Tòa Tối cao đề xuất cho phép xét xử trực tuyến
Theo TAND Tối cao, nếu được chấp thuận xét xử bằng hình thức trực tuyến thì các tòa sẽ giải quyết được nhiều việc, lại đỡ tốn kém.
Chánh án TAND Tối cao vừa có báo cáo sơ bộ gửi các cơ quan của Quốc hội về công tác ngành tòa án năm 2021, cập nhật số liệu từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021.
Chưa phát hiện trường hợp kết án oan
Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo nói trên của Thường trực Ủy ban Tư pháp đầu tuần trước, nhóm nghiên cứu của ủy ban này đánh giá năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử. Tuy vậy, lượng án hình sự mà các tòa đã giải quyết chỉ giảm 4,4% số vụ và hơn 5,5% số bị cáo.
“Điều đó cho thấy các tòa đã nỗ lực rất lớn trong công tác xét xử các vụ án hình sự” - nhóm nghiên cứu nhận xét.
Một phiên tòa xét xử tại TAND TP.HCM khi dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng đến công tác xét xử. Ảnh: Hoàng Giang
Theo nhóm nghiên cứu, các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được giải quyết trong thời hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Đồng thời chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các tòa đã xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm chín vụ, giám đốc thẩm hai vụ. Việc xét xử các vụ án được nhóm nghiên cứu đánh giá là bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo kế hoạch của ban chỉ đạo đề ra; không trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự…
“Các tòa đã đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh” - nhóm nghiên cứu đánh giá.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhận định chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan; chất lượng xét xử được nâng lên; tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, tỉ lệ án bị hủy 0,76% (do nguyên nhân chủ quan 0,53%, giảm 0,13%), bị sửa 4,87% (sửa do nguyên nhân chủ quan 0,2%, giảm 0,04% so với cùng kỳ năm trước).
TAND Tối cao đề nghị được phân bổ 15.000 biên chế Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết năm 2012 ngành tòa án được phân bổ 15.000 biên chế. Số lượng án phải giải quyết khi đó là 300.000 vụ. Đến năm 2020, ngành phải giải quyết 600.000 vụ nhưng biên chế lại giảm 10%. Từ đó, ông Du đề nghị cho phép ngành tòa án được giữ số biên chế đã được quy định trong năm 2012. “Số giảm rồi cho chúng tôi tuyển lại. Sức người có hạn mà cứ gánh mãi thế này có khi quỵ mất, có khi làm sai sót, các đồng chí giám sát kiểm tra lại phê bình” - ông Du nói thêm. |
Đề xuất cho phép xét xử bằng hình thức trực tuyến
Giải trình sau đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án là năm 2021, do dịch bệnh phải giãn cách, nhiều phiên tòa phải hoãn, tạm dừng xét xử, nhiều vụ án bị quá hạn do không mở được phiên tòa.
Về giải pháp khắc phục, ông Du cho hay TAND Tối cao đã đề xuất với Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ủy ban Tư pháp về việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xét xử bằng hình thức trực tuyến.
Ông Du cho rằng nếu được chấp thuận xét xử bằng hình thức trực tuyến thì các tòa sẽ giải quyết được nhiều việc, lại đỡ tốn kém. Ông Du nêu dẫn chứng rằng TAND Cấp cao tại Hà Nội, ngồi tại Hà Nội vẫn xét xử được các vụ án tại tỉnh Sơn La. Tỉnh này không có dịch bệnh nên ai ở đây cũng có thể đến tòa dự phiên tòa.
“Về cơ chế giám sát, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để triển khai giám sát chặt chẽ” - ông Du nói.
Cũng tại phiên họp, Phó Chánh án TAND Tối cao cho hay ngành cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý dữ liệu chung của tòa để quản lý dữ liệu giám đốc thẩm, tái thẩm cho các tòa các cấp.
“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ TT&TT, Tập đoàn Viettel nghiên cứu xây dựng cho các thẩm phán, thẩm tra viên các cấp, thư ký tòa án phần mềm trợ lý ảo. Phần mềm này giúp tổng hợp những văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, án lệ, các luật. Dự kiến tháng 10 này sẽ vận hành, thử nghiệm phần mềm” - ông Du cho biết.
Ông Du cũng cho biết TAND Tối cao đã xây dựng đề án chuẩn bị cho việc xây dựng tòa án điện tử, sẽ đề xuất để Ủy ban Tư pháp tạo điều kiện nghiên cứu, ủng hộ trong thời điểm này.
Dù giãn cách kéo dài, vẫn giao chỉ tiêu giải quyết án Theo báo cáo, trong 10 tháng, các tòa đã thụ lý gần 511.000 vụ việc, đã giải quyết hơn 363.500 vụ việc (đạt tỉ lệ 71,15%). So với cùng kỳ năm 2020, số vụ việc đã thụ lý giảm hơn 39.900 vụ, đã giải quyết giảm gần 45.400 vụ. Về các vụ án hình sự, các tòa đã thụ lý khoảng 77.450 vụ với hơn 141.100 bị cáo, tỉ lệ giải quyết đạt 81,41% về số vụ và 77,47% về số bị cáo. Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du cho biết trong thời gian giãn cách, TAND Tối cao đã chỉ đạo tòa các cấp vẫn nghiên cứu hồ sơ đầy đủ. Tuy là giãn cách tại nhà nhưng không phải không làm việc. “Chúng tôi vẫn giao chỉ tiêu giải quyết các vụ án. Đồng thời, thẩm phán phải phôtô các tài liệu chính để nghiên cứu, vừa bảo đảm an toàn bí mật, không được làm mất tài liệu, sau đó đến cơ quan để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo” - ông Du nói. Ngoài ra, ngành tòa án cũng thực hiện việc điều động, phân công các thẩm phán từ nơi có số lượng án ít sang nơi có số lượng án nhiều để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án. |
Nguồn: [Link nguồn]
TAND Tối cao vừa hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Theo đó, bị cáo, bị hại, đương...