Chuyện hậu trường cụ ông chia 6,7 tỷ bồi thường án oan

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 13 14 15 1617

Số tiền bồi thường án oan 6,7 tỷ đồng, cụ Thêm đã chia, tặng gần như hết sạch.

Ở tuổi 83, cụ Thêm bằng lòng với cuộc sống đã được minh oan, bình yên và giản dị dù được đền bù số tiền lớn

Ở tuổi 83, cụ Thêm bằng lòng với cuộc sống đã được minh oan, bình yên và giản dị dù được đền bù số tiền lớn

Hơn 1 năm sau khi được nhận số tiền bồi thường án oan 6,7 tỷ đồng, cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) vẫn sống trong cảnh giản dị như bao lão nông ở vùng thôn quê nghèo khó. Bởi số tiền bồi thường lớn ấy, cụ Thêm đã chia, tặng gần như hết sạch ngay sau khi nhận về.

“Tôi mãn nguyện rồi”

Ngày 9/7, chúng tôi tìm về nhà ông Trần Văn Nọc (SN 1963, ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) - con trai cả cụ Trần Văn Thêm, người đã mang án tử hình suốt 43 năm.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chiếc giường của cụ Thêm cũ kỹ, đầu giường có chiếc đài nhỏ vẫn đang hoạt động, nhưng cụ không có nhà. “Chắc chú út vừa đón cụ sang nhà chơi”, anh Trần Tuệ Lâm, cháu đích tôn của cụ Thêm vừa đi làm về tới nhà cho hay.

Ông Nọc vốn khiếm khuyết về tai, nghe không rõ, làm nghề thợ xây; vợ ông Nọc cũng chỉ quanh quẩn mấy sào ruộng, nên cuộc sống gia đình xưa nay khốn khó. Theo anh Lâm, nhờ năm ngoái bố mẹ anh được ông nội (cụ Thêm) chia cho 500 triệu đồng từ số tiền bồi thường án oan, nên mới sửa sang, mua sắm được vài vật dụng cho căn nhà. “Ông nội sống giản dị đã quen, với lại tiền bồi thường án oan về ông cũng chia, cho tặng gần hết rồi, nên giờ các việc hiếu hỉ, giỗ chạp, sinh hoạt trong nhà, cũng là con cháu lo toan”, anh Lâm chia sẻ.

Đang ngồi xem tivi ở nhà người con trai út Trần Văn Sáu (SN 1976), cách nhà con trai cả mấy trăm mét, cụ Thêm móm mém cười cho hay, mấy năm nay, cụ không đi đâu xa được, đi lại trong nhà cũng phải chống gậy hoặc nhờ con cháu dìu. “Các con bảo nhà Nọc đi làm suốt ngày không có người trông, thì ra đây ở với nhà Sáu còn có vợ nó bán tạp hoá ở nhà, nhưng tôi ở trong nhà cũ kia quen rồi, nhà cũ có bàn thờ, bát hương tiên tổ...”, cụ Thêm cho hay.

Trải lòng về quãng thời gian cơ cực tận cùng đã trải qua, cụ Thêm cho biết, sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù và 43 năm mang thân phận bị can, giờ được minh oan, được bồi thường, là cụ mãn nguyện rồi. “Chỉ ước giá mọi việc được tường minh sớm hơn, thì vợ chú Nguyễn Khắc Văn không phải mang nỗi day dứt, hận thù ra đi. Từ khi án oan trên đầu tôi được làm rõ, các cháu bên nhà chú Văn thấu hiểu, hai gia đình đã hàn gắn tình cảm lại như xưa”, cụ Thêm nói.

Cụ Nguyễn Khắc Văn là nạn nhân tử vong đêm 23/7/1970 mà thời điểm đó, cụ Thêm bị khép án oan là hung thủ. Đêm đó, cụ Thêm và cụ Văn (là em họ) cùng nhau đi bán thuốc lào và mua quả trám đen. Khi về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên cả hai vào chòi ven đường để ngủ. Đang ngủ, hai cụ đã bị một tên cướp tấn công, hai anh em cụ Thêm đã vừa hô vừa chống trả quyết liệt. Tên cướp thấy vậy liền lao xuống sông mất dạng. Khi dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến, thì trên tay cụ Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Cụ Văn tử vong sau đó nên cụ Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc giết em họ để cướp của.

Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú xét xử sơ thẩm, tuyên phạt cụ Thêm tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Cụ Thêm kêu oan, nhưng một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan, y án tử hình. Cuối năm 1975, cụ Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, cụ mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết cụ Văn cũng như đánh cụ bị thương.

Sau đó, cụ Thêm được cấp giấy miễn lao động nặng với lý do có vết thương ở đầu, được cho về nhà ăn Tết với gia đình. Từ đó, không ai đoái hoài gì đến cụ nữa.

Kể về những cay cực thời điểm đó, bà Trần Thị Xuân (SN 1958, con gái đầu cụ Thêm) vẫn tràn nước mắt. Bố bị bắt, mẹ bà ôm 5 con thơ, trong đó em nhỏ nhất là Trần Thị Hoà mới 2 tuổi. Bà Xuân khi đó 14 tuổi phải nghỉ học phụ mẹ đi làm, trông nom các em trong sự dị nghị của dân làng.

“Mẹ tôi đêm nào cũng khóc, nhà chú Văn nhìn tôi đầy căm thù, cứ tuyên máu trả máu. Chúng tôi lớn lên, chẳng đám nào dám dạm hỏi. Năm 1976, bố tôi được thả về và sinh thêm em Sáu, nhưng cái án tù tội, giết người vẫn treo lơ lửng trên đầu. Hoàn cảnh nghiệt ngã ấy khiến chúng tôi chẳng ai học hành được đến nơi đến chốn, giờ đều sống cảnh nghèo, công việc bấp bênh. Vì vậy, suốt cuộc đời của bố mẹ, của chúng tôi, chỉ mong bố được minh oan, được trả lại sự trong sạch để ngẩng mặt lên với đời”, bà Xuân chia sẻ.

Vui vì đã được bồi thường

Cụ Thêm và con gái

Cụ Thêm và con gái

Chiều 11/8/2016, cả gia đình cụ Thêm rưng rưng nước mắt xúc động trong lễ công bố quyết định đình chỉ bị can và xin lỗi của ngành Tư pháp. Lại thêm một hành trình đòi bồi thường án oan, đến tháng 3/2018, cụ Thêm đã được bồi thường 6,7 tỷ đồng.

Cụ Thêm xác nhận, tháng 3/2018, cụ được ông Nguyễn Văn Hoà, Phó giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi (người đại diện theo ủy quyền) mời ra Hà Nội nhận tiền bồi thường. Trước đó, 6,7 tỷ đã được TAND cấp cao tại Hà Nội chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Hòa theo giấy ủy quyền.

“Ông Hòa đồng hành kêu oan cùng tôi trong nhiều năm, tôi đồng ý cho ông Hòa hưởng 40% trả cho công sức và sự tâm huyết của ông ấy, việc chia này có hợp đồng, tôi có lăn tay, nhưng tôi không cầm hợp đồng nào cả”, cụ Thêm thông tin.

Theo cụ Thêm, sau khi chia cho ông Hoà 40%, cụ được ông Hoà làm giúp 6 cuốn sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng và 500 triệu đồng tiền mặt. Cụ gửi ông Hoà 1 sổ 500 triệu để lo các chi phí phát sinh như tiền thuế. Trên đường về nhà, người cháu họ tên Được đã giúp cụ đi kêu oan, được cụ cho một sổ 500 triệu đồng và 400 triệu đồng tiền mặt. Còn 2,1 tỷ cụ cầm về nhà, chia cho hai con trai mỗi người một sổ 500 triệu đồng, 4 con gái mỗi người được 200 triệu đồng. Cụ cũng dùng số tiền đó khao họ hàng, làng xóm và chia cho một số người giúp cụ, mỗi người 5-10 triệu đồng.

