Vợ chồng giám đốc Công ty Lâm Quyết bị tuyên án tổng cộng 27 năm tù

2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) và vợ là Phạm Thị Quyết đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt lần lượt các mức án 14 và 13 năm tù giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Sau 1 ngày dài mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2, đến 20h30 ngày 28-12, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) và vợ là Phạm Thị Quyết.

Hai bị cáo Lẫm, Quyết (chủ Công ty Lâm Quyết) tại phiên tòa

Hai bị cáo Lẫm, Quyết (chủ Công ty Lâm Quyết) tại phiên tòa

Căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù giam, tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Quyết (vợ Lẫm) 13 năm tù giam cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4, điều 175 Bộ luật Hình sự.

Tổng hình phạt 2 bị cáo phải nhận là 27 năm tù giam, bằng với mức án tòa đã tuyên trước đó tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1. Thời gian các bị cáo ngồi tù được tính từ ngày bị bắt để chấp hành án trừ đi thời gian bị tạm giam trước đó.

Sau phiên tòa ngày 28-12, các bị cáo tiếp tục bị tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi bản án chính thức có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, 2 bị cáo Lẫm và Quyết có trách nhiệm bồi thường cho hai bị hại là vợ chồng ông Đỗ Văn Tới, bà Lê Thị Tuyết (cùng trú tại TP Thái Bình) số tiền 900 triệu đồng đã chiếm đoạt.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2006, vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết (trú phường Trần Lãm, TP Thái Bình) thành lập Công ty TNHH Lâm Quyết (đặt tại thôn Đông Hải, xã Vũ Chính, TP Thái Bình) để sản xuất, chế biến, kinh doanh đồ gỗ.

Trong thời gian từ năm 2012 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 12-4-2018, 2 bị cáo Lẫm, Quyết đã vay của 12 cá nhân khác nhau cùng ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thái Bình với tổng số tiền gần 21 tỉ đồng.

Trong tổng số nợ này có 2 khoản vay gồm 400 triệu và 500 triệu đồng của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới và bà Lê Thị Tuyết.

Ban đầu, 2 bị cáo lập 2 bản hợp đồng vay của ông Tới với tổng số tiền 200 triệu thế chấp bằng chiếc ôtô Toyota Camry mang biển số 17K - 9966, nhưng sau đó lại gian dối khi bán chiếc ôtô này cho ông Phạm Công Tự (cùng trú tại TP Thái Bình) dù chưa hoàn trả số tiền vay và cũng không thông qua ý kiến của vợ chồng ông Tới về việc bán xe cho ông Tự.

Đến khi ông Tới đến đòi nợ, các bị can Lẫm, Quyết khất lần rồi còn tạo dựng ra việc đã trả tiền cho ông Tới thông qua hình thức viết giấy biên nhận nhằm chối bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ, hòng chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng.

Tòa cảnh phiên tòa hình sự sơ thẩm lần 2

Tòa cảnh phiên tòa hình sự sơ thẩm lần 2

Cụ thể, bị cáo Lẫm và Quyết cho rằng đã trả đủ tiền cho ông Tới và có giấy biên nhận xác nhận việc này. Tuy vậy, khi Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") và đàn em đến xâm phạm, chiếm đóng trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết lấy đi nhiều đồ vật, tài liệu thì giấy biên nhận đã trả nợ cũng bị mất theo.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bị hại, gây mất an ninh trật tự xã hội; trong quá trình xét xử, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, liên tục kêu oan, chối tội, không nhận thức được hậu quả do bản thân gây ra. Do đó, cần phải áp dụng hình phạt xứng đáng, đúng người đúng tội để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự.

Trước đó, ngày 12-6-2019, TAND tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1 và 2 bị cáo Lẫm, Quyết bị tuyên phạt tổng cộng 27 năm tù giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".

Đến ngày 11-5-2020, khoảng gần 1 tháng sau khi băng nhóm xã hội đen tại Thái Bình do Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") cầm đầu bị triệt phá, tại phiên xét xử phúc thẩm tổ chức tại TAND tỉnh Thái Bình, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, kiến nghị VKSND tỉnh Thái Bình trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án.

2 bị can Lẫm và Quyết đồng thời cũng được TAND cấp cao tại Hà Nội áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam thành bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú sau gần 2 năm bị tạm giam.

Đến ngày 27-5-2020, VKSND tỉnh Thái Bình ra quyết định trả hồ sơ để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình điều tra lại vụ án theo thẩm quyền.

Nguồn: [Link nguồn]

Xét xử vợ chồng Lẫm Quyết: 2 bị cáo không trả lời xét hỏi, liên tục kêu oan

Tại phiên xét xử, 2 bị cáo Lẫm và Quyết liên tục nói đi nói lại 1 câu: "Tôi bị oan, đề nghị toà trả hồ sơ cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tr.Đức ([Tên nguồn])
Bắt Đường "Nhuệ" và vợ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN