Tội ác ghê sợ đến từ sự vô tri

Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái vốn được biết đến với những vạt rừng ngút tầm mắt, những khoảng ruộng bậc thang như tranh vẽ, còn đồng bào dân tộc nơi đây sống hiền lành như “con nai, con hoẵng”. Nơi đó dường như quá đẹp để cho cái xấu, cái ác không thể hiện diện. Vậy nhưng ở Trại giam Hồng Ca, chúng tôi đã bắt gặp 2 cha con phạm nhân đến từ vùng rừng núi ấy. Họ đang phải trả giá cho tội ác rợn người…

Hạ sơn để ở… tù

Thấp thoáng sau mấy lùm cây, Thào Sông Dình (SN 1948) lầm lũi xuất hiện trước mắt chúng tôi. Dình gầy nhẳng, mái tóc muối tiêu chỏng gọng, mấy chiếc răng cửa thì cái mất, cái còn. Bù lại, phạm nhân người dân tộc Mông, đến từ bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, Mù Cang Chải, Yên Bái này lại có nước da đỏ au như da gà chọi. Bước vào hội trường của Đội Giáo dục tại trại, ông ta tồng tộc kéo ghế ra ngồi. Đã hơn 3 năm thụ án ở Trại giam Hồng Ca, song cái phong cách “người rừng” của Dình dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Đáp lại câu hỏi đầu tiên của chúng tôi bằng cái giọng Kinh không sõi, Dình bảo: “Tau già rồi, không khỏe đâu cán bộ à”! Được hỏi tiếp: “Vì sao phải vào đây? “Tau bảo thằng Thênh bóp cổ chết hai đứa con của A Lâu nên phải vào tù, thế thôi” - Dình tỉnh queo. Theo lời Dình tuy phải ở tù, nhưng ông ta không thấy khổ vì vẫn được ăn no, lại không phải lao động nặng nhọc như những phạm nhân khác. Chỉ có điều Dình rất thèm rượu và không nguôi nhớ đến những nếp nhà sàn vắt vẻo ở lưng chừng núi rừng Mù Cang Chải.

Tội ác ghê sợ đến từ sự vô tri - 1

Thào Sông Dình và con trai Thào A Thênh

Cũng như bao người đàn ông Mông khác, cuộc đời Dình vốn gắn chặt với những vạt núi ngút ngàn tầm mắt, những cây gỗ quý trong rừng già 2 người ôm không xuể và sau này là những chân ruộng bậc thang uốn lượn, chạy quanh ôm chặt các ngọn đồi. Dình nhớ, hồi còn trẻ đôi chân của lão nhanh như con sóc. Không biết bao nhiêu ngọn núi chênh vênh, không biết bao nhiêu cánh rừng già đã được Dình chinh phục. Ngày ấy, Dình rất thích vào rừng sâu bẫy thú và ông ta cũng thuộc loại thợ săn cừ ở bản. Hai bàn tay chai sần của Dình cũng đã từng “làm thịt” vô số cầy hương, lợn lòi và còn bắt được cả nai, cả hoẵng. Rồi cứ dịp tháng Chạp hàng năm, bản Sáng Nhù của Dình luôn chìm ngập tiếng khèn rộn rã mà mê hồn trong suốt cả mùa xuân. Dình thèm cái hương vị ngầy ngậy, dẻo quẹo của bánh dày trong ngày Tết, do những người phụ nữ Mông làm ra từ những hạt nếp nương mới gặt. Và ngay lúc này đây, khi nhắc lại những ngày tháng tự do, bất chợt Dình ước ao có được một bát rượu ngô cất bằng men lá rừng thơm nồng để thỏa mãn cơn thèm khát.

Thào Sông Dình không nhớ nổi ông ta lấy vợ từ khi nào. Nhưng có một điều Dình chắc chăn rằng người phụ nữ tên Sùng Thị Sáy của ông ta đẹp và chiều chồng hơn hẳn những người phụ nữ khác trong bản. Sau ngày lấy vợ, 8 đứa con của Dình cứ nối tiếp nhau ra đời và đứa lớn nhất năm nay có lẽ đã 43 tuổi, còn đứa nhỏ nhất là Thào A Thênh hiện đang phải chấp hành án ở trại giam này. Trong số “đàn con” của Dình còn có Thào A Lâu và Thào A Nhù. Bị kết án tù chung thân về tội giết người, nhưng Dình chẳng mấy quan tâm và hiểu án chung thân là như thế nào. Dình bảo: “Tau gây ra tội, Nhà nước bắt đi ở tù thì phải ở thôi. Khi nào Nhà nước tha thì tau về”.

Mong ngày trở về để tạ tội

Không “ngờ nghệch” như bố, trò chuyện với chúng tôi, Thào A Thênh (SN 1993) tỏ ra đã nhận thức được tội lỗi của mình. Cậu ta bày tỏ sự ân hận và sám hối. Thời điểm phạm tội, A Thênh chưa đủ 18 tuổi nên chỉ bị kết án 18 năm tù giam, theo cùng tội danh với Thào Sông Dình. Đang ở độ trưởng thành, vì thế cho dù là cuộc sống ở tù đầy khắc nghiệt thì Thênh vẫn ngày một lớn khôn, cao khỏe như cây rừng trên đỉnh núi. Không những thế, A Thênh còn bảo: “Cháu không biết chữ, nhờ những ngày tháng cải tạo, học tập ở trại cháu đã biết đọc, biết viết rồi. Trước đây nếu cháu hiểu biết như bây giờ thì sẽ không thể xảy ra chuyện đau lòng này”. Khoe với chúng tôi, nhưng A Thênh lại trĩu mặt: “Mấy hôm trước cháu đã xin phép cán bộ cho gửi thư về tạ lỗi với vợ chồng anh trai cháu”!

Có thể nói lúc Thênh thực hiện tội ác chẳng khác nào một con thú hoang bị người ta sai khiến sau khi đã thuần dưỡng. Tất cả khởi nguồn chỉ từ một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt trong gia đình. Sáng 15/4/2009, bố Thênh sai Thào A Nhù đi chặt tre về làm chuồng trâu. Mang con dao quắm ra bụi tre nhà anh trai đốn hạ, A Nhù bị A Lâu chửi mắng, không cho chặt. Nhù về nhà nói lại chuyện bị anh trai sỉ vả với bố, rồi vùng vằng bỏ lên nương.

Ngay trưa hôm ấy, chỉ có 2 bố con ngồi ăn cơm với nhau nên Dình hậm hực và sai khiến Thênh: “Tao đẻ chúng mày ra, không bảo được đứa nào. Mày giết con của thằng Lâu đi, tao ghét nó rồi”. Đứa con trai út im lặng, Dình sít lên: “Mày gặp con thằng Lâu ở đâu thì giết chết nó đi. Chỉ được dùng tay bóp cổ, không được dùng gậy hay gạch đá đập con nó. Mày không làm thì tao không cho mày về nhà”. Qua 1 ngày vẫn không thấy Thênh giết cháu nội, chiều 16-4-2009, Dình lại giục con: “Đi giết con thằng Lâu đi”. Ngay lúc ấy, Thênh dắt trâu lên đồi thả thì gặp 2 đứa cháu ruột tên Thào A Sỷ (SN 2003) và Thào Thị Pàng (SN 2007) đang chơi ngoài ngõ. Nghĩ đến “mệnh lệnh” của bố, Thênh tiến đến cõng cháu Pàng và dắt cháu Sỷ theo lên đồi cây. Lúc ấy, Thào Sông Dình cứ lặng lẽ đứng nhìn cho đến khi con cháu của lão ta khuất dạng. Lên đến đỉnh đồi, Thênh lần lượt dùng tay bóp cổ 2 đứa con của anh trai đến chết, rồi đặt chúng ở tư thế quay đầu vào nhau, dưới cái rãnh hố đào con dúi. Chiều 18/4/2009, Thào A Thênh cùng bố lần lượt bị công an bị bắt giữ.

Nhớ lại cái giây phút đoạt mạng 2 đứa cháu, thanh niên người Mông mang án giết người này ngập ngừng: “Cháu cứ bị hình ảnh thằng Sỷ bảo sao chú lại làm thế ám ảnh mãi”. Rồi Thênh bảo cậu ta đã khóc ròng suốt 3 ngày liền kể từ lúc bị bắt giữ. Thênh khóc vì sợ, vì bị dân bản phỉ nhổ và vì cậu ta kinh tởm với chính bản thân mình. Hậu quả mà Thênh gây ra thật khủng khiếp, chưa bao giờ xảy ra ở những bản làng thuộc xã Mồ Dề. Cũng theo lời Thênh thì bố đã ghét A Lâu từ lâu vì anh ấy không chịu đi nương, đi rừng và hay trộm gà của bà con dân bản. Có lần A Lâu trộm tài sản, khiến bố phải bán hết đồ đạc trong nhà để đền cho người ta… Chuyện trò với chúng tôi, Thào A Thênh cứ khắc khoải mãi một điều rằng ở chốn xa xôi kia, không biết vợ chồng anh A Lâu có tha thứ cho tội lỗi của cậu ta không. Rằng cậu ta sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về tạ tội trước gia đình cùng dân bản.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trịnh Tuyến (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN