Từ phiên xử vụ chạy thận: Khi nào chủ toạ “mời” luật sư, công tố viên ra khỏi phòng xử án?

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu luật sư, thậm chí đại diện viện kiểm sát (VKS) ra khỏi phòng xử.

Từ phiên xử vụ chạy thận: Khi nào chủ toạ “mời” luật sư, công tố viên ra khỏi phòng xử án? - 1

Luật sư Trần Vũ Hải bị Chủ tọa phiên tòa mời ra khỏi phòng xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình

Khi nào chủ tọa "mời" luật sư ra khỏi phòng xử?

Hôm qua (17/5), tại phiên tòa xét xử vụ án 8 người chết sau sự cố chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu lực lượng cảnh sát tư pháp đưa luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty Trâm Anh) ra khỏi phòng xử vì không tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa.

Trao đổi với PV về tình huống trên, nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM Vương Văn Nghĩa (hiện đã nghỉ hưu) cho rằng, về việc chủ tọa phiên tòa mời luật sư tham gia phiên tòa rời khỏi phòng xử không phải cá biệt. Bản thân ông khi giữ quyền Chủ tọa các phiên tòa đã nhiều lần mời luật sư ra khỏi phòng xét xử vì luật sư vi phạm nội quy phiên tòa.

Từ phiên xử vụ chạy thận: Khi nào chủ toạ “mời” luật sư, công tố viên ra khỏi phòng xử án? - 2

Cựu Thẩm phán Vương Văn Nghĩa. (Ảnh: CAND)

Theo ông Vương Văn Nghĩa, nội quy phiên tòa ghi rất rõ là trong phòng xét xử tất cả mọi người, bao gồm cả luật sư, đại diện viện kiểm sát đều phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa.

Vì vậy, những ai có mặt trong phòng xử mà làm ảnh hưởng đến phiên tòa và việc xét xử thì chủ tọa có quyền yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phiên tòa.

“Luật sư có quyền bào chữa tại phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, HĐXX không ngăn cản việc luật sư bào chữa cho thân chủ. Tuy nhiên, quá trình bào chữa, nếu luật sư xét hỏi lòng vòng, lặp lại những nội dung đã đề cập thì chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu luật sư dừng lại để tránh mất thời gian xét xử.

Trường hợp, chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần nhưng luật sư vẫn trình bày, không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa thì chủ toạ có thể cắt phần xét hỏi hoặc bào chữa của luật sư.

Thậm chí, nếu luật sư có dấu hiệu thiếu tôn trọng HĐXX, làm mất trật tự phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa có quyền cảnh cáo luật sư hoặc mời luật sư ra khỏi phiên tòa”, ông Nghĩa nói.

Clip: Chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu lực lượng cảnh sát tư pháp đưa luật sư Trần Vũ Hải ra khỏi phòng xét xử

Viện kiểm sát cũng có thể bị “mời” khỏi phiên tòa

Ông Vương Văn Nghĩa cho biết thêm, ngoài việc yêu cầu luật sư ra khỏi phiên tòa để phiên tòa ổn định thì thẩm phán cũng có những quyền khác như gửi công văn về đoàn luật sư (nơi quản lý luật sư) đề nghị xử lý tùy theo mức độ, hoặc có khi luật sư cũng bị xử phạt hành chính.

Nguyên thẩm phán Vương Văn Nghĩa cũng chia sẻ, ở phiên tòa thường có các xung đột giữa bị cáo, người bị hại, giữa bị cáo và bên buộc tội nên vị chủ toạ phiên tòa phải khéo léo trong việc điều khiển phiên toà để các bên đều thấy phiên tòa diễn ra khách quan, công bằng.

“Vị chủ tọa phải xử lý các tình huống đúng mực, khách quan. Không để các luật sư nghĩ rằng HĐXX nghiêng về Viện kiểm sát hoặc Viện kiểm sát lại nghĩ HĐXX nghiêng về phía luật sư”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa tiết lộ, ông từng cảnh cáo một vị đại diện Viện kiểm sát ngay tại phiên tòa. “Khi chủ tọa đang xét xử, đại diện Viện kiểm sát kết luận rằng, tòa đang hỏi những câu hướng bị cáo vào một tội khác. Nghe vậy tôi cảnh cáo ngay đại diện Viện kiểm sát và nhắc rằng, tòa chưa kết luận vì vậy yêu cầu Viện kiểm sát ngồi xuống, nếu không ngồi xuống tôi mời ra ngoài”, nguyên thẩm phán Vương Văn Nghĩa nhớ lại.

Từng tham gia nhiều phiên tòa với tư cách là luật sư bào chữa, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh) cho biết, việc mọi người trong phòng xử án phải tuyệt đối tuân thủ sự điều khiển của chủ toạ phiên toà là hiển nhiên và không phải bàn cãi, vì HĐXX nhân danh Nhà nước để xét xử vụ án.

“Trong mọi phiên toà đều có sự đối kháng, mâu thuẫn quyền lợi hoặc xung đột quan điểm, nên không khí bao giờ cũng căng thẳng, vì lẽ đó, nếu không có sự điều khiển của chủ toạ, thì phiên toà sẽ thành …cái chợ”, luật sư Tú nói.

Theo luật sư Tú, trong một phiên tòa, nếu vị chủ tọa không lợi dụng quyền điều khiển phiên tòa với động cơ làm mất đi tính khách quan của phiên xét xử thì việc những người tham dự phiên tòa tuân theo sự điều khiển của chủ toạ là đúng đắn và cần thiết, điều đó đem lại thuận lợi cho tất cả những người tham gia, trong đó có luật sư.

Bác sĩ Hoàng Công Lương lý giải việc mặc áo xanh suốt 3 ngày dự tòa

Bác sĩ Hoàng Công Lương đã giải thích về lý do anh mặc chiếc áo màu xanh ngọc suốt 3 ngày dự tòa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Sốc phản vệ tập thể, nhiều người tử vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN