Vụ án giấy nợ 'song sinh' trị giá 3,53 tỉ đồng ở Bạc Liêu
Ông Thông và ông Thuận đều có trong tay tờ giấy mượn nợ bản gốc với món nợ 3,53 tỉ đồng, gần như giống hệt nhau nhưng ông Thông nói chỉ viết 1 tờ, vậy ai đã mạo tờ giấy còn lại?
Giữa tháng 3-2024, TAND TP Bạc Liêu đã xử sơ thẩm vụ án thuộc dạng xưa nay hiếm, mạo giấy nợ để được tiền.
Ông Thuận ở Cần Thơ cầm tờ giấy nợ có chữ viết tay kiện ông Thông ở Bạc Liêu đòi món nợ 3,53 tỉ đồng. Ông Thông phản pháo, đưa ra một tờ giấy nợ giống hệt như vậy, cũng là bản gốc.
Ai đã mạo giấy nợ?
Nhìn bằng mắt thường, hai giấy nợ của nguyên đơn, tức ông Thuận và bị đơn, tức ông Thông đều là giấy gốc. Giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy, cách đá nét ở từng chữ cái. Điểm khác nhau duy nhất là tờ giấy do ông Thuận cung cấp có chữ ký ông Thuận và con dấu công ty ông Thuận; trong khi đó tờ giấy của ông Thông thì không có chữ ký của bên cho mượn, chỉ có chữ ký của Qui (nhân vật sẽ được đề cập dưới đây) ký nhận tài sản là sổ hồng.
Ông Thông thừa nhận chữ viết tay trên cả hai giấy này nhìn thì đúng là do ông viết ra, bằng viết bíc mực xanh. Nhưng ông chỉ viết một tờ, một lần. Vả lại cũng không thể viết 2 lần mà nó có thể giống nhau như photocopy.
Ông Thông, bị đơn trong vụ án. Ảnh: TRẦN VŨ
Ông Thuận cho rằng, do ông Thông cần tiền để chuộc sổ hồng đất đai ra khỏi một ngân hàng để đi vay ở một ngân hàng khác nên đã mượn tiền của ông. Ông Thông có chính tay viết giấy nợ và giao cho ông Thuận. Nay ông Thuận yêu cầu toà tuyên buộc ông Thông trả mình số nợ như trên giấy nợ và tiền lãi theo lãi suất ngân hàng kể từ khi mượn nợ đến nay.
Giấy nợ thể hiện ông Thông mượn ông Thuận 3,53 tỉ đồng vào ngày 20-10-2020 và hứa trả vào ngày hôm sau, tức 21-10-2020.
Trái lại, phía bị đơn ông Thông cho rằng, chưa từng biết và có giao dịch tiền bạc gì với ông Thuận, mà chỉ có giao dịch tiền bạc qua lại nhiều lần với ông Nguyễn Minh Tân, quê Sóc Trăng, có Công ty tại Bạc Liêu.
Ngày 20-10-2020, theo thoả thuận trước, ông Tân sẽ trả nợ số tiền 3,2 tỉ đồng cho ông Thông để ông Thông chuộc lại sổ hồng từ một ngân hàng ở tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, khi ông Thông đến Cà Mau, ông Tân không đến mà cho nhân viên tên Qui đến.
Ông Qui gặp ông Thông tại Cà Mau đưa ra yêu cầu ông Thông viết và ký vào mẫu tờ giấy mượn nợ 3,53 tỉ đồng. Thấy vô lý, ông Thông đã gọi điện cho ông Tân thắc mắc vì sao mình lấy tiền nợ mà bị yêu cầu viết giấy mượn nợ. Khi nghe ông Tân giải thích rằng đây chỉ là vấn đề thủ tục, hơn nữa do áp lực thời gian chuộc sổ từ ngân hàng và do chỗ thân thiết nhiều năm nên ông Thông đã tin và ký vào giấy nợ.
Ông Nguyễn Minh Tân, liên quan vụ án này là Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và đầu tư xây dựng Linh Yến Phi, Bạc Liêu, bị Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bắt giam hồi tháng 9-2023, về hành vi lừa đảo 26 tỉ đồng.
Ngay sau đó 1 ngày, ông Thông đã trả số tiền chuyển thừa cho ông Tân (ông Tân nợ 3,2 tỉ nhưng đã cho người chuyển trả đến 3,53 tỉ, thừa 330 triệu đồng) và yêu cầu ông Tân trả lại giấy "mượn nợ thủ tục". Khi nhận lại giấy "mượn nợ thủ tục" từ ông Tân, ông Thông yên tâm là mọi việc đã giải quyết xong.
Tuy nhiên, đến tháng 5-2023, ông Thuận đã khởi kiện yêu cầu ông Thông trả nợ, với bằng chứng là tờ giấy nợ bản gốc, giống hệt tờ giấy nợ mà ông Thông đã được ông Tân mang trả lại và hiện đang còn lưu giữ. Vậy, hẳn phải có ai đó đã mạo giấy nợ để hòng có được số tiền hơn 3,5 tỉ đồng.
Toà chưa đánh giá toàn diện chứng cứ?
Ngày 12-3-2024, TAND TP Bạc Liêu đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu đòi nợ của ông Thuận, buộc ông Thông và vợ phải trả số nợ gốc theo giấy mượn nợ là 3,53 tỉ đồng và khoản tiền lãi 1,19 tỉ đồng, tổng cộng là 4,72 tỉ đồng.
Bên trái là giấy nợ gốc của ông Thông đang giữ, bên phải là giấy ông Thuận đưa ra khởi kiện đòi nợ ông Thông (do bản gốc đã nộp cho tòa nên PV chỉ chụp được bản photo). Ảnh: TRẦN VŨ
Phía ông Thông và vợ đã kháng cáo toàn bộ bản án, với lập luận cấp sơ thẩm đã chưa đánh giá toàn diện chứng cứ, chỉ tập trung chứng cứ phía nguyên đơn, không quan tâm, không xem xét đánh giá chứng cứ của phía bị đơn. Cụ thể là không đề cập gì đến tờ giấy mượn nợ "song sinh" mà phía bị đơn đã trình ra để phản bác yêu cầu phía nguyên đơn.
Bản án này (số 04/2024/DS-ST, ngày 12-3-2024) thể hiện rõ chỉ xét ở tờ giấy nợ của nguyên đơn đưa ra, không đề cập gì đến tờ giấy nợ thứ hai mà bị đơn đã đưa ra để phản biện.
Theo đó, HĐXX cho rằng, ông Thông đã thừa nhận giấy mượn nợ mà nguyên đơn cung cấp là do chính ông Thông viết ra, nhưng là viết trong tình thế bị phía ông Tân lừa 'làm thủ tục". Tuy nhiên, ông Thông không chứng minh được việc bị ông Tân lừa, nên HĐXX chấp yêu cầu đòi nợ của ông Thuận.
Trao đổi với phóng viên PLO, thẩm phán, chủ toạ phiên toà, ông Từ Văn Nhứt cho rằng, do phía ông Thông không cung cấp tờ "mượn nợ song sinh" này nên HĐXX không đánh giá.
Tuy nhiên, ông Nhứt lại xác định, tờ giấy mượn nợ của ông Thông đưa ra có trong hồ sơ vụ án. "Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã chuyển hồ sơ đến Toà xác định không có dấu hiệu tội phạm, để Toà đủ cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Trong hồ sơ này có tờ giấy mượn nợ của ông Thông trình ra" - thẩm phán Nhứt nói.
Nó có trong hồ sơ vụ án, lý ra HĐXX phải xem xét đánh giá mới đảm bảo cao nhất nguyên tắc đánh giá toàn diện chứng cứ trong xét xử? - Thẩm phán Nhứt trả lời: "Bị đơn có thể yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét".
Trong bản án thể hiện "bị đơn Trần Văn Thông cung cấp cho Toà án một USB, trong đó xác định có file ghi âm được trích xuất từ camera trong nhà của ông Thông và một "văn bản trình bày nội dung ghi âm" đề ngày 12-3-2024". Tuy nhiên, bản án không nêu ra phần chứng cứ này có nội dung gì bên trong. Trong khi theo ông Thông, đó là nội dung phản biện cốt lỗi của ông, chứng minh bản chất thực sự của tờ giấy nợ và khoảng tiền 3,53 tỉ đồng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo lời khai của Lâm Hoàng Ngân, để lừa lấy được tiền của "đại gia" ở Cà Mau, mỗi ngày, Ngân dựng lên một câu chuyện đầy bi kịch của gia đình và...