Trùm mafia khét tiếng nước Mỹ (Kỳ 24)

Vào giờ chót, vị thẩm phán quyết định đổi toàn bộ thành viên bồi thẩm đoàn.

Tại sao sau tất cả những nỗ lực to lớn, chính phủ lại dễ dàng chấp nhận thỏa thuận để kết án Al Capone mức án nhẹ nhàng như thế? Trước tiên, chính phủ luôn nỗ lực che giấu 2 nhân chứng Shumway và Reis. Họ lo sợ cả 2 người này không sống sót tới khi vụ án được xử xong. Ông trùm sau vụ việc bị bại lộ bằng chứng chống lại mình bởi 2 tên đàn em, đã vô cùng tức giận và trao giải thưởng trị giá 50.000 đô la cho mỗi cái đầu của 2 người này. Thêm vào đó, chính phủ cũng lo ngại nếu vụ án kéo dài quá lâu, các quan chức trong bồi thẩm đoàn xét xử Al Capone sẽ bị các băng nhóm hối lộ với những số tiền khổng lồ để chạy án cho ông trùm.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận giữa đàn em của Al với chính quyền đã bị bại lộ khiến báo chí lấy làm vô cùng tức giận và đả kích mạnh mẽ mức án quá nhẹ mà ông trùm tội phạm sắp lĩnh.

Ngày 16/6, Al Capone ra tòa với gương mặt rất vui vẻ và tự mãn. Ông trùm mau mắn nhận tội khi xét xử và thẩm phán Wilkerson đã hoãn việc tuyên án tới ngày 30/6. Phiên tòa biết trước mức án này khiên hắn rất thỏa mãn và khoe với báo giới rằng có một hãng phim đang đề nghị làm phim về cuộc đời hắn.

Trùm mafia khét tiếng nước Mỹ (Kỳ 24) - 1

Al Capone trước phiên xử.

Tuy nhiên, Thẩm phán Wilkerson lại dành cho Al một bất ngờ khá lớn. Ông tuyên bố không chấp nhận Capone nhận tội. Hắn phải rút lại lời thú tội của mình và chờ đến lúc bị đem ra xét xử vào ngày 6/10 năm đó.

Đây là một cú sốc đối với Al Capone. Bản thỏa hiệp đã bị bác bỏ khiến Al tỏ rõ sự lo lắng.

Trong thời gian đợi phiên tòa xét xử vào 6/10, Al được đàn em đóng tiền tại ngoại và ở trong khu biệt thự riêng tại Lansing, Michigan. Dù vẻ ngoài tỏ ra thư thái và thảnh thơi, hắn và tổ chức của mình ra sức rải tiền, hối lộ các thành viên bồi thẩm đoàn bằng mọi cách, dù đê tiện nhất có thể.

Thám tử Wilson tỏ ra lo lắng về việc này và cùng với Johnson tới gặp thẩm phán Wilkerson với bằng chứng rằng Al Capone đã đưa hối lộ cho họ và nếu có người không nhận, ông trùm sẽ ra tay đe dọa, khống chế.

Thẩm phán Wilkerson không hề ngạc nhiên cũng không tỏ vẻ quan tâm lắm tới việc này: “Hãy mang bằng chứng của các ông tới tòa theo dự tính. Phần còn lại để cho tôi lo”.

Ngày 6/10/1931, 14 thám tử áp giải Capone ra trước tòa. Các biện pháp an ninh trong khu vực xét xử được tăng cường. Capone được đưa vào tòa qua một hành lang ngầm dưới đất rồi tới một chiếc thang máy chở hàng.

Ông trùm tội phạm ăn mặc khá tươm tất với chiếc sơ mi màu xanh. Lần xuất hiện này trước tòa, hắn không còn vẻ mặt tự mãn như lần trước, trên người không mang những đồ trang sức đắt tiền. Phiên xử thu hút đông đảo dư luận theo dõi. Các tòa báo lớn đều sẵn sàng đưa tin xử ông trùm lên đầu trang, cử phóng viên giỏi nhất của báo mình theo dõi và phỏng vấn ông trùm. Câu hỏi nhiều nhất dành cho Al Capone là: “Ông có lo sợ không?”.

“Lo sợ?” Al trả lời với nụ cười nhếch mép “Ai mà chẳng sợ chứ”. Vào giây phút đó, hắn vẫn cảm thấy khá tự tin. Hắn yên tâm rằng tổ chức của mình đã mua hết được các thành viên của bồi thẩm đoàn và tất cả những gì hắn phải làm chỉ là thể hiện sự lịch sự, tôn trọng tòa cho tới khi được tuyên trắng án. Hắn nghĩ mình sẽ thắng; phát biểu trước báo giới, hắn tuyên bố sẽ không hận thù gì họ, hắn hiểu họ phải làm việc của mình.

Đoàn thẩm phán gồm Tổng chưởng lý Georges E. Q. Johnson, một người cao lớn đeo cặp kính gọng sắt, và các thẩm phán Samuel Clawson, Jacob Grossman, Dwight Green và William Froelich. Một nhà báo đã so sánh đây là cuộc đối đầu trực tiếp giữa Johnson và Capone: “Khuôn mặt nặng nề nhâng nháo của Capone, những nếp thịt nổi gồ lên sau lần cổ áo của hắn như đối lập lại hoàn toàn với vẻ gày gò của Johnson và sự khô cứng trong từng cử động của người thực thi pháp luật”.

Thẩm phán Wilkerson vào phòng xử, không đội bộ tóc giả thường được dùng trong các phiên tòa. Ông làm cả phòng xử án phải sững sờ khi tuyên bố: “Thẩm phán Edwards đang phải điều hành một vụ xử án diễn ra ngày hôm nay. Hãy đưa ban hội thẩm của tôi tới cho ông Edwards và đưa ban hội thẩm của ông ấy sang chỗ tôi”.

Liệu Al Capone có "mua" được các thành viên của ban hội thẩm hay không? Phiên tòa này có bị tổ chức của y thao túng? Mời các bạn đón đọc Trùm mafia khét tiếng nước Mỹ (Kỳ 25) vào SÁNG SỚM ngày 6/1/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Trùm mafia khét tiếng nước Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN