“Tập đoàn” ma túy lớn nhất nước một thời (P.1)

Trước khi thi hành án tử hình, Nguyễn Khánh Lộc đã khai ra đường dây ma túy do hai vợ chồng Hà tí tồ cầm đầu. Lúc bấy giờ, đường dây này được đánh giá lớn và quy mô nhất nước. Bọn chúng không chỉ hoạt động nội địa mà còn vươn vòi bạch tuộc sang các nước như Trung Quốc, Canada...

Lời khai bất ngờ của 1 tử tù

Sáng 13/1/1995, mặc cho những làn mưa dày đặc liên tục kéo đến phủ kín bầu trời xứ sở triệu voi, chiếc ôtô Honda Accord mang BS: 74H-0487 vẫn chở ba người đàn ông lặng lẽ rời thủ đô Viêng Chăn. Vượt qua tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, xe chạy theo Quốc lộ 9 về hướng lãnh thổ Việt Nam. Đến cửa khẩu Đen Sa Vẳn, xe dừng lại làm thủ tục nhập cảnh thì bất ngờ Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt phối hợp cùng Hải quan cửa khẩu Đen Sa Vẳn xuất hiện kiểm tra. Tiến hành khám xét, lực lượng chức năng Lào phát hiện trong hai hộp xà bông trên xe có chứa tám bánh heroin. Rà soát tỉ mỉ, trong ngăn cánh cửa xe bên phải có thêm sáu bánh heroin. Lúc này, lợi dụng tình hình lộn xộn, hai đối tượng ngồi băng ghế sau bỏ chạy vào rừng sâu trốn thoát, còn tài xế bị bắt giữ.

Tại trụ sở Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, đối tượng khai tên Nguyễn Đức Duẩn. Trong quá trình đấu tranh, Duẩn khai hai kẻ chạy thoát là Nguyễn Khánh Lộc (SN 1959, trú phường 1, thị xã Đông Hà, Quảng Trị) và Thệp Thong In (tức Mựt, trú bản Lặt Ka Na Lăng Xỉ, xã Xuy Nha Phum, huyện Khăm Tha Bu Ly, tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, Lào). Cùng ngày, phương án triển khai truy bắt In và Lộc được tiến hành, đồng thời vụ việc cũng được Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt thông báo với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để phối hợp đề phòng chúng trốn sang Việt Nam.

Khi Thệp Thong In và Nguyễn Khánh Lộc chạy đến bờ sông Sê Pôn, nhìn lại phía sau thấy không còn bị truy đuổi nữa, Lộc cúi xuống vén ống quần lên rồi lận từ trong tất ra hai cuộn tiền giúi vào tay In, dặn: “Anh cất giữ dùm tôi và tạm thời tìm chỗ nào kín lánh đi một thời gian. Lúc nào sự việc lắng xuống anh em mình gặp lại”. Dặn xong, Lộc vượt sông Sê Pôn trốn sang địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), In thuê một chiếc thuyền chạy về hướng khu rừng rậm thuộc bản Huội San. Tối đến, hắn bắt đầu lần mò ra Quốc lộ 9 để tìm đường trốn lên Viêng Chăn. Khi hắn đang lang thang thì bị bốn chiến sĩ công an địa phương đi tuần tra bắt gặp kiểm tra hành chính. Khám xét trong người In, lực lượng tuần tra phát hiện hai cuộn tiền với số lượng 35.600USD. Không chứng minh được nguồn gốc số tiền này nên In bị đưa về đồn làm rõ. Ngay sau đó, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt xác định đây là Thệp Thong In, đối tượng chạy thoát khi bị mai phục bắt quả tang vận chuyển 14 bánh heroin tại cửa khẩu Đen Sa Vẳn. Hai ngày sau, Lộc cũng bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ khi hắn đang lẩn trốn trong khách sạn Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa).

Ngay sau khi bị bắt, chân dung Nguyễn Khánh Lộc được Công an tỉnh Quảng Trị làm rõ. Trước đây, gã là giáo viên dạy học, những năm 1988 và 1989, tranh thủ nghỉ hè Lộc thường mua quần áo Thái Lan ở chợ Đông Hà mang ra Hà Nội bán. Đến năm 1990 thì Lộc nghỉ dạy hẳn ở nhà buôn bán gỗ. Tháng 12/1993, Lộc thành lập Công ty TNHH Khánh Nguyên, đóng trên địa bàn thị xã Đông Hà. Công ty này có giấy phép kinh doanh các ngành nghề: chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến lâm sản xuất khẩu và được bổ sung thêm xây dựng công trình giao thông với quy mô nhỏ. Lộc thuê Nguyễn Đức Duẩn làm tài xế riêng cho mình.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lộc khai do tính chất công việc của một giám đốc nên y phải thường xuyên sang Lào. Trong một lần ký hợp đồng khai thác gỗ tại Khăm Muộn, Lộc làm quen với Thệp Thong In và Xu Phi. Theo Lộc, Xu Phi là một tên tội phạm ma túy có vợ tên Mai ở đường Tam Bạc (Hải Phòng). Sau khi bị Công an Việt Nam truy nã về tội buôn bán ma túy, Xu Phi trốn sang Thái Lan rồi về Sa Vẳn Na Khẹt cư trú. Tại đây, hắn thường xuyên móc nối với các tên tội phạm ma túy khác để tiếp tục gieo rắc “cái chết trắng”. Khi gặp Lộc, Xu Phi ngoài hướng dẫn “kỹ năng” buôn bán ma túy còn giới thiệu cho Lộc hai địa chỉ “nhập” hàng là vợ của Xu Phi và một địa chỉ nữa nằm trên phố Hàng Cót (Hà Nội). Sau khi được Xu Phi cung cấp cho hai địa chỉ trên, Lộc đã ghi vào sổ tay rất cẩn thận rồi bảo Xu Phi ký vào để lúc về nước đi ra Bắc gặp “đối tác” có cái làm tin.

“Tập đoàn” ma túy lớn nhất nước một thời (P.1) - 1

Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Khánh Lộc

Ngày 2/1/1995, Xu Phi gọi điện thoại thông báo cho Lộc với nội dung “đã có máy”. Ngày hôm sau, Lộc tức tốc làm hồ sơ vay Ngân hàng Nông nghiệp Quảng Trị 500 triệu đồng với mục đích mua xe máy về kinh doanh. Mặc dù đây là mặt hàng không nằm trong danh mục mà Công ty TNHH Khánh Nguyên được cấp phép kinh doanh, nhưng do không rà soát kỹ nên Ngân hàng Nông nghiệp Quảng Trị vẫn duyệt cho Lộc vay. Vay được tiền, Lộc dùng 100 triệu đồng để trả nợ, 400 triệu còn lại đổi thành 35.600USD. Vài ngày sau, gom đủ 75.600USD, Lộc bảo tài xế Duẩn chở sang Lào. Đến Sa Vẳn Na Khẹt, cả hai vào thuê một phòng ở khách sạn Sanhamumkhun nghỉ lại.

Sáng 8/1/1995, Thệp Thong In và Xu Phi tìm gặp Lộc để bàn bạc kế hoạch lên Viêng Chăn. Sau khi thống nhất, Lộc giao xe cho Duẩn chở Xu Phi lên Viêng Chăn trước, còn y ở lại mang 40.000USD đến Ngân hàng Sa Vẳn Na Khẹt nhờ Thệp Thong In đứng tên chuyển lên Viêng Chăn. 35.600USD còn lại Lộc cuộn tròn lận trong tất. Xong việc, Lộc cùng In mua vé máy bay lên sau. Đến Viêng Chăn, khi Duẩn đưa ôtô ra đón, Lộc bảo chở về nhà khách Tham tán Kinh tế - Văn hóa thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thuê phòng nhằm tránh gây chú ý. Buổi chiều hôm đó, Lộc đến Ngân hàng Viêng Chăn rút 40.000USD. Chập choạng tối, Xu Phi mang về hai bánh heroin và hét giá với Lộc 6.000USD. Sau khi “hội ý” với In, Lộc trả giá 5.300USD nhưng Xu Phi không bán.

Hôm sau, trong lúc Xu Phi đi vắng, Lộc và In đang dạo dưới sảnh khách sạn thì gặp một phụ nữ đến tìm Xu Phi. Cả hai mời người này lên phòng ngồi chờ. Qua vài câu chuyện, chị ta giới thiệu tên Thíp Xu Da, thường xuyên cung cấp heroin cho Xu Phi và đề nghị: “Nếu hai anh có nhu cầu lấy “hàng” thì tôi có thể cung cấp”.

Thông qua những mối quan hệ mờ ám, trưa 11/1/1995 Lộc và In tìm đến nhà một đối tượng tên Hon Xa Cun mua được tám bánh heroin với giá 22.200USD. Cảm thấy số hàng vẫn chưa đủ nên buổi chiều cùng ngày, cả hai gọi điện thoại cho Da ra Bưu điện Viêng Chăn gặp nhau bàn bạc. Một lúc sau, Da xuất hiện đưa Lộc và In về nhà mình. Tại đây, sau khi trao đổi với nhau vài câu, chồng Da mang ra sáu bánh heroin đặt lên bàn “chào hàng”.

Trầm ngâm một lúc, Lộc lấy con dao nhọn chậm rãi cầm từng bánh heroin lên kháy từ mỗi bánh một mẩu bỏ vào nước để kiểm tra chất lượng rồi ra giá: “Tôi đồng ý mua hết số hàng này với giá 15.600USD”. Thip Xu Da gật đầu xởi lởi: “Lần đầu gặp nhau, tôi đồng ý bán coi như làm quen và để sau này mình còn hợp tác với nhau nữa”.

Sáng 13/1/1995, Duẩn lái xe chở Lộc và Thệp Thong In rời Viêng Chăn về Việt Nam. Riêng Xu Phi sau khi môi giới “hàng” với Lộc bất thành nên đón xe về trước. 17 giờ cùng ngày, xe đến cửa khẩu Đen Sa Vẳn, sau khi kiểm tra xong thủ tục giấy tờ, Công an và Hải quan Lào phát hiện 14 bánh heroin (trọng lượng 5kg). Thấy việc bị bại lộ, Lộc và In bỏ trốn, vài ngày sau bị bắt giữ.

Từ ngày 26 đến 29/2/1995, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt đã cử đoàn cán bộ của Phòng Điều tra hình sự sang Công an tỉnh Quảng Trị trao đổi kết quả điều tra và cung cấp cho Công an tỉnh Quảng Trị lời khai của Nguyễn Đức Duẩn và Thệp Thong In. Ngày 18/2/1995, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt đã bắt thêm N.V.T (trú Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị), đối tượng nghi liên quan đến vụ án. Hai tuần sau, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt dẫn giải Duẩn và N.V.T bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Trị để điều tra mở rộng. Sau khi lấy lời khai, kết hợp xác minh thấy N.V.T không liên quan đến vụ án nên Công an tỉnh Quảng Trị đã trả tự do cho T.

Ngoài ra, Nguyễn Đức Duẩn chỉ là lái xe thuê, không hề biết Lộc và In buôn bán heroin với Da, Hon Xa Cun và Xu Phi.

Ngày 24/2/1996, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt Nguyễn Khánh Lộc tử hình về tội “mua bán trái phép các chất ma túy, 10 năm tù về tội vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Mặc dù bị tuyên án tử hình, nhưng trong thời gian trong phòng biệt giam, Lộc vẫn đang trông đợi một phép màu nào đó có thể thay đổi bản án.

Rạng sáng 18/8/1997, tại trại giam Công an tỉnh Quảng Trị, trong lúc các phạm nhân khác đang yên giấc thì Lộc bất giác choàng tỉnh dậy bởi tiếng mở khóa lách cách từ phía cửa phòng. Khác với thường ngày, khuôn mặt Lộc tái mét, chân tay run lẩy bẩy. Sau khi nghe hết biên bản quyết định thi hành án tử hình gã đã sụp xuống đất. Qua kẽ hở của hai hàm răng đang va vào nhau, Lộc lắp bắp: “Thưa...! Tôi biết rằng Đảng và Nhà nước đã có chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội ăn năn hối cải... tôi xin khai thêm”.

Đường dây ma túy xuyên quốc gia

Ngày 18/8/1997, hội đồng đã quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Nguyễn Khánh Lộc về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, đồng thời giao cho Cơ quan an ninh Công an tỉnh Quảng Trị khẩn trương xác minh làm rõ những tình tiết mới trong lời khai của Lộc.

Đối tượng Hồng, chủ khách sạn Ngọc Minh, có địa chỉ số 71 Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) mà Lộc nhắc đến là Nguyễn Thị Hồng (SN 1960). Hồng là vợ của Nguyễn Ngọc Phụ (tên gọi khác Nguyễn Ngọc Hà, tức Hà tí tồ, SN 1958, trú 74 Hàng Chiếu). Cặp vợ chồng này thao túng một đường dây ma túy rất quy mô mà Cục Phòng chống ma túy đang theo dõi. Vợ chồng Hà - Hồng có mối quan hệ buôn bán ma túy với nhiều đối tượng trên toàn quốc nên giàu lên rất nhanh. Ngoài khách sạn Ngọc Minh, chúng mua được nhà hàng Thiên Hương (86 Bà Triệu) và rất nhiều đất đai gần đó để làm nơi chế biến ma túy. Công an TP. Hà Nội cũng đã xác lập chuyên án theo dõi vợ chồng Hà.

Đấu tranh mở rộng, Lộc thành khẩn trong chuyến “gom hàng” ở Lào mà sau đó bị bắt trên đường về nước, Lộc mang theo 75.600USD, trong đó 40.000USD là do Hồng đưa cho Lộc với mục đích qua Lào mua heroin và trả tiền “bồi dưỡng”, số còn lại Lộc vay ngân hàng rồi sau đó đổi ra 35.600USD.

Những năm 1988 - 1989, Lộc thường tranh thủ nghỉ hè mua quần áo Thái Lan ở chợ Đông Hà mang ra chợ Đồng Xuân bán cho Hồng rồi quen nhau. Ban đầu là chỗ bạn hàng buôn bán, về sau Hồng thường trốn chồng thuê khách sạn quan hệ tình cảm với Lộc.

Năm 1990, Lộc nghỉ dạy học, lập công ty đi buôn bán gỗ và các mặt hàng xây dựng. Trong một lần Lộc cùng Thệp Thong In ra Hà Nội mua máy nghiền đá cho Công ty xuất nhập khẩu Quảng Trị, Lộc đã đưa In đến nhà Hồng chơi. Qua tiếp xúc, Hồng biết In là người Lào nên lấy ra một bánh heroin rồi hỏi: “Ở Sa Vẳn Na Khẹt có loại này không?”. In trả lời: “Ở đó không có nhưng những nơi khác thì họ bán nhiều”.

Sau chuyến gặp mặt Hồng tại Hà Nội, Lộc và In về đôn đáo tìm nguồn “hàng” và cả hai làm quen với một người tên Xu Phi, chuyên “cò” heroin. Xu Phi đưa Lộc và In đến nhà một người đàn ông bị chột mắt rồi dặn: “Cứ vào xem hàng rồi quyết định mua hay không”. Gã chột mắt mang ra tám bánh heroin hét giá 6.500USD một cặp (hai bánh). Một thoáng suy nghĩ, Lộc ra ngoài gọi điện thoại cho Hồng. Nghe Hồng “tư vấn” xong, Lộc quay vào nói với Xu Phi trả giá xuống mỗi cặp giá 6.000USD. Xu Phi hỏi: “Thế trả tiền công tôi ra sao”. “Tôi sẽ trả cho anh mỗi bánh 200USD” - Lộc hứa.

Xu Phi nghe thế liền bước đến vỗ vào vai gã chột mắt trả giá, nhưng hắn chỉ đồng ý giảm giá mỗi bánh 100USD. Để chuyến “hàng” đầu tiên được suôn sẻ, Lộc đồng ý mua hết tám bánh với giá 25.000USD.

Trưa 29/12/1994, Lộc mang hai hộp đường chứa tám bánh heroin đến khách sạn Ngọc Minh (71 Nguyễn Trường Tộ) giao cho Hồng rồi về lại nhà khách Bộ Thủy lợi. Tối cùng ngày, Hồng điện thoại khoe đã bán được 8.500USD một cặp và đồng ý nhận 800USD tiền “hoa hồng”. Sau đó, Hồng bảo Lộc đến khách sạn Ngọc Minh gặp Đinh Phú Quý, là nhân viên khách sạn, để nhận 40.000USD, trong đó tiền heroin là 33.200USD, còn 6.800USD Hồng cho Lộc vay để làm vốn “mở rộng kinh doanh”.

Hoa mắt trước phi vụ béo bở đầu tiên, Lộc vội vã về làm hồ sơ vay ngân hàng 500 triệu đồng, dùng 100 triệu đồng trả nợ, số còn lại đổi thành đôla để chuẩn bị một chuyến hàng đậm hơn. Tuy nhiên, khi chuyến “hàng” 14 bánh heroin về đến cửa khẩu Đen Sa Vẳn thì bị lực lượng chức năng Lào bắt quả tang.

Khi Nguyễn Khánh Lộc bị giam giữ tại trại giam Công an tỉnh Quảng Trị để chờ mang ra xét xử, lúc này Lộc vẫn chưa khai ra Nguyễn Thị Hồng thì bên ngoài, vợ chồng Hồng - Hà tí tồ biết rằng, chỉ cần Lộc “phun” ra là chết cả lũ. Chúng thường lấy cớ vào thăm nuôi Lộc, bắn tin động viên đừng khai ra để ở ngoài chúng tìm cách “chạy án”. Thời gian này, em gái Hà tí tồ là Nguyễn Thị Chi đang định cư bên Canada về thăm nhà nên Hà nhờ đi cùng với N.T.H (em gái Hồng) vào trại giam Công an tỉnh Quảng Trị thăm, cho quà và động viên Lộc đừng khai ra. Nguyễn Thị Hồng còn nói với em trai Lộc: “Dù có đổ cả gia tài mà lo được cho anh Lộc thì Hồng cũng đổ”.

Để “chạy án” cho Lộc, Hà tí tồ vận dụng tất cả các mối quan hệ mà y có. Niềm hy vọng đó Hà mang đến “gửi gắm” cho bà N.T.K.H - một cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội, vốn là người quen của vợ chồng hắn. Ngày 29/11/1995, Hà cùng bà N.T.K.H mua vé máy bay vào Đà Nẵng và được em trai Lộc lái xe đến đón tận sân bay đưa về nghỉ tại khách sạn Thu Bồn. Sau đó, bà N.T.K.H đã làm “cầu nối” cho Hà gặp hai cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để nhờ lo “chạy án” cho Lộc, nhưng cuối cùng thất bại.

Ngày 18/8/1996, sau khi biết tin Nguyễn Khánh Lộc được hoãn thi hành án tử hình để khai báo bổ sung, Hồng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Còn Hà tí tồ ở lại tìm mọi cách đối phó với cơ quan công an. Ngày 28/9/1996, Hà gọi điện thoại cho đàn em Vũ Văn Vang (trú Kim Sơn, Ninh Bình) với nội dung, lên khách sạn Ngọc Minh bàn việc “mua ba ba”. Hôm sau, Vang rủ thêm Trần Văn Kim đi cùng. Sau khi chia tay, Vang kể lại nội dung cuộc trao đổi giữa y và Hà với Kim.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tình Sơn (Công An Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN