Tướng cướp huyền thoại ở Sài Gòn (P.2)

Hỡi ơi, cô Bé Năm đã rời xóm Chuồng Bò đi làm gái bar và đổi tên là Linda Diễm.

Hồi đó ở khu vực Chuồng Bò, Hạnh Thông Tây, Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định có một gia đình nghèo như bao gia đinh khác ở cái xóm nghèo này. Đây là một địa bàn hết sức phức tạp, toàn là dân tứ xứ từ các nơi khác tụ về, trong đó có gia đình ông Kha Lon Riêm, người gốc Kh’mer, đi lính chế độ cũ mang cấp bậc chuẩn úy và vợ là bà Lê Thị Đeo. Hai vợ chồng có đứa con trai đầu lòng sinh năm 1947 tên là Kha Lon Theo, đó chính là tên cúng cơm của Điềm Khắc Kim.

Lưu manh nhí cùng mối hận khôn nguôi

Sau Kha Lon Theo còn 12 đứa em nữa, cả trai lẫn gái. Ông Kha Lon Riêm đi lính miệt mài, từ thượng sĩ già lên chuẩn úy là “đụng la-phông”. Do gia cảnh nghèo, đông con lại càng nghèo, lương “chuẩn úy già” chẳng thấm vào đâu, mọi thứ chi tiêu hầu như đổ dồn lên vai bà Đeo, một phụ nữ không nghề nghiệp, không chữ nghĩa, nên việc kiếm ra tiền cũng chẳng phải dễ dàng nên Kha Lon Theo nghỉ học sớm để đi bán bánh mì dạo kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ, nuôi 12 đứa em lít nhít như đàn chuột.

Sống trong một địa bàn phức tạp, toàn những đứa trẻ bụi đời cùng lứa nên Kha Lon Theo cũng sớm thành trẻ bụi đời, ngỗ nghịch, trộm cắp. Ông Kha Lon Riêm tức điên vì thằng con trai cả chẳng làm gương được cho các đứa em mà còn sớm vô giáo dục, kết bè với những đứa trẻ bất hảo nên lúc tức giận đã nện cho Kha Lon Theo những trận đòn sinh tử để mong nó sợ mà chừa, tránh xa nhóm trẻ du thủ du thực trong xóm. Nhưng trái với sự mong đợi của người cha tội nghiệp, Kha Lon Theo càng ăn đòn, càng tỏ ra lỳ lợm, thách thức và cuối cùng cậu cũng bỏ nhà đi theo những đứa trẻ bụi đời sống hẳn ngoài hè phố để trở thành một lưu manh con, không từ bỏ một thủ đoạn trộm cắp, giật dọc nào để sống, kể cả dẫn gái cho khách vào xóm chơi bời. Năm đó, Kha Lon Theo 12 tuổi.

Ông Kha Lon Riêm bó tay trước thằng con ngỗ nghịch nên lên tiếng từ bỏ Kha Lon Theo và ông cũng bỏ nhà, từ biệt cái xóm tối tăm, đầy những phần tử tội phạm từ trẻ con, thanh niên đến người lớn tuổi ở khu Chuồng Bò ấy ra đi biền biệt.

Tội nghiệp cho người đàn bà nghèo khổ mất chồng, mất con, sống căn nhà tối tăm ẩm thấp hầu như không còn chịu đựng nổi với sự cô độc. Bà Đeo không mong chồng mà lại thương nhớ con, khỏe thì bà lặn lội đi tìm Kha Lon Theo khắp nơi, chỗ nào có đám trẻ bụi đời đánh giày, cờ bạc là bà tìm tới chỉ để mong gặp Kha Lon Theo, kêu gọi nó trở về sống với bà. Nhưng đứa con ngỗ nghịch đã gần như không màng tới người mẹ đã mỏi mắt trông đợi, cũng chẳng nhớ gì tới gia đình. Nó đi biệt dạng, biệt hình không còn biết tung tích ở đâu.

