Sẽ có Luật về mại dâm
Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật về phòng ngừa mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 361/QĐ-TTg.
Quyết định nêu rõ hiện nay tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì Mục đích mại dâm đang gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.
Theo quyết định, đã xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook,...
Nguyên nhân là do còn thiếu chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm như: Khiêu dâm, kích dục; một số hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội cao như tổ chức, bảo kê cho hoạt động mại dâm chưa được quy định thành tội danh trong Bộ luật Hình sự; việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa được thực hiện nghiêm minh theo quy định…
Theo đó, Chương trình đã đặt ra mục tiêu phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.
Đến năm 2020: 20 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm….
Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do: 75,7%, doanh nghiệp: 20%, cán bộ, công nhân viên chức: 3%; 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ. |
Các giải pháp thực hiện Chương trình đề xuất, đáng chú ý là giải pháp: Phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm. Xét xử nghiêm minh tội phạm liên quan đến mại dâm, có các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người vì Mục đích mại dâm, nhất là với các nạn nhân là trẻ em.
Rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hoạt động can thiệp giảm hại, phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật về phòng ngừa mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này.
Ủy ban nhân dân các cấp phải đưa công tác phòng, chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS…