Nỗi lòng cụ ông 39 năm chịu nỗi oan giết người, đòi bồi thường 12 tỷ

Sự kiện: Tin pháp luật

Sau 39 năm chịu nỗi oan giết người, một trong ba cụ ông đã ra đi khi chưa kịp được minh oan.

Suốt gần 40 năm qua, cụ Chinh đã miệt mài đi tìm công lý

Suốt gần 40 năm qua, cụ Chinh đã miệt mài đi tìm công lý

Hai cụ còn lại cùng thân nhân cụ ông đã mất đang mong muốn được bồi thường một khoản tiền lớn để bù đắp cho bản thân và gia đình trong suốt những tháng ngày khốn khổ.

Đòi 12 tỷ, dự kiến trả 850 triệu đồng

Sau gần 8 tháng được Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các bên liên quan tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai, cụ Trần Ngọc Chinh (79 tuổi, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) vẫn cảm thấy buồn phiền.

Nguyên do là ngày 28/7 vừa qua, đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các bên liên quan đã có buổi thương lượng về việc bồi thường thiệt hại cho cụ do bị truy tố oan tội “Giết người”. Theo nội dung buổi làm việc, ban đầu cụ Chinh yêu cầu bồi thường tổng số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng, gồm tiền thu nhập bị mất; thiệt hại tinh thần, sức khỏe bị xâm hại… nhưng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đưa ra mức tiền bồi thường chỉ hơn 857 triệu đồng.

Theo đại diện UBND xã Đồng Thịnh, ngoài cụ Chinh, hiện có gia đình cụ Trần Trung Thám (SN 1948, em trai cụ Chinh, đã mất trong thời gian bị giam) muốn bồi thường 25 tỷ đồng. Riêng gia đình cụ Khổng Văn Đệ (87 tuổi) cũng có đơn yêu cầu được bồi thường nhưng từ chối tiết lộ thông tin cụ thể số tiền là bao nhiêu.

“Mức bồi thường Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra không thỏa đáng với những gì mà tôi đã gánh chịu…”, cụ Chinh buồn rầu chia sẻ.

39 năm chịu nỗi oan kể từ ngày bị bắt giam, 3 năm bị giam cầm, cuộc sống của cụ Chinh và gia đình đã có những ngày tháng tuyệt vọng. “Những ngày tôi tù tội, bị oan sai, gia đình tôi khánh kiệt, bản thân tôi giờ đây sức khỏe kém, 1 mắt bị dập chỉ còn 2/10, mắt còn lại mù tịt”, cụ Chinh trải lòng.

Vụ án cụ Chinh bị oan khuất xảy ra năm 1980, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh. Khi đó, ông Chu Văn Quản, Bí thư Chi bộ thôn bị sát hại. Cụ Chinh, người em trai Trần Trung Thám và cụ ông Khổng Văn Đệ (nay 96 tuổi, ở cùng thôn) bị bắt. Cụ Thám tử vong khoảng 3 tháng sau khi bị bắt, các cụ Chinh và Đệ bị giam gần 3 năm.

Sau đó, tới năm 1983, hung thủ của vụ án mới bị phát hiện, bị xử án chung thân và 3 người bị bắt oan được đình chỉ điều tra. Cụ Chinh và cụ Đệ được thả về, nhưng không có một lời giải thích nào. Hành trình kêu oan của hai cụ bắt đầu từ đó.

“Một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài. Ba năm tôi ở trong tù, trở về thì vẫn mang nỗi oan tày đình là kẻ giết người, vợ con ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Tôi quyết tâm minh oan không chỉ cho đời mình, mà còn cho đời con, đời cháu gột được nỗi oan nhục ấy”, cụ Chinh tâm sự.

Đồng hành cùng cụ Chinh, có các con cụ Đệ và con trai cụ Thám. Anh Trần Văn Mạnh (SN 1975, là con trai của cụ Thám) nhớ lại, cuộc sống khốn khổ bị sỉ nhục khi mang án oan bố là kẻ giết người đeo bám tuổi thơ anh, nên ngay khi bác Chinh ra tù, anh đã cùng bác lặn lội xuống bệnh viện nơi bố mất, vào trại giam, lên Công an Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) để gửi đơn.

Hàng chồng đơn lớn bé được gửi đi tới mọi nơi có thể. Để rồi cùng sự giúp sức của luật sư, đến ngày 9/10/2019, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai đối với các ông Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh, Trần Trung Thám.

Đền bù chưa thỏa đáng, sẽ kiện ra tòa?

Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Văn phòng luật sư Thái Hưng) - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cụ Chinh cho biết, ban đầu, cụ Chinh đòi bồi thường 12 tỷ 870 triệu đồng, gồm tiền thu nhập bị mất; thiệt hại tinh thần, sức khỏe bị xâm hại, việc thu nhập bị giảm sút do thiệt hại về sức khỏe, từng phải đi các bệnh viện điều trị sau khi ra tù.

Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc dựa trên 4 căn cứ về thiệt hại, chi phí, tổn thất để bồi thường cho cụ Chinh tổng số tiền hơn 857 triệu đồng. Cụ thể, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất khoảng 250 triệu đồng; chi phí đi lại, in ấn tài liệu khoảng 226 triệu đồng; chi phí gửi đơn khoảng 57 triệu đồng và tổn thất về tinh thần trong thời gian bị khởi tố, tạm giam oan sai khoảng 324 triệu đồng.

“Cụ Chinh không chấp nhận mức bồi thường do Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra. Quan điểm của tôi, cụ Chinh cần được bồi thường hơn 8,8 tỷ tiền tổn thất tinh thần trong thời gian bị oan, ra khỏi trại giam hơn 37 năm mới được xin lỗi công khai; tiền cấp dưỡng nuôi 5 người con và bố mẹ khoảng hơn 660 triệu đồng… Riêng tiền chi phí đi lại, in ấn tài liệu và chi phí gửi đơn là 900 triệu đồng. Tuy nhiên, những đề nghị nêu trên chưa được đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận”, luật sư Hưng nói.

Theo luật sư Hưng, căn cứ để Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra là cụ Chinh không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh thu nhập bị giảm sút; không chấp nhận yêu cầu trợ cấp tiền cấp dưỡng do pháp luật chỉ xem xét nội dung này khi người bị thiệt hại chết. Về yêu cầu “tiền tổn thất tinh thần” từ khi ra trại đến khi được xin lỗi công khai thì pháp luật không có quy định bồi thường.

Trao đổi với PV Báo Giao thông luật sư Hưng cho rằng, VKSND Vĩnh Phúc cho rằng thời gian cụ Chinh đi điều trị ở bệnh viện phải cung cấp hồ sơ bệnh án, giấy tờ liên quan. Nhưng thực tế giấy giờ ở bệnh viện chỉ lưu bệnh án được 20 năm, bây giờ cụ đã trải qua gần 40 năm oan sai thì việc yêu cầu nói trên là không thỏa đáng.

Luật sư Hưng cũng cho rằng, Viện KSND Vĩnh Phúc cho rằng trong Quyết định đình cứu năm 1982 đã khẳng định cụ Chinh không giết người nên việc cụ Chinh yêu cầu bồi thường danh dự cho ngần ấy năm là không có căn cứ là hoàn toàn không chính xác.

“Bởi từ năm 1982 các cơ quan tố tụng không hề có động thái xin lỗi công khai đối với cụ Chinh, chính vì vậy việc yêu cầu đền bù tổn thất về danh dự của cụ cho gần 40 năm đó là hoàn toàn có cơ sở”, luật sư Hưng nói.

Anh Trần Văn Mạnh, người luôn đồng hành cùng với cụ Chinh trong quá trình đi tìm công lý, cũng như suốt chặng đường vừa qua cho biết, nếu không tìm được tiếng nói chung giữa đôi bên khi giải quyết bồi thường thì gia đình anh cũng như cụ Chinh sẽ làm đơn khởi kiện ra toà để toà phân xử.

Nguồn: [Link nguồn]

Chịu án oan 10 năm vì mấy con bò, cựu binh đòi bồi thường gần 18 tỷ đồng

Vì mấy con bò, ông Dương Văn Hòa - một người dân ở tỉnh Quảng Trị đã phải chịu án oan 10 năm, cơ ngơi sự nghiệp gây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN