Những kẻ máu lạnh

Một thanh niên bị sát hại gục chết bên vệ đường giữa đêm khuya không để lại manh mối về kẻ thủ ác. Bằng nghiệp vụ sắc bén, sau 4 giờ điều tra, CAQ6 đã làm sáng tỏ vụ án. Đáng tiếc, thủ phạm lại là những thanh niên trẻ đang nuôi nhiều hoài bão đẹp...

Cái chết bí ẩn

Tuần tra đến đường 26A, P10Q6 lúc 3 giờ 30 ngày 3-5-2012, tổ tuần tra CAP phát hiện một thanh niên ngồi gục đầu trên cánh tay, lưng tựa vào hông nhà một hộ dân. Tưởng gặp người say xỉn, ngủ bụi, tổ công tác bước tới nhắc nhở nhưng không có tiếng trả lời. Đỡ anh ta đứng dậy, mọi người phát hiện nạn nhân đã tắt thở, trên cơ thể có nhiều vết thương. Ban chỉ huy CAP chỉ đạo cán bộ chiến sĩ bảo vệ hiện trường đồng thời báo Đội CSĐTTP về TTXH phối hợp điều tra truy xét. Do án mạng xảy ra trong đêm khuya, ít người biết vụ việc, hơn nữa nạn nhân không phải người địa phương nên khó tìm ra manh mối. Qua điều tra, trinh sát xác định được nạn nhân là Ngô Hoài Phong, SN 1993, ngụ ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, nhân viên phục vụ tại một quán nhậu ở đường số 26. Người quản lý và một số bạn bè trong quán cho biết, kết thúc giờ làm việc tối hôm trước, Phong vẫn bình an. Vài người thức khuya hé lộ thông tin khoảng giữa đêm có hai nhóm thanh niên đuổi đánh nhưng sau đó ít phút lại thấy yên ổn. Phố nhậu Bình Phú tập trung không ít quán nhậu nên không dễ tìm ra hai nhóm thanh niên ở quán nào đã mâu thuẫn với nhau.

Đến gần khu vực quán Số Đỏ 2 (P11Q6), CA phát hiện một cán gỗ của cây chĩa nướng thịt heo bị gãy nằm chỏng chơ bên vệ đường. Qua phân tích, một tổ công tác nhanh chóng có mặt tại quán Số Đỏ 2, đánh thức toàn bộ số người có mặt. Trong cơn ngái ngủ, toàn bộ số thanh niên đều tỏ ra ngơ ngác, phủ nhận sự việc... Phát hiện trong quán có camera quan sát, tổ công tác tua lại hình ảnh thì có cảnh một số thanh niên phân chia chĩa cho nhau rồi hung hăng chạy ra đường. Xem lại phim, các “diễn viên” tái mặt, cúi đầu khai nhận.

Đánh bi-da trở về lúc 1 giờ 15 ngày 3-5-2012, thấy một số anh em trong quán đang ngồi nhậu nên nhóm Huỳnh Phước Hòa, Trần Bảo Quốc, Nguyễn Văn Hoàng (cùng SN 1990, quê An Giang) và Võ Vương Quốc Thái (SN 1983, quê Vĩnh Long) liền sà xuống nhậu chung. Lúc này nhóm Nguyễn Văn Đực (tự Trí, SN 1992, ngụ Bạc Liêu), Ngô Văn Chệt (tự Quang, SN 1988, ngụ An Giang) và Ngô Hoài Phong cũng ngồi nhậu trước quán 81. Sau đó nhóm Phong bước vào quán Số Đỏ tìm quản lý Dũng. Nhận được câu trả lời quản lý Dũng đã về, nhóm Phong bỏ về nhậu tiếp.

Thấy chai rượu đã cạn, nhóm Số Đỏ cử người đi mua thêm bia, mồi về lai rai. Khi Nguyễn Thanh Anh Kiệt (SN 1990, ngụ Q5) điều khiển xe máy chở Hòa vừa mang mồi về tới thì nhóm Phong bước tới hỏi “Có phải Dũng quản lý mới về tới không?”. Kiệt thấy khó chịu nên hỏi ngược lại: “Mày biết Dũng quản lý là người thế nào không mà hỏi?”. Do đã có men rượu nên hai bên có lời qua tiếng lại. Phong rút dao xếp mang theo trong người đâm Kiệt nhưng không trúng. Nhóm Phong cứ cho Kiệt là Dũng nên tiếp tục xông vào đòi đánh.

Do đối phương có dao, Đinh Ngọc Lưỡng (tự Bảo, SN 1996, quê Ninh Thuận) chạy lên lầu lấy 6 cây chĩa mang xuống và Hòa, Thái, Quốc, Hoàng mỗi người cầm một cây đuổi đánh Phong - Chệt. Thấy đối thủ có hung khí lại đông quân, Phong - Chệt bỏ chạy về nơi làm việc (quán 39 đường số 26, P10Q6) đóng cửa lại nên nhóm Số Đỏ quay về. Lát sau, Phong - Chệt tay cầm dao bất ngờ xông vào quán Số Đỏ. Quốc dùng cây chĩa đánh lại Chệt làm gãy chĩa nên hoảng sợ bỏ chạy về tìm nơi đi ngủ. Phong dùng dao chém Hòa nhưng không trúng, bị Thái và Hòa dùng chĩa đánh lại nên bỏ chạy...

Nhóm Số Đỏ trở về quán xôn xao tổng kết “thành tích”. Hòa khoe: “Em đâm trúng thằng Phong một nhát”, Thái bảo: “Hình như tao cũng đâm trúng người nó” rồi cùng đi ngủ cho đến lúc bị CA đánh thức.

Hay tin con lâm nạn, mẹ Phong đang bán vé số dạo ở Tiền Giang tất tưởi đón xe đò lên TPHCM. Người đàn bà quê mùa, lam lũ ngất lịm trước tin con đã chết. Trong đau khổ tột cùng, bà chia sẻ vì khó khăn nên mới phải cho Phong lên thành phố kiếm sống, nào ngờ ra nông nỗi...

Ân hận muộn màng

Bốn thanh niên bị tạm giữ để điều tra vừa qua tuổi đôi mươi, đều từ các miền quê dạt về TPHCM làm thuê kiếm sống. Gương mặt chúng bơ phờ trong thời khắc bị CA tạm giữ. Mặc dù bị cách ly mỗi người một chỗ nhưng khi trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Em nghĩ gì về hành động của mình?”, tất cả đều ân hận: “Rượu đã kích thích chúng em lú lẫn. Nếu không nhậu, có lẽ sự việc không diễn ra tai hại như vậy. Ba má em biết tin này chắc khổ lắm. Liệu em có phải ở tù không?”.

Ông Nguyễn Văn Năm (SN 1962, người trông coi quán Số Đỏ 2) buồn bã nói: “Tụi nó ngoan lắm, trong thời gian làm việc ở đây thấy đứa nào cũng chịu khó, chưa để xảy ra điều tiếng gì với thực khách. Do xa quê, thỉnh thoảng quán dư một số đồ nhậu nên tụi nó làm việc xong thì tụ tập lai rai vài ly xong đi ngủ. Tối qua lúc đầu tôi cũng uống vài ly với tụi nó, nhưng do sức yếu nên đi ngủ sớm, khi thức giấc thì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Tội quá, gia đình đứa nào cũng hoàn cảnh cả...”.

Thái quê ở Vĩnh Long, gia đình có 9 anh chị em, ruộng vườn ít nên cuộc sống cơ hàn, vất vả từ nhỏ. Để thoát cảnh nghèo, Thái cố học để vươn tới chân trời tri thức. Đang học năm thứ hai Trung cấp Công nghiệp 4, Thái đành bỏ dở vì ba má không thể chu cấp. Đầu quân làm nhân viên quán nhậu, Thái nuôi hy vọng tích góp được ít tiền sẽ quay lại hoàn tất chương trình, kiếm tấm bằng mở cánh cửa vào đời...

Gia đình khó khăn, chị gái cũng làm nhân viên một quán ăn nên không thể giúp Hòa đủ tiền ăn học. Hết lớp 12, Hòa xin vào Số Đỏ 2 làm việc. Do thạo vi tính nên Hòa được phân công việc thu ngân với mức lương 2.000.000 đồng/tháng. Gã trai 22 tuổi này cũng từng dự tính sau khi đi làm, tiết kiệm sẽ thi đại học để tìm kiếm công việc ổn định với mức lương cao hơn.

Những giấc mơ đẹp giờ tắt ngúm chỉ vì phút bốc đồng, thiếu kiềm chế do men rượu kích thích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huệ Trinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN