Nữ siêu lừa ở đảo ngọc đòi chém phóng viên
Trong vai “đại gia” mua bán đất, bà ta đã chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng của nhiều người và có dấu hiệu lừa đảo.
NGƯỜI DÂN ĐIÊU ĐỨNG
Thời gian qua, Báo CATP liên tục thông tin các đối tượng Nguyễn Thị Lý (tự Lý áo đỏ, SN 1960, ngụ phường Vĩnh Bảo, TP.Rạch Giá, Kiên Giang), em gái của Lý là Nguyễn Thị Kim Hà và ông Nguyễn Văn Khanh (SN 1965, ngụ xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc) lừa đảo hàng chục người, chiếm đoạt hơn 124 tỷ đồng. Công an huyện Phú Quốc khẳng định có căn cứ khởi tố Lý cùng đồng bọn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị Công an tỉnh Kiên Giang có ý kiến. Thế nhưng, vụ việc vẫn rơi vào im lặng đáng ngờ.
Khi Báo CATP phản ánh, ngày 9-4-2013, Lý - Hà cùng một số đối tượng tìm đến Báo CATP để phản bác thông tin trên. Hà còn dọa sẽ chém chết phóng viên viết bài. Sau khi phân trần cho mình, nữ siêu lừa tiếp tục về TP.Rạch Giá tìm cộng tác viên của báo dọa sẽ xử đẹp. Trước thái độ bất thường của các đối tượng trên cùng với biểu hiện lạ lùng của cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang, PV đã cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Một miếng đất Lý bán cho hai người
Trở lại huyện đảo Phú Quốc, chúng tôi gặp nhiều nạn nhân của Lý trong cảnh sống dở chết dở bởi đang phải đối mặt với nợ nần chồng chất. Vài năm trước, họ là tỷ phú nhưng nay phải trắng tay sống kiếp ăn nhờ ở đậu. Hàng chục đơn khiếu nại gởi đến chính quyền địa phương nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng ngờ. Trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp, bà Đường Thị Minh (SN 1935) không giấu được nước mắt. Căn bệnh tai biến mạch máu não kèm theo tài sản bị Lý chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng đã đẩy gia đình bà Minh vào ngõ cụt. Bà Minh nói như mếu: “Tôi gởi hàng chục lá đơn nhưng không ai xem xét. Trong khi Lý tố cáo chúng tôi, chúng tôi lại bị mời. Sao pháp luật bảo vệ cho cái bất công?”. Bà Minh bị bệnh, chồng là ông Trần Hữu Soan (SN 1933) nằm liệt giường. Thông cảm trước nỗi cơ cực của vợ chồng già thống khổ, người dân địa phương thương tình cho từng đồng để họ mua thuốc men, mua gạo.
Năm 2004, giá đất Phú Quốc chưa cao, bà Minh được Lý giới thiệu mua ba mảnh đất tọa lạc tại ấp 4, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc. Lý giới thiệu với bà Minh: mảnh đất thứ nhất một hécta đất trồng tiêu của ông Phùng Quang Hy đứng tên bán với giá 200 triệu đồng; mảnh thứ hai 5.000m2 do bà Hà Trắng đứng tên bán với giá 20 triệu đồng và mảnh thứ ba 1.500m2 của ông Danh Kích bán với giá 10 triệu đồng. Thấy ba mảnh đất trên chỉ 230 triệu đồng nên bà Minh đồng ý mua. Lý nhận tiền đầy đủ hứa sẽ làm thủ tục, nhưng đến ba năm vẫn không thực hiện lời hứa. Bà Minh tìm hiểu thì phát hiện ba miếng đất trên bị Lý bán cho người khác. Bà Minh đòi tố cáo, Lý đổi lại mảnh đất của ông Nguyễn Thành Thái (ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm) với lời hứa: “Đất này đã cầm người khác. Bốn tháng sau tôi chuộc sẽ chuyển quyền cho chị”.
Theo lời bà Minh, bà dính vào vòng xoay của Lý. Năm 2011, bà Minh phát hiện mảnh đất trên bị Lý bán 2,6 tỷ đồng. Đến khi biết mình bị lừa, bà Minh tá hỏa bởi trót cho Lý vay 12 tỷ đồng để kinh doanh bất động sản. Chúng tôi đặt vấn đề, vì sao tin tưởng đưa cho Lý hàng chục tỷ đồng. Bà Minh giải thích: “Lý cấu kết với ông Khanh. Lý lừa bán cho tôi 24 công đất do Khanh đứng tên với giá 12 tỷ đồng và yêu cầu tôi đặt cọc. Hôm nhận tiền, Lý hứa, hợp đồng sai sẽ trả cho tôi gấp hai lần nhưng không thực hiện lời hứa.
Ngoài số tiền trên, tôi còn bảo lãnh cho Lý vay của cháu tôi là Trần Binh Lương với số tiền 3,5 tỷ đồng nay vẫn không thanh toán”. Khi số tiền 20 tỷ đồng có nguy cơ mất, bà Minh ủy quyền cho hai con trai tìm Lý thì bị các cơ quan chức năng ngăn cản. Không chỉ bà Minh, hàng chục nạn nhân ở đảo ngọc và TPHCM trong tình trạng nợ nần chồng chất bởi những cú lừa ngoạn mục của Lý. Các nạn nhân gởi hàng chục lá đơn tố giác đến cơ quan chức năng, nhưng đối tượng lừa đảo vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.
“NHIỆT TÌNH” VỚI KẺ LỪA ĐẢO?
Trong khi nạn nhân gởi đơn tố cáo, Công an huyện Phú Quốc đề nghị xem xét thì không nhận được trả lời; trái lại đơn tố giác của Lý lại được xác minh làm rõ. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1978, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) bị cơ quan chức năng triệu tập theo đơn tố giác của Lý. Ngày 13-3-2011, ông Khanh ký hợp đồng bán cho chị Thủy 16.000m2 đất tại xã Bãi Thơm với giá 12 tỷ đồng. Chị Thủy đặt cọc trước 11 tỷ đồng. Sau đó, chị Thủy phát hiện khu đất trên nằm trong quy hoạch nên đề nghị hủy hợp đồng và yêu cầu Khanh - Lý phải trả tiền cọc. Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu Lý - Khanh phải hoàn trả tiền cho chị Thủy. Nhưng cả hai không thi hành mà tố cáo chị Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngụy tạo giấy tờ giả. Để thu hút được sự quan tâm của cơ quan chức năng, Lý còn giả mạo chữ ký của chị Thủy trong giấy đặt cọc để quỵt số tiền còn lại.
Chị Thủy nhớ lại, từ lúc Lý gởi đơn tố cáo, chị bị mời liên tục để lấy lời khai. Ngày 9-2-2012, Công an tỉnh Kiên Giang đã báo cáo về kết quả điều tra, xác minh theo đơn của Lý. Công an xác định chị Thủy không có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong văn bản trên, Công an tỉnh Kiên Giang cho rằng hợp đồng ký nhưng Khanh không nhận tiền đặt cọc của chị Thủy. Vì vậy, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh xem xét hủy bỏ quyết định công nhận hòa giải buộc Khanh phải trả lại tiền vì không đúng bản chất sự việc và UBND huyện Phú Quốc, Trung tâm phát triển quỹ đất chi trả tiền bồi thường đất cho Khanh - Lý.
Nhiều nạn nhân bức xúc: “Thời gian dài chúng tôi tố cáo Lý cùng đồng bọn, Công an huyện Phú Quốc đã khẳng định là có căn cứ nhưng vẫn không xử lý các đối tượng trên theo đúng pháp luật. Trái lại Lý tố cáo ngược chúng tôi lại bị mời xét hỏi. Người dân bị oan, ai bảo vệ?”.