Trước thông tin con trai út Trần Văn Sáu làm đơn tố cáo đến Công an huyện Yên Phong đề nghị làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tiền bồi thường oan sai của bố mình, cụ Thêm nhìn nhận: “Có những thứ mất đi không bao giờ lấy lại được, bồi thường bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng tôi rất vui vì thấy được Nhà nước trân trọng, đã bồi thường, thế là đủ”.

Bà Trần Thị Xuân cũng cho rằng “bố được minh oan, chúng tôi không mong ước gì hơn, bố có cho hết số tiền bồi thường cũng được”, nhưng bà Xuân mong mọi việc được minh bạch, rõ ràng. Bởi từ trước đến nay, các con cụ Thêm hoàn toàn không hề hay biết việc TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường oan sai cho cụ cũng như việc cụ chia số tiền này.

“Ông Hoà, cháu Được tự ý đón cụ Thêm đi nhận bồi thường, các con không hề biết. Khi bố tôi cầm về 2,1 tỷ đồng, chúng tôi đều nghĩ, chắc là tiền đền bù chia làm nhiều đợt, số tiền còn lại sẽ chi trả sau. Tới vừa rồi, khi các cơ quan báo chí đưa tin TAND Cấp cao tại Hà Nội đã hoàn tất việc bồi thường oan sai cho bố tôi khoản tiền 6,7 tỷ đồng, chúng tôi rất ngỡ ngàng...”, bà Xuân nói.

Trong các ngày 9-10/7, PV Báo Giao thông nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Văn Hoà (Phó giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi) nhưng hiện ông Hoà đang ở nước ngoài và tắt điện thoại.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Hoà khẳng định đã hoàn trả toàn bộ số tiền trên 6,7 tỉ đồng mà TAND Cấp cao tại Hà Nội bồi thường oan sai cho cụ Thêm, cụ Thêm đã lăn tay vào giấy nhận tiền bồi thường trước sự chứng kiến của anh Trần Văn Được. Ông Hoà chỉ thừa nhận đang giữ hộ một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng đứng tên cụ Thêm và việc này do cụ Thêm tự nguyện nhờ.

Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi nhấn mạnh, không hề biết gì về việc ông Nguyễn Văn Hoà và anh Trần Văn Được “cầm” số tiền lớn như vậy của cụ Thêm cho tới khi báo chí thông tin. Luật sư Vũ Văn Lợi là người đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho cụ Thêm trong suốt quá trình kêu oan, tới khi liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức xin lỗi công khai đối với cụ Thêm tại nơi cư trú.

Tuy nhiên đến giai đoạn cụ Thêm đòi bồi thường oan sai thì Công ty Luật Hoà Lợi không hỗ trợ nữa, việc này do cá nhân ông Nguyễn Văn Hoà làm việc với cụ Thêm và gia đình. “Tôi không ký bất cứ một hợp đồng nào với cụ Thêm, 1 giấy giới thiệu nào cho ông Hoà làm việc về nội dung đòi bồi thường oan sai này. Ông Hoà là Phó giám đốc Công ty, nhưng không phải luật sư. Ngay sau khi báo chí thông tin việc này, tôi đã đề nghị ông Hoà làm việc với gia đình cụ Thêm, với báo chí để làm sáng tỏ thông tin vụ việc”, ông Lợi nói.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 13 14 15 1617
Điều tra vụ ông Trần Văn Thêm được bồi thường oan sai 6,7 tỉ chỉ ”cầm về” hơn 2 tỉ

Công an huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã vào cuộc sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của con ông Trần Văn Thêm về việc bố mình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Na ([Tên nguồn])
Những vụ án oan chấn động lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN