Những quái chiêu của bị cáo tại tòa
Khai báo lòng vòng, hỏi một đường trả lời một nẻo, giả ngây, giả điếc… là “quái chiêu” của nhiều bị cáo trước vành móng ngựa.
Những hành động trên đã gây ra không ít tình huống bi hài giữa chốn công đường nhưng cuối cùng họ vẫn phải trả giá.
Khai báo như… hát hay
Có mặt ở phiên tòa xét xử cặp vợ chồng Lê Hoàng Vũ (47 tuổi, quê Cần Thơ) và Nguyễn Thị Thanh Bạch (45 tuổi) diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua hẳn người dự khán không thể không “ấn tượng” trước lối trả lời quanh co, “khéo léo” của cặp vợ chồng này trước vành móng ngựa.
Theo nội dung vụ án, vợ chồng Vũ thuê nhà trọ của anh Phan Văn Thành (SN 1973 tại Bình Dương). Chiều 28/3/2010, nghe Vũ nói có người hỏi mua nhà cần xem giấy tờ, anh Thành cầm theo giấy tờ nhà đến, tiện thể lấy tiền nhà trọ luôn.
Vẫn thói chây ì như ở chỗ trọ cũ, Vũ không trả tiền thậm chí còn lời qua tiếng lại khiến hai bên xô xát. Bạch thấy vậy đến mở nhạc thật to, anh Thành bị Vũ dồn vào phòng ngủ trong cùng rồi ra tay sát hại, cắt xác thành nhiều mảnh đem thả xuống sông.
Hành động dã man như vậy nhưng trước Tòa, Vũ luôn tỏ ra là người “có đạo đức”, vợ chồng bị cáo luôn tìm cách che giấu cho nhau. Vũ nói: “Tại anh Thành xúc phạm bị cáo quá, bị cáo lỡ tay đẩy anh ấy té đập đầu chết thôi”. “Lỡ tay sao sau khi nạn nhân chết, bị cáo lại nói dối gia đình họ là anh ấy có đến nhưng đã đi rồi, lại còn bình thản dùng dao phân xác nạn nhân?” – “Dạ, tại bị cáo hoang mang quá mới làm vậy chứ từ nhỏ đến giờ bị cáo chưa hề biết đánh lộn là gì, bị cáo không dám cắt cổ cả con gà nữa là…”
Khi Tòa hỏi về chiếc xe Airblade của nạn nhân Vũ nói tiếp: “Bị cáo nghĩ rằng giờ bán thì người ta mất luôn chiếc xe nên tạm thời đem cầm đi rồi nhất định bị cáo sẽ lấy lại trả cho gia đình bị hại”.
Nghe chồng nói vậy, vợ Vũ nhấn nhá thêm: “Dạ, tiền cầm xe được 20 triệu đồng, vợ chồng bị cáo chỉ mua cái này cái kia một ít còn lại để dành đó để đóng lãi cầm xe sau còn chuộc lại trả cho người ta”. “Vợ chồng bị cáo tiêu hết số tiền đó trong thời gian bỏ trốn còn tiền đâu mà chuộc lại?” – “Thì bị cáo tính đi làm lấy tiền, tiêu pha tằn tiện để dành tiền chuộc xe trả cho người ta nhưng không ngờ chưa gì đã bị bắt…”
Nghe đến đây người dự khán chỉ biết lắc đầu ngao ngán, Hội đồng xét xử bức xúc phải cắt ngang lời bị cáo. Do Vũ không thừa nhận việc dùng dao phân xác nạn nhân nên Tòa tiếp tục thẩm vấn, Vũ vẫn khăng khăng chối tội còn Bạch giả bộ ngây ngô.
Bạch nói: “Từ trước đến giờ bị cáo vốn khờ nên mọi việc đều do chồng quyết định. Chồng bị cáo làm gì bị cáo không có biết, chỉ có chồng bị cáo biết thôi”. Tòa vặn nếu Vũ không giết người, không phân xác nạn nhân, vậy tại sao chính Bạch đã khai rành rọt tại cơ quan điều tra quá trình chồng mình phân xác nạn nhân, dọn dẹp hiện trường như thế nào…Lúc này, cả hai mới chịu cúi đầu im lặng. Cuối cùng, Vũ bị tuyên án tử hình, Bạch 20 năm tù cùng về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Ra tòa cãi lý, nói cùn
Trong phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Quang Chung (31 tuổi, quê Thái Nguyên) phạm tội “cố ý gây thương tích”, “chống người thi hành công vụ” mới được đưa ra xét xử gần đây, người dự khán cũng chỉ biết “chào thua” trước lối ăn nói… “ngang như cua” của bị cáo.
Bị cáo Bùi Quang Chung trước vành móng ngựa
Chung là thợ hồ tại một công trình thuộc phường 15, quận 11, TP.HCM. Ngày 25/4/2011, Chung bị một số thanh niên đánh gây thương tích. Sự việc trên đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận 11 khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra ngoài những lời lẽ nghi ngờ của Chung; không có thêm tình tiết, chứng cứ nào mới; thời gian điều tra cũng đã hết nên Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Từ đó, Chung đem lòng thù tức lực lượng công an, chuẩn bị hai con dao để gây án.
Ngày 11/12/2011, thấy ông N.V.P.(công an quận Tân Bình) đang ngồi uống nước Chung liền lao tới dùng dao chém tới tấp gây thương tích nặng. Gây án xong, bị cáo đứng cố thủ hàng giờ, đe dọa “đứa nào lại gần tao chém”. Một công an khác cũng bị Chung chém bị thương khi lại gần thuyết phục.
Bị cáo Chung bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù. Tại phiên phúc thẩm, khi tòa vừa hỏi vì sao nạn nhân P. là công an quận Tân Bình, không liên quan gì đến vụ án của bị cáo nhưng bị cáo vẫn chém thì Chung trả lời đầy ngang ngược: “Tôi không cần biết là công an ở đâu. Dù có ở Hà Nội, Cần Thơ hay Đà Nẵng thì cũng chịu chung số phận”…“Tôi bị đánh nếu tôi không báo CA mà trả thù thì nói tôi vi phạm pháp luật. Tôi trình báo thì không giải quyết được, anh ngồi đó làm gì? Tôi điều tra ra tại sao các anh lại không điều tra ra?”
Tòa phân tích pháp luật quy định việc xác định một bị can (người đã chém Chung) hay bắt một người đều phải có chứng cứ… không thể chỉ tùy tiện nghe theo lời tố cáo của bị cáo mà bắt người được. Hơn nữa, hiện cơ quan điều tra mới ra quyết định tạm đình chỉ điều tra; pháp luật quy định bị cáo có quyền khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định đó chứ tại sao bị cáo có thể tùy tiện chém công an, Chung tiếp tục cãi cùn: “Pháp luật quy định vậy nhưng tôi không chấp nhận. Tôi sẽ tự giải quyết. Các anh không điều tra ra thì sao không giao để cho tôi điều tra?”
“Vậy bị cáo có biết đồng chí công an thụ lý hồ sơ vụ án của bị cáo không hay chỉ cần là công an thì bị cáo trả thù?” – “Tôi không biết. Tôi gặp bất cứ ai là công an thì tôi chém người đó thôi”… Mặc những lời lẽ phân tích đầy thuyết phục của Hội đồng xét xử, mỗi câu trả lời của Chung đều thể hiện thái độ ngoan cố, ngang ngược, bất cần.
Dù vậy, Chung vẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Sau khi nghị án, Tòa nhận định mức án 3 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Từ đó, Tòa bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm tuyên phạt Chung mức án 3 năm tù. Nhìn Chung tra tay vào chiếc còng số 8 bước đi, nhiều người không khỏi ngao ngán. Không biết 3 năm tù có làm bị cáo thay đổi thái độ sống bất cần, ương ngạnh?
Trước đó, TAND TP.HCM cũng từng nhiều lần mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Văn Nuôi (32 tuổi, Bình Định) phạm tội giết người nhưng sau đó đều phải hoãn lại bởi mỗi lần ra tòa, Nuôi lại có một lý do. Ra tòa Nuôi đứng im bặt như trời chồng, vừa như bị điếc vừa như không thấy gì trước mặt.
Có lần ra tòa, Nuôi đứng co ro như muốn khụy xuống, Tòa hỏi lý do tại sao, bị cáo nói "Tại sáng trước khi đi bị cáo được cán bộ cho ăn canh bí đỏ nên đau bụng quá, đứng không nổi”.
Do bị cáo có tiền sử bệnh tâm thần, sức khỏe yếu nên để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, Tòa đành hoãn xử. Nuôi lại thong thả ra về. Cuối tháng 7 vừa qua, sau nhiều lần hoãn xử, Nuôi bị tòa tuyên phạt mức án 17 năm tù.