Tướng cướp huyền thoại ở Sài Gòn (P.2) - 1

Hình ảnh "tướng cướp cô đơn" Điền Khắc Kim thời còn trẻ (ảnh: Bưu Điện Việt Nam).

Đùng một hôm, bà Đeo nghe đám trẻ trong xóm cho hay tin Kha Lon Theo đã bị bắt giam ở Ty cảnh sát quận 3 vì tội cướp giật. Bà Đeo nhớ như in ngày đó là ngày 10/10/1961. Người mẹ đau khổ lật đật tới trại giam thăm con, trong lúc bà nước mắt lưng tròng thì đứa con trai chỉ lầm lỳ đúng nhìn mẹ rồi thản nhiên nói: “Không cần bà phải lo, chuyện tôi làm tôi chịu”. Và Kho Lon Theo đã chịu cho tòa án xử 1 tháng tù giam.

Vùng Gò Vấp thời đó là ngoại vi của Sài Gòn, nhiều khu vực hãy còn hoang sơ, nhà cửa lụp xụp như ổ chuột, tệ nạn xã hội tràn lan nhất là khu vực ngã ba Chú Ía, ngã năm Chuồng Chó, xóm Cháy đã nổi danh với tệ nạn mãi dâm, cờ bạc, hút chích ma túy. Đối với người dân lương thiện thì đó là địa bạn bất an, nhưng với bọn tội phạm thì là nơi hoạt động lý tưởng.

Kha Lon Theo ra khỏi tù cũng chọn khu vực này để trở về và thực sự cậu bé bán bánh mì hiền lành ngày xưa bây giờ đã trở thành một tên ma cô lỳ lợm, lọc lõi ở tuổi thiếu niên. Một hôm, có ông khách làng chơi tìm đến khu vực này để giải sầu, Kha Lon Theo đã dẫn mối cho ông ta đến gặp một cô gái bán dâm và cấu kết với cô này dàn cảnh, lột sạch tiền bạc và những gì đáng giá ông ta có trên người. Thế là ra tù chưa được bao lâu, Kha Lon Theo bị bắt trở lại, đó là ngày 11/11/1962. Lần này Kha Lon Theo bị xử 1 tháng tù và bị đưa vào trại giáo huấn Thủ Đức.

Những ngày Kha Lon Theo bị bắt ở tù, được thả rồi lại bị bắt vào tù rồi lại được trở về đời, xóm Chuồng Bò, Hạnh Thông nơi Kha Lon Theo ở cũng có nhiều thay đổi. Nhất là cô bạn gái ngày xưa ở tuổi bé con (lớn hơn Kha Lon Theo 4-5 tuổi) bây giờ cũng đã lớn phổng phao thành hoa khôi của cái xóm chơi bời bát nháo ấy. Kha Lon Theo ra tù trở về xóm xưa định gặp lại người bạn gái thuở xưa để thổ lộ mối tình câm lặng của mình nhưng hỡi ơi, cô Bé Năm đã rời xóm Chuồng Bò đi làm gái quán bar và đổi tên thành Linda Diễm.

Sau cú sốc đầu đời, Kha Lon Theo đâm ra hận tình, hận đời, lao theo con đường phạm tội với mục đích kiếm thật nhiều tiền để đi tìm Linda Diễm. Nhưng Kha Lon Theo chưa thực hiện được ước nguyện này thì vào năm 1967, nhiều tờ báo Sài Gòn bất ngờ đưa tin cô gái quán bar Linda Diễm đã bị một nhóm lính Mỹ cưỡng hiếp rồi giết chết.

Hạ Sơn, trở thành tướng cướp Điềm Khắc Kim

Sau khi thọ giáo hết ngón nghề của Sơn “đầu bự”, một ngày đẹp trời, Kha Lon Theo hạ sơn và thực hiện ngay những vụ đột nhập, cướp của, hãm hiếp vợ Mỹ gây chấn động dư luận.

Đó là khoảng thời gian đầu năm 1966 và Kha Lon Theo đã bị cảnh giác truy lùng gắt gao nhưng mãi vẫn chưa bắt được. Thấy không thể tiếp tục trò chơi cút bắt với nhà chức trách, Kha Lon Theo đã nghĩ ra một cách tạm lánh mặt một thời gian tuyệt vời hơn, bảo đảm an toàn hơn. Đó là thay tên đổi họ để đăng lính bởi lẽ thời đó muốn đi lính rất dễ vì quân số lúc nào cũng thiếu, nói một cách khác đi lính là đi làm cái chuyện đỡ đạn ăn lương, chết còn có tiền tử tuất. Ngày 4/1/1970, Kha Long Theo đã khai man tên họ là Đoàn Minh Hùng, cha là Đoàn Văn Thiện, mẹ là Lâm Thị Nở. Nhưng ra trường không được bao lâu, do không chịu nổi cơ cực của đời lính, Kha Long Theo đã đào ngũ.

Đêm 12/10/1971, chính là một đêm định mệnh khi Kha Long Theo xuất hiện trở lại để thực hiện một vụ nhập nha, đúng ngay nhà của một người Mỹ, bà Fredetic J. Ca, Phó Giám đốc Hội Cha mẹ nuôi Quốc tế. Ngôi nhà này nằm trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) khá kín cổng cao tường. Nhưng đối với Kha Long Theo, một tên trộm cắp có võ nghệ và được sư phụ Sơn” đầu bự” truyền hết tuyệt kỹ võ công lẫn kỹ thật nhập nha thì chẳng thành vấn đề. Đêm ấy Kha Long Theo nương theo bóng đêm tới dưới một gốc cây cổ thụ sát với tường rào của ngôi biệt thự rồi đu lên, nhanh như sóc. Chẳng bao lâu, tên cướp dã xuất hiện trong phòng ngủ của bà Fredetic J. Ca, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Lúc đó chủ nhân cũng vừa giật mình thức giấc, nhìn thấy kẻ lạ mặt không mời mà tới giữa đêm khuya, bà Mỹ này nói tiếng Việt rất thông thạo. Sau giây phút hốt hoảng, bà kịp trấn tĩnh lên giọng hỏi: “Tại sao anh dám vào nhà tôi giữa đêm khuya, anh là ai?”. “Không nhiều lời, tiền, vàng giấu đâu mau chỉ không thì bị bắn chết”, Theo gằn giọng nói. “Anh biết nhà này của ai và tôi là ai không? Anh ăn cướp mà không sợ à?” bà người Mỹ hỏi lại. Lập tức Kha Long Theo nhảy đến tát một cái như trời giáng vào mặt bà người Mỹ rồi lấy dây trói tay chân bà này lại. Sau khi lấy chìa khóa mở cửa tủ, mở két sắt vơ vét hết tiền, nữ trang, hột xoàn… tên cướp bắt luôn nữ gia chủ đưa về khách sạn hãm hiếp đến sáng hôm sau mới thả về. Trước khi ra về, bà Mỹ hỏi: “Anh tên gì mà liều lĩnh quá vậy?”. Kha Long Theo buôn một câu ngắn gọn: “Điềm Khắc Kim”.

Chồng bà Mỹ này là một quan chức lớn, có thế lực nên ngay sau đó những cảnh sát, an ninh gác bảo vệ khu biệt thự tối hôm đó đồng loạt bị sa thải. Quan chức Mỹ này còn yêu cầu giới chức Việt Nam phải khẩn trương truy bắt cho bằng được tên cướp Điềm Khắc Kim. Và ngay hôm sau các báo lớn, nhỏ ở Sài Gòn đều đồng loạt đăng tin, đăng bài phóng sự điều tra về sự kiện động trời này. Tướng cướp Điềm Khắc Kim trong một đêm nổi tiếng như cồn, trở thành bóng ma của những bà vợ Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Trí Minh Nhân (Đời sống và Pháp luật)
Tướng cướp huyền thoại ở SG trước 1975 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN