Tòa án sẽ xét xử trực tuyến như nào?

Sự kiện: Tin pháp luật

TAND Tối cao vừa hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Theo đó, bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không bắt buộc phải tập trung tại một phòng xử án.

Tòa án tối cáo cho rằng, xét xử trực tuyến phù hợp với xu thế toàn cầu và cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng chánh án Châu Á, ASEAN.

Đặc biệt, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của tòa án khi nhiều vụ việc đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị cáo đang ở hoặc bị giam trong vùng có dịch... Các phiên tòa, phiên họp trực tuyến sẽ giải quyết những vụ việc tồn đọng này.

Theo quy chế xét xử do TAND Tối cao soạn thảo, các phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng; đảm bảo an toàn thông tin nhưng công khai, bình đẳng, giữ tôn nghiêm.

Dự kiến, xét xử trực tuyến áp dụng với các vụ án hình sự dưới mức đặc biệt nghiêm trọng (hình phạt dưới 15 năm tù), có chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang chịu tạm giam. Các vụ dân sự, hành chính có tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng cũng có thể được xét xử trực tuyến.

Những vụ việc không được mở phiên tòa, phiên họp trực tuyến:

Không mở phiên tòa, phiên họp trực tuyến đối với vụ án hình sự, hành chính, dân sự có tài sản ở nước ngoài; Vụ án hình sự bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, tội chống lại loài người, huỷ hoại hoà bình…

Các vụ án không được mở phiên xử trực tuyến gồm vụ việc liên quan tài sản ở nước ngoài; thuộc trường hợp xử kín hoặc những vụ hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; các vụ trong nhóm tội chống lại loài người. Điều kiện xét xử trực tuyến gồm bị cáo, trại tạm giam trong vụ hình sự hoặc đương sự trong các vụ việc hành chính, dân sự có đơn yêu cầu và được viện kiểm sát đồng ý.

TAND Tối cao dự kiến, phiên xử trực tuyến sẽ gồm một điểm cầu trung tâm cùng các điểm cầu tham gia nhưng không quá 3 điểm tham gia với vụ hình sự hoặc không quá 5 điểm với các vụ dân sự, hành chính. Địa điểm những nơi này phải được ghi trong biên bản phiên tòa. Tại điểm cầu trung tâm sẽ có mặt HĐXX, kiểm sát viên và có thể có bị hại, đương sự, luật sư, người tham gia tố tụng khác (làm chứng, phiên dịch, giám định…). Các cá nhân, cơ quan, tổ chức được theo dõi tại đây nếu phiên tòa công khai.

Các điểm cầu tham gia vụ án hình sự sẽ bao gồm bị cáo, người bào chữa, cảnh sát của nơi giam giữ. Trong vụ án dân sự, hành chính, điểm cầu tham gia sẽ do đương sự lựa chọn và có thành phần gồm đương sự, luật sư. Người tham gia bào chữa, bảo vệ được quyền trao đổi trực tuyến với bị cáo, bị hại, đương sự nhưng phải được chủ tọa đồng ý.

Khi tham gia tố tụng trực tuyến, đương sự có thể đưa thêm chứng cứ bằng cách sao chụp, gửi cho HĐXX hoặc chủ tọa. Riêng bị cáo phải nhờ cảnh sát tại nơi giam giữ sao chụp, gửi hộ và tòa án sẽ xác định tư cách của cảnh sát này là người tham gia tố tụng khác. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình dạng dữ liệu điện tử. Nếu mất kết nối khi diễn ra, chủ tọa phải cho tạm dừng làm việc và quyết định lần tiếp theo sẽ xét xử trực tuyến hay thông thường.

Ngày 26/8, tại Phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra, dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân. Đây là vấn đề mới cần bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất; trước hết phương án áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Nguồn: [Link nguồn]

Gian dối chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

Bạn đọc hỏi: Xin hỏi luật sư, người lợi dụng sự nổi tiếng của mình để kêu gọi đóng góp từ thiện và sau đó gian...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Đức ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN