rãi về tài chính trong những hoàn cảnh cần thiết để làm gương cho chàng học hỏi và noi theo. Nếu thấy bạn sẵn sàng chi trả một số tiền nào đó để thu về lợi ích nhất định (chẳng hạn được lòng người khác, hâm nóng và bày tỏ tình cảm với người thân, bạn bè, cải thiện các mối quan hệ xã giao có ích cho công việc…) thì không có lý nào chàng lại cứ tiếp tục có tư tưởng “giữ của” cho riêng mình nữa.

2. Điều tiết các khoản chi tiêu chung

Hãy chú ý điều tiết dần những khoản chi tiêu cho các cuộc hẹn hò của hai bạn. Nếu chàng có tư tưởng quá “phương Tây”, quá rạch ròi trong chuyện vật chất, tiền nong với bạn gái thì có lẽ sẽ khiến bạn khó chịu, ngán ngẩm nhưng cũng đừng vì thế mà vội vàng "tẩy chay" chàng mà hãy “đồng hóa” từ từ.

Ban đầu nên đồng ý với đề nghị chia đôi số tiền mỗi lần hẹn hò của chàng, sau đó một thời gian thì để chàng đứng ra trả những khoản nhỏ để tạo thói quen “cho đi”, “đầu tư” và thể hiện sự ga lăng của phái mạnh.

3. Nhắc nhở tế nhị

Phân tích cho chàng thấy cần phải có sự cởi mở nhất định về tài chính, phải có đầu tư thì mới thu về lợi nhuận (vật chất, tình cảm, niềm vui, các mối quan hệ xã giao, bạn bè…). Nên lựa những thời điểm thật thoải mái về cả không gian và thời gian (chẳng hạn lúc hai bạn đang tâm sự thành thật với nhau ở một nơi khá yên tĩnh và lãng mạn, ít người qua lại) và góp ý thật khéo léo, nhẹ nhàng, cẩn thận để tránh làm chàng tổn thương, mất mặt.

4. Nhờ người thân của chàng tác động

Tại sao bạn lại không tận dụng mối quan hệ của mình với bố mẹ hoặc anh chị em, bạn thân của chàng để thông qua đó nhờ họ góp ý với chàng về khoản đó. Như thế sẽ khiến chàng đỡ “muối mặt” với bạn gái và hiểu ra rằng, sự tiết kiệm quá mức đến keo kiệt của bản thân cần được điều tiết, sửa chữa để có thể hòa đồng và làm vui lòng những người xung quanh mình.

5. Khéo léo quản lý tài chính, chi tiêu của chàng

Hãy dần dần can thiệp ít nhiều về cách quản lý và chi tiêu của chàng để có thể làm quân sư, định hướng và góp ý trong vấn đề khá nhạy cảm này. Chẳng hạn: chàng muốn mua một chiếc máy tính tốt phục vụ công việc nhưng còn dè chừng túi tiền thì hãy giúp chàng phân tích, cân đong đo đếm tình hình xem có nên mua hay không.

Chàng luôn miệng than đang “viêm màng túi” nhưng lại gặp gỡ “hội bạn nhậu” vào cuối tuần, vậy hãy nhắc nhở chàng hạn chế những cuộc vui vô bổ, tốn thời gian và tiền bạc đó lại.

6. Khuyên chàng “kiếm nhiều tiền chứ đừng chỉ tiết kiệm tiền”

Đây là nguyên tắc sống khá quan trọng của bất kỳ ai. Nếu chàng lúc nào cũng chỉ khư khư với đống bạc có trong ví mình, tiết kiệm chi tiêu cái này, "buộc bụng" không mua thứ kia thì hoàn toàn không ổn tí nào.

Hãy hướng chàng đến suy nghĩ nỗ lực, phấn đấu để làm ra thật nhiều tiền. Lúc đó họ sẽ thoải mái hơn trong vấn đề tài chính. Đó là cách giải quyết an toàn và bền vững nhất đối với những anh chàng keo kiệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hằng (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tình yêu giới trẻ hiện nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN