Vẫn phải xác minh lời tố cáo ông Chấn

Dù lời tố cáo này theo nhận định ban đầu có “vu vơ” chăng nữa thì vẫn phải xác minh, làm rõ và đưa ra tranh tụng tại tòa một cách cẩn trọng.

Ngày 30.6, ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Bắc Giang, xác nhận tòa này đã nhận đơn của bà Nguyễn Thị Thu Hà (53 tuổi, trú xã Song Mai, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) tố cáo đích danh ông Nguyễn Thanh Chấn - người từng được TAND Tối cao xin lỗi vì đã kết án oan tù chung thân về tội giết người - chính là hung thủ giết chết chị Nguyễn Thị Hoan ở thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang).
Bà Hà cho rằng Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ mà là người được trả tiền để chịu tội thay cho ông Chấn. Bà đề nghị TAND Tối cao tạm ngưng chi trả 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường oan cho ông Chấn.
Với diễn biến này, Chánh án Thân Văn Quang cho hay tòa này đang xem xét việc tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm Lý Nguyễn Chung vào ngày 21.7 tới như kế hoạch hay phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong khi đó, thẩm phán Ngô Quang Dũng, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Bắc Giang, cho biết có thể phiên tòa sắp tới vẫn diễn ra bình thường. “Trong trường hợp đó, có thể bà Hà sẽ được mời đến phiên xử với tư cách nhân chứng. Quá trình xét xử tòa sẽ quyết định có phải trả hồ sơ hay không” - ông Dũng nói.
Vẫn phải xác minh lời tố cáo ông Chấn - 1

Ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (bên phải) xin lỗi và tặng hoa ông Nguyễn Thanh Chấn. Ảnh: Nguyễn Quyết

Trao đổi với PV, bà Hà cho biết lúc còn sống chị Hoan (nạn nhân của vụ án) có qua lại mua bán hàng tạp hóa với bà và hai người thường trò chuyện với nhau. Người phụ nữ này khẳng định chị Hoan đã kể cho mình nghe rằng chị có quan hệ qua lại với ông Nguyễn Thanh Chấn. “Thậm chí chính tôi đã tự đi tìm hiểu và nghe người nhà ông Chấn nói rằng phải tốn kém mới ra được tù” - bà Hà nói. Bà Hà cho rằng ông Chấn mới chính là hung thủ, còn Lý Nguyễn Chung bị bắt nhận tội thay(?!).
Luật sư Giáp Văn Điệp, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân, cho biết ông đã có cuộc làm việc trực tiếp với bà Hà. “Khi tôi hỏi lý do không làm đơn khai báo sớm, bà Hà trả lời do không để ý, mới đây xem tivi thấy ông Chấn được bồi thường 7,2 tỷ đồng nên bà mới biết. Bà nói vì vậy bà mới làm đơn và chỉ kịp nộp cho tòa án” - luật sư Điệp kể.
Luật sư Điệp cho rằng thông tin bà Hà cung cấp “có giá trị pháp lý rất thấp”. “Lâu nay gia đình nạn nhân cũng nhận một số thư nặc danh nói rằng Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ và đề cập nhiều vấn đề khác” - luật sư Điệp cho biết.
Luật sư Hoàng Minh Hiển (Công ty luật Bắc Hà, Hà Nội, người bào chữa cho Lý Nguyễn Chung) cho hay, với kinh nghiệm tố tụng, khi xuất hiện nhân chứng với lời khai mới như vậy, tòa thường phải cẩn thận hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với ông Chấn, nhưng điện thoại ông không liên lạc được. Người nhà ông cho biết ông đang đi chữa bệnh và tắt điện thoại.
Trong khi đó, bà Thân Thị Hải (người giúp ông Chấn trong hành trình giải oan) tỏ ra rất bức xúc trước thông tin này. Bà Hải cho biết nhà bà Hà ở khá gần nhà mình. “Chúng tôi sẽ kiện bà ta vì chuyện này” - bà Hải quả quyết.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, Hà Nội) bình luận: “Nếu bà Hà không đưa ra được bằng chứng và cơ quan điều tra làm rõ thông tin đó là cố ý bịa đặt và ông Chấn có đơn đề nghị, bà Hà có thể bị truy cứu về tội vu khống. Nếu bà Hà nhầm lẫn, cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính bà về hành vi này”.
Nên chuyển ngay đơn của bà Hà cho VKS xác minh

Nhân chứng là người biết rõ sự việc, biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Người không biết gì về vụ án thì không phải là nhân chứng.

Trong vụ này, với tình huống như bài báo đã nêu, theo tôi vẫn cần phải xác minh, làm rõ về lời khai của bà Hà. Bởi dù đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng còn đến 21 ngày nữa mới mở phiên tòa nên tòa còn đủ thời gian để tiến hành các bước cẩn trọng.

Cụ thể, thẩm phán chủ tọa nên chuyển ngay đơn tố cáo của bà Hà cho VKS cùng cấp để viện hoặc tự mình đi xác minh, hoặc yêu cầu CQĐT xác minh, làm rõ. Từ kết quả lấy lời khai bà Hà, CQĐT và VKS có thể kết luận lời khai, lời tố cáo của bà là có cơ sở, có độ tin cậy hay chỉ nghe, chỉ suy diễn vu vơ. Nếu VKS kết luận lời khai của bà có độ tin cậy, tòa sẽ mời bà làm nhân chứng tại phiên xử. Từ kết quả tranh tụng tại tòa (liên quan đến lời khai của bà Hà), HĐXX có thể đánh giá, có quyết định phù hợp. Nếu qua tranh tụng, tòa thấy lời khai của bà có cơ sở, HĐXX có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu thấy lời khai này không có cơ sở, tòa có thể bác lời khai này của bà.

Tình huống thứ hai, nếu kết quả xác minh của VKS và CQĐT cho thấy lời khai của bà Hà là không có cơ sở thì tại phiên xử, tòa công bố kết quả này ra để VKS, luật sư, bị cáo tranh tụng. Kết quả tranh tụng sẽ là căn cứ để tòa quyết định bác lời khai của bà hay vẫn phải mời bà đến tòa để làm rõ thêm để có đánh giá và quyết định chính xác… Nói chung, dù kết quả xác minh của VKS và CQĐT thế nào thì tòa vẫn phải đưa kết quả này ra tại phiên xử để tranh tụng, làm rõ.

Nguyên thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phong (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN