Vụ tạt axit man rợ cả nhà: có bị chìm xuồng?

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, gã hàng xóm Lâm Tiến Dũng (48 tuổi, ngụ 274/10 Nguyễn Văn Nghi quận Gò Vấp) đã dùng nguyên một ca axit tạt vào bốn thành viên của một gia đình. Thế nhưng, khi nỗi đau đớn và di chứng nặng nề đang hằng ngày hằng giờ hành hạ những nạn nhân thì kẻ thủ ác lại được đưa vào trại tâm thần để điều trị, còn vụ trọng án được báo đình chỉ điều tra.

Buổi sáng định mệnh

Hơn tám tháng trôi qua kể từ ngày cả gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn (38 tuổi, ngụ ở 274/8, đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp) bị Lâm Tiến Dũng tạt axit, chúng tôi trở lại căn nhà nơi vụ án xảy ra, nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Chị Phạm Thị Thanh Xuân (35 tuổi, vợ anh Tuấn) vui mừng khi gặp lại chúng tôi. Không như lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, khi vụ án mới xảy ra, chị Xuân phải nằm dài trên giường bệnh, toàn thân bị bỏng, da rộp lên khắp người, không thể mặc được áo quần, chỉ được đắp một tấm vải màu trắng. Giờ tuy chị đã đi lại được những bước nhẹ nhàng, nhưng toàn thân vẫn chằng chịt những vết sẹo lồi lõm do axit để lại.

Rất khó để mở lời về câu chuyện kinh hoàng ngày ấy, chị Xuân chợt rùng mình, im lặng trong giây lát rồi mới nghẹn ngào nhắc lại. Chị còn nhớ rất rõ, đó là ngày 18/1/2012, cũng như bao nhiêu buổi sáng bình thường khác, ngủ dậy, anh Tuấn dắt xe ra đi làm, còn chị bận rộn với việc bán tạp hóa và quán cà phê cóc trong con hẻm nhỏ. Hôm đó, khi anh Tuấn vừa dắt xe ra, thì có một người hàng xóm đến mua thuốc nên anh dựng xe vào bán rồi mới định đi làm. Tuy nhiên, dự định đó của anh chưa được thực hiện, vị khách hàng mới bước ra khỏi quán thì Dũng mặc áo mưa, chạy vào, dùng một gáo axit tạt thẳng vào người anh.

Vụ tạt axit man rợ cả nhà: có bị chìm xuồng? - 1

Bé Huy Bảo, anh Tuấn và chị Xuân.

Nỗi đau lan ra khắp cơ thể, nhưng anh lo lắng cho vợ con nên hét lớn “Axit, chạy nhanh”. Khi lời cảnh báo cho vợ con chưa dứt, Dũng đã kịp chuyển hướng, tạt số axit còn lại trong ca vào người chị Xuân và đứa con út của chị, cháu Nguyễn Quốc Huy Bảo (5 tuổi). Trong khi đó, cháu Nguyễn Thị Thanh Ngọc (13 tuổi) đang ngủ trên gác, nghe tiếng ồn ào dưới nhà liền chạy xuống. Thấy cảnh kinh hoàng, Ngọc quá lo sợ nên trượt chân ngã vào nước axit ở dưới sàn khiến cháu bị bỏng ở chân và mông.

Trong tích tắc, chị Xuân ôm con trai chạy ra cổng sau. Anh Tuấn cũng nhanh chân chạy theo. Dũng thấy vậy, liền rút con dao đã chuẩn bị sẵn ở trong người, nhảy qua số hàng đang để trước cửa để rượt theo. Anh Tuấn cùng vợ con chạy vào nhà một người hàng xóm. Tuy nhiên, Dũng vẫn không chịu dừng lại, hung hăng chạy vào nhà của người này. Chị Xuân hoảng loạn, bồng con chạy vào phòng ngủ khóa trái cửa. Còn anh Tuấn nhanh chân lẻn vào phòng vệ sinh cũng khóa trái cửa. Như thế, Dũng vẫn không chịu dừng lại mà dùng tay, chân đạp phá cánh cửa.

Lúc này, nhiều người uống cà phê tại quán chị Xuân thấy Dũng tạt axit lại còn dùng dao cố sát gia đình anh Tuấn nên chạy theo định ôm lại. Nhưng, Dũng vẫn không chịu thua mà hất tung mọi người ra, cố đấm, đạp để phá cánh cửa phòng vệ sinh. Hắn chỉ chịu dừng lại khi mọi người gọi Công an đến trấn áp. Riêng gia đình anh Tuấn được đưa đi cấp cứu, còn bé Thanh Ngọc bị nhẹ nên được cho về nhà điều trị. Những ngày này, vợ chồng anh Tuấn nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, còn bé Huy Bảo được nằm cách ly ở bệnh viện Nhi Đồng. Chúng tôi còn nhớ, lúc đó, người nhà chú tâm chăm sóc cho cháu Bảo, còn vợ chồng anh Tuấn chỉ đến giờ ăn mới được mọi người vào chăm sóc.

Trong khi kể lại, chị Xuân cho biết: “Lúc bị tạt axit, tôi nhìn sang con trai cũng bị tạt, quá lo lắng nên không biết đau đớn gì nữa. Tôi không nghĩ rằng mình lại bị nặng như vậy. Chỉ sợ con lại bị Dũng hại tiếp nên bồng chạy sang nhà hàng xóm để trốn. Khi vào bệnh viện, tôi mới nhận ra rằng, mình bị bỏng khắp toàn thân. Lúc đó, quá đau đớn, nhiều lần tôi thầm nghĩ mình chết còn sung sướng hơn. Nhưng nghĩ lại hai đứa con, tôi lại cố gắng vượt qua để sống”.

Nỗi đau kéo dài

Ba tháng nằm trong bệnh viện là ba tháng khổ đau nhất cuộc đời của chị Xuân. Những cơn đau hành hạ không nguôi. Nhiều lúc đau đến tận tim, miệng không rên thành tiếng, răng cắn môi đến chảy máu. Không chỉ thế, mỗi tuần, chị lại phải trải qua vài cuộc phẫu thuật. Các bác sĩ dùng da ở chân đắp vào mặt và cánh tay, những nơi bị axit tàn phá nặng nề nhất. Quá đau đớn, nước mắt của chị chảy mãi không thôi khiến những lớp thịt mới được đắp vào bị trôi và đóng lại thành cục. Bác sĩ la hoài, nhưng vẫn không ngăn nổi nước mắt của mình nên giờ đây, một phần mắt bên phải của chị bị một mảng thịt che lại. Đến bây giờ, chị không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật.

Vụ tạt axit man rợ cả nhà: có bị chìm xuồng? - 2

Chị Xuân phải chịu cảnh co rút cơ thể do axit (ảnh: NLĐ)

Nói đến đây, chị Xuân lấy trong ngăn kéo ra một tập giấy do bệnh viện đưa. Chúng tôi lần giở, bắt gặp được tờ giấy giám định vết thương. Anh Tuấn bị bỏng 96%, chị Xuân bị bỏng 65%, cháu Bảo bị bỏng 60%. Mặc dù được các bác sĩ tận tình điều trị và chăm sóc, nhưng do vết thương quá nặng nên hiện giờ, trên khắp người anh Tuấn chỗ nào cũng có những dấu tích của vết thương. Da trên người anh thường co rút lại gây đau đớn vô cùng.

Cách đây chừng một tháng, da ở cánh tay của anh co lại khiến tay phải mắc sát vào hông không cử động được. Anh lại phải vào bệnh viện để phẫu thuật. Không chỉ thế, trước đây, Dũng tạt axit trực diện vào khuôn mặt, axit ăn mòn vào đôi mắt nên giờ đây không thể nhìn thấy gì. Hiện, anh Tuấn như là một phế nhân, người nhà phải chăm sóc anh hoàn toàn.

Còn cháu Huy Bảo, mặc dù chỉ mới 5 tuổi, nhưng trên người có rất nhiều sẹo, khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn. Trong người thường xuyên đau đớn và ngứa ngáy vô cùng. “Nhiều lúc con ngứa lắm nhưng không biết làm sao, chỉ biết nằm khóc thôi”, bé Bảo nói.

Sau khi xuất viện, gia đình anh Tuấn li tán mỗi người một phương. Ban đầu, bà Phạm Thị Kiệu (mẹ ruột anh Tuấn) từ Long An lên TP.HCM chăm con bệnh. Do thời gian sống lâu dài, bà thuê một căn phòng trọ ở quận 8 để ở. Lúc anh ra viện, hai mẹ con về đây ở được một thời gian. Tuy nhiên, gia đình ở quê nghèo, cuộc sống tại thành phố đắt đỏ, không thể trụ lại nên sau nhiều đêm suy nghĩ, hai mẹ con quyết định về Long An sinh sống.

Chị Xuân và hai con ban đầu cũng định theo chồng về quê, bởi chị sợ rằng, khi trở lại căn nhà đó, mọi chuyện trong tâm thức mình lại dậy sóng. Nhưng nghĩ lại, nhà chồng thì nghèo, cả bốn người giờ đây không thể làm gì để kiếm sống. Nếu về quê chồng thì người mẹ già lại phải nuôi thêm bốn miệng ăn, liệu có đảm đương nổi? Không chỉ thế, bé Thanh Ngọc vẫn còn phải đi học, do đạt được thành tích xuất sắc nên nhà trường đã cho học bổng để học, nếu về quê, cháu phải chuyển trường và sợ không đủ sức cho con đi học.

Nghe theo lời của những người hàng xóm cùng người thân động viên, ba mẹ con lại trở về căn nhà cũ để sống, dựa vào lòng hảo tâm của những bạn đọc gần xa, sự đùm bọc của hàng xóm và người thân. “Nếu không có lòng tốt của mọi người, có lẽ rằng, mạng sống của ba mẹ con tôi sẽ không giữ được chứ nói gì đến chuyện sinh sống”, chị Xuân quệt vội dòng nước mắt lăn trên những vết sẹo lồi.

Anh Tuấn phải mang trên mình nỗi đau quá lớn, ở mỗi người một nơi, nhưng tình cảm vợ chồng, phụ tử vẫn không thuyên giảm. Nhiều đêm, anh quá nhớ đã nằm mơ rồi khóc và tự hỏi, sao cuộc đời lại bất công với mình như vậy. Không thể nào tự đi, nhưng mỗi tháng, anh cũng cố nhờ người mẹ già hoặc anh chị em dẫn về nhà ở thành phố để thăm vợ con. “Mỗi lúc anh ấy lên, chúng tôi chỉ biết ngồi ôm nhau khóc. Hạnh phúc lúc đó thì ngập tràn, nhưng nỗi đau vẫn mãi kéo dài khi thấy những vết sẹo chằng chịt”, chị Xuân chia sẻ.

Điều bây giờ chị lo lắng nhất là số phận của hai đứa con của mình trong tương lai rồi sẽ như thế nào. Bé Thanh Ngọc giờ đang học lớp tám. Trong suốt tám năm qua, năm nào bé cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Còn bé Huy Bảo, năm nay, chị định cho đi học mầm non để sang năm vào lớp một. Tuy nhiên, với khuôn mặt dị dạng chị sợ rằng với sự mặc cảm, bé sẽ không tiếp xúc bình thường với mọi người.

Hung thủ bất ngờ bị tâm thần

Trở lại quá khứ, khi mọi chuyện chưa xảy ra, cách đây mười mấy năm, khi bé Ngọc mới được sinh ra. Vợ chồng anh Tuấn phải tá túc ở nhà vợ. ông ngoại thấy vậy cũng tội nên bỏ tiền và vận động thêm người thân mua căn nhà ở Gò Vấp và cho anh chị ở nhờ. Căn nhà này với nhà của Dũng ở sát vách nhau. Ban đầu, cuộc sống hai gia đình cũng rất bình thường. Chị Xuân bán tạp hóa, gia đình Dũng nhiều lúc cũng ra mua rồi cười nói. Tuy nhiên, cách đây một vài năm, gia đình Dũng có trồng một cây bông giấy sát vách nhà và nhiều lúc chị khuyên nhà Dũng nên chặt đi vì nó leo qua trần nhà của mình.

Chỉ với những lời nói đó, nhưng cha của Dũng thường xuyên sang la mắng. Vợ ông nhiều lúc chạy sang bảo, vợ chồng chị nên cố gắng chịu đựng một chút, bà còn bị đánh và mắng chửi, huống gì anh chị, bởi ông đã già nên nổi chướng. Vợ chồng chị nghĩ, vợ ông đã nói vậy thì mình cũng cố gắng chịu đựng. Vả lại xích mích với hàng xóm là chuyện bình thường nên cũng không lăn tăn suy nghĩ gì. Câu chuyện bắt đầu chỉ có thế, nhưng có lẽ Dũng bực mình nên đã tạo ra bi kịch cho cả gia đình chị.

Khi nỗi đau vẫn còn in hằn trên thân thể cũng như trong tâm thức của bốn thành viên gia đình, thì mới đây, 13/7, chị Xuân bất ngờ khi nhận được “Thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án” với lý do “Lâm Tiến Dũng – Tâm thần phân liệt, thể hoang tưởng, giai đoạn tiến triển liên tục”. Nhận được thông báo này, gia đình chị lại càng lo lắng và hoang mang hơn.

Theo thông tin của những người hàng xóm cho biết, trước và trong vụ án, Dũng không có dấu hiệu gì được gọi là bất thường. Bởi, hắn có vợ con. Mỗi ngày, đến giờ trẻ về là hắn lại lái xe đón con về. Trong cuộc sống hắn ít nói, ít tiếp xúc với mọi người, nhưng khi gặp nhau thì cũng chào hỏi một cách bình thường. Sáng xảy ra vụ án, hắn mặc một bộ áo mưa, mang găng tay, bịt mặt, đeo kính rồi mới dùng ca axit để tạt. Một người hàng xóm tự đặt nghi vấn “Nếu Dũng bị tâm thần thì có thể nào chuẩn bị một cách kĩ lưỡng như vậy khi gây án?”. Có thể nói rằng, đây là câu hỏi chung của nhiều người chứ không chỉ riêng của người này.

Điều đáng nói, khi vụ án xảy ra được hai ngày, gia đình Dũng dọn nhà đi nơi khác. Ban đầu, cũng có đến đưa tiền, hỏi thăm sức khỏe gia đình chị Xuân. Thế nhưng, sau này thì gia đình Dũng hoàn toàn không đến. Lâu lâu, người thân Dũng cũng trở lại căn nhà cũ một lát rồi lại lái xe đi. Gia đình chị ở ngay cạnh vách, hậu quả của vụ tạt axit vẫn còn đó, nhưng họ không hề bước sang thăm hỏi một tiếng. “Tôi chỉ mong rằng, họ nói với tôi một lời xin lỗi nhưng chưa bao giờ nghe được. Giờ đây lại được Công an thông báo tạm đình chỉ vụ án. Phải chăng, việc số phận bốn thành viên của gia đình chúng tôi bị Dũng phá hủy rồi sẽ bị trôi vào quên lãng?”, chị Xuân ôm bé Bảo trong tay mà lòng quặn thắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Vũ (Công An Nhân Dân)
Tạt axit và những nỗi đau Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN