Những giấc mơ bồng bềnh của kẻ tử tội

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Cận kề cái chết thêm yêu tấm lòng người mẹ, y mơ về cõi bồng bềnh quê hương.

Lời bạt: Lưng hắn gù. Hắn đi chúi đầu về phía trước, lộ đôi vai xương xẩu, gầy nhẳng, oằn nặng do phải đỡ thêm bộ khung lênh khênh. Hắn bảo, hình dáng đó là tàn tích của một tuổi thơ trĩu nặng, sớm phải lao động để bươn chải kiếm sống. Sinh năm 1990, gương mặt Triệu Văn Đông già hơn rất nhiều so với tuổi, đặc biệt kể từ khi bị tuyên án tử hình về tội cướp của, hiếp dâm, giết người và bị giam cách biệt trong buồng giam riêng của tử tù tại Trại giam T20 thuộc Công an tỉnh Gia Lai, hắn càng thêm già cỗi. Sự khô héo trong tâm hồn của Đông chẳng khác gì một xác cây khô cằn đợi ngày tàn lụi cận kề, Triệu Văn Đông đã có những phút trải lòng về quá khứ, về tuổi thơ, về những điều hắn để vuột mất khỏi tầm tay trong khi tuổi đời đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất.

Oằn lưng gánh tuổi thơ nhọc nhằn

Theo lời cha mẹ tôi kể lại, quê gốc của chúng tôi là ở Hạ Lang – Cao Bằng, nhưng từ năm 1989, cả nhà tôi đã chuyển vào Đắk Lắk với khao khát xây dựng đời sống kinh tế mới. Từ thuở ấu thơ cho tới khi trưởng thành, mẹ luôn nhắc nhở tôi, dù có đi đâu cũng không được quên gốc tích của mình. Mẹ dạy tôi nhớ tôi là người con của Cao Bằng, là người dân tộc Nùng thứ thiệt. Tôi được “hành hương” về thăm quê bằng trí tưởng tượng qua những lời kể của mẹ. Mẹ kể Hạ Lang quê hương tôi là mảnh đất xinh đẹp, nhưng đất đai cằn cỗi, nhiều núi đá, không thuận tiện cho việc trồng trọt, chăn nuôi. Gia đình tôi tứ đời dựa vào hạt lúa, hạt ngô, đánh vật với cuộc sống chồng chất khó khăn đến đời ba mẹ tôi vẫn nối tiếp lối đi ấy.

Trên tôi có 5 anh chị - 5 cái tàu luôn trong tư thế há miệng, lắp xắp nhau, đua nhau lớn, đua nhau ăn, bào đẽo mồ hôi nước mắt của ba mẹ. Không thể chứng kiến cảnh con cái đói ăn, đói chữ, cha mẹ tôi quyết định di cư tới một vùng đất mới. Mẹ tôi kể lại, chúng tôi di cư giống như những đàn chim bay về phương Nam tránh bão, xa rời mùa đông lạnh giá, nhưng đến mùa xuân, đàn chim ấy được trở về quê hương, nơi chốn, còn chúng tôi, mải miết ra đi và không hẹn ngày trở lại. Nỗi lòng đau đáu giày vò ba mẹ tôi nhiều lắm. Nhưng vì cái nghèo, vì tương lai của các con, ba mẹ không có sự lựa chọn khác. Đắk Lắk – vùng đất đỏ bazan màu mỡ được chọn là nơi ba mẹ đặt những viên gạch tạo dựng cuộc sống mới, kiếm kế sinh nhai, nuôi dạy các con thơ. Ngày ấy, dù đất đai chưa đắt đỏ như bây giờ, nhưng toàn bộ số tiền bán nhà ở Hạ Lang có được, ba mẹ tôi cũng chỉ mua được mảnh đất ven bìa rừng, trồng mì, trồng bắp nuôi anh chị tôi ăn học. Ngày ấy, người miền Bắc di cư vào Tây Nguyên làm ăn, sinh sống rất nhiều, hàng xóm xung quanh tôi đều là người dân miền Bắc vào, thành thử từ nhỏ cho tới khi trưởng thành, mấy anh em tôi vẫn giữ được chất giọng riêng của quê mình, hơi nặng một chút, nhưng rành mạch, rõ ràng.

Cả nhà chuyển vào đó được một năm thì mẹ sinh ra tôi, giữa biết bao bộn bề gian khó và thiếu thốn. Cái tên “Đông” của tôi nhằm khẳng định một điều không mấy vui vẻ trong gia đình, rằng nhà tôi quá đông anh em, dù thời điểm những năm 1989, 1990, Nhà nước đã ban hành chính sách kế hoạch hóa gia đình. Nhiều lần say rượu, trong những lời nhiếc móc của ba, tôi hiểu rằng mình là đứa con không được chào đón. Vì ba mẹ bị “vỡ kế hoạch” nên mới có sự hiện diện của tôi trong cõi đời này. Hình như cũng vì lẽ đó mà mẹ dành tình cảm đặc biệt cho tôi, luôn bênh vực tôi trước sự sỗ sàng, hung hãn của ba và sự ăn hiếp, bắt nạt của các anh chị lớn trong nhà.

Hiểu rõ nỗi ê chề, khổ sở của người dân không biết chữ, ba mẹ tôi cố gắng cho mấy anh em tôi ăn học. Các anh chị dừng ở mức biết hết các mặt chữ rồi cũng đành từ giã bảng đen, phấn trắng, thay vào đó là theo ba, theo mẹ lên rẫy làm cỏ bắp, cỏ mì. Tôi may mắn hơn các anh chị, được học lên lớp 6, sau đó cũng phải bỏ học, ở nhà làm lụng đỡ đần ba mẹ. Đó là năm gia đình tôi lâm vào tình cảnh nghèo khổ, mưa kéo dài, sâu bệnh phát triển, toàn bộ hoa màu của ba mẹ tôi bị sâu bọ phá hoại. Mẹ tôi xót của, công lênh cả một năm trời đổ xuống sông, xuống bể. Mẹ đứng giữa rẫy mì, ôm mặt khóc hu hu, át cả tiếng mưa rơi nặng hạt. Mấy anh em tôi đứng trong lều, đứa bặm môi, đứa bấu chặt vào cánh cửa gỗ, nhìn ra ngoài rẫy, thấy mẹ nhỏ xíu, gầy guộc đứng chơ vơ, cô độc trong cơn mưa gió. Tôi lúc ấy mới hơn chục tuổi, sợ hãi nhìn mẹ mà bật khóc theo. Tôi ngây thơ sợ mẹ tôi bị ông trời “nuốt chửng” lấy, sợ mẹ tôi quỵ ngã không thể quay trở về lều với anh em tôi nữa.

Những giấc mơ bồng bềnh của kẻ tử tội - 1

Tận cùng nghèo khó thêm biết ơn tấm lòng người mẹ. (ảnh minh họa)

Nhưng, quả thật, mẹ tôi là một người phụ nữ giàu khả năng chịu đựng và tiềm tàng sức sống. Lời mẹ nói trong bữa cơm tôi còn nhớ mãi: “Ngày mai mấy mẹ con, ba con mình lại lên rẫy trồng đợt củ mới. Chúng ta không thể gục ngã chỉ vì chuyện cỏn con này được”. Và đúng như những gì mẹ đã nói, mẹ tôi lại hăm hở lên rẫy, lên nương, cầm chiếc cuốc lật tung từng vạt đất, xới cỏ, mở ra một hi vọng mới về cuộc sống bớt nghèo cho mấy đứa con tội nghiệp. Nhưng, trời hay trêu ngươi kẻ khó, vụ mùa tiếp theo chúng tôi vẫn thất thu, đúng dịp có người chú họ ở Gia Lai rủ ba mẹ tôi về đó sinh sống, gây dựng lại cơ nghiệp. Ba mẹ tôi bàn bạc kĩ lắm, người chau mày, người thở dài cả đêm khuya, mấy anh tôi nín thở chờ đợi quyết định của họ. Rời khỏi mảnh đất Đắk Lắk, ba mẹ bịn rịn nhiều lắm, dù sao đó cũng là mảnh đất gia đình tôi một thời gắn bó, oằn mình trong vô vàn khó khăn với bộn bề kỉ niệm.

Tận cùng nghèo khó thêm biết ơn tấm lòng người mẹ

Chuyển tới Gia Lai, gia đình chúng tôi vẫn sống ở ven rừng. Từ đường tỉnh lộ đi tới căn lều nhỏ của chúng tôi phải đi mất ít nhất một giờ đồng hồ nếu là đi xe gắn máy. Còn nếu đi bộ, hẳn sẽ còn mất nhiều thời gian hơn, vì đường vào nhà là con đưởng nhỏ do chúng tôi tự phát cây, mở lối. Lối đi là đất đỏ, mùa mưa, đất mút chặt bàn chân như kéo vít mọi nỗ lực di chuyển của người qua lại. Ngày đầu chưa quen, anh em chúng tôi ngã nhào như đập bị do trơn trượt bánh xe. Lần nào lần nấy về nhà, tay chân cũng xước xát, trầy da, rướm máu, mẹ tôi tìm đâu được thứ cây rừng nhai bỏm bẻm và dí vào vết thương của chúng tôi, nói rằng đó là cây cầm máu. Sau này, sau nhiều lần có kinh nghiệm đi đường rừng, ba mẹ tôi quyết định mua một sợi dây xích quấn chặt vào bánh xe gắn máy. Nhờ sợi dây xích to bản quấn quanh lốp xe, chúng tôi có thể rón rén lái xe đi lại, và nỗi sợ hãi ngã xe, va đập như trước chưa phần nào được xoa dịu. Chúng tôi gọi vui đó là “phát kiến vĩ đại” của những con người không chịu đầu hàng hoàn cảnh.

Cho tới giờ phút này, người tôi muốn nhắc tới nhiều nhất và cũng là người tôi yêu thương, xót xa nhất mỗi khi nhắc tới chính là Mẹ. Trong kí ức tuổi thơ tôi, mẹ là một người đặc biệt. Nói về nỗi khổ của mẹ, thú thật tôi không biết phải dùng từ ngữ nào để diễn tả. Nhà tôi không nhiều đất, vào Gia Lai cũng chỉ đủ đất trồng mì, trồng bắp. Mẹ tôi hôm nào cũng dậy từ 3 giờ sáng, tất bật việc nhà rồi lại cắp chiếc nón lên rẫy lượm nông sản người ta thu hoạch còn sót lại. Mẹ tôi mê mải, cặm cụi làm từ ngày này qua ngày khác, bất kể trời nắng hay mưa, đến mức những người ở đó ban đầu không hiểu chuyện, chê cười và nhìn mẹ tôi bằng ánh mắt dành cho người khuyết tật. Họ giễu mẹ tôi là một người đàn bà tham lam, bù chi bù chút, keo kiệt nhưng họ chưa bao giờ đặt mình vào vị trí của mẹ, phải chèo chống một gia đình có 6 đứa con thơ và một người chồng hay ca thán, mắng chửi, sinh rượu chè cũng chỉ tại số nghèo. Mẹ không giải thích hay phân bua bất cứ điều gì, luôn lặng lẽ, khiêm nhường như thế kể từ khi tôi hơn chục tuổi đầu cho tới lúc trưởng thành. Tôi là con út của mẹ, được mẹ yêu thương và chiều chuộng nhất. Có lần mẹ nói với tôi, đáng lẽ ra mẹ phải nuôi tôi học cao hơn nữa, cho tôi cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy hơn nữa, nhưng chính mẹ cũng bất lực, mẹ có lỗi với tôi. Lần thứ hai mẹ khóc sau lần đứng giữa rẫy mì bữa nọ là lúc tôi ốm liệt giường vì căn bệnh sốt vi rút và trong nhà không có lấy một xu, một đồng cho tôi chữa bệnh.

Sau này, các anh chị tôi lập gia đình và ai cũng có cuộc sống riêng. Có người trong số họ thay tâm đổi tính, ít khi ghé nhà hỏi han ba mẹ, nhưng ba mẹ tôi vẫn vậy, chẳng hề suy suyển một chút nào. Sáng sớm mẹ vẫn cầm chiếc nón rách tươm như xơ mướp lên rẫy mót củ, quả tới tận tối mịt mới trở về nhà. Mẹ quen với khổ sở, nên tôi cảm nhận được rất rõ niềm hạnh phúc của mẹ ánh ngời trong khóe mắt khi lần đầu tiên tôi đưa cho mẹ 300 nghìn – số tiền tôi kiếm được nhờ công việc chăn vịt thuê cho môt người ngoài phố. Chính vì đôi mắt vui mừng, hạnh phúc của mẹ, tôi càng cố gắng làm việc chăm chỉ hơn và kiếm được bao nhiêu tiền đều mang về gửi mẹ. Lớn hơn một chút, tôi làm thuê ở rẫy cà phê cho người ta, khi làm rẫy, khi phát cành, khi bón phân, lúc thu hoạch, nói chung là mùa nào việc nấy, quanh năm chẳng bao giờ hết việc.

Giống như biết bao bà mẹ nông dân khác, quen với khổ sở, sống ngèo túng ngấm sâu vào máu thịt, nên sự “tâm lý” dành cho con cái hầu như không có. Mẹ chưa bào giờ hỏi nguyện vọng của tôi, hỏi tôi thích làm gì, muốn theo đuổi nghề nghiệp như thế nào? Hiểu mẹ, nên tôi chưa bao giờ trách cứ và thường chủ động bày tỏ với mẹ nguyện vọng của tôi. Tôi học lái xe và đã đi phụ xe xuyên huyện Gia Lai, với mong ước thoát khỏi ruộng nương, nhưng sâu xa hơn, tôi ước ao có một ngày có thể lái xe đèo mẹ, trở về thăm mảnh đất Cao Bằng – nới chôn rau cắt rốn của gia đình tôi, nơi mà tôi mới chỉ được biết qua hồi ức lấp lánh nhọc nhằn, hoang hoải của ba mẹ. Nhưng giấc mơ của tôi đứt gánh giữa đường, chỉ vì một phút cuồng dại, không làm chủ được bản thân.

“Có nằm mơ tôi cũng cũng không bao giờ tưởng tượng mình độc ác đến thế.”

Nhà tôi và nhà chị Thủy là hàng xóm của nhau. Chị Thủy sinh năm 1979, là một người có ngoại hình ưa nhìn. Chúng tôi thi thoảng gặp nhau vẫn chào hỏi, trò chuyện thân tình. Chị luôn coi tôi là cậu em trai tốt bụng. Lợi dụng sự sơ hở trong thái độ của chị dành cho tôi, ngày 28/8/2009, từ sáng sớm tinh mơ tôi đã theo chân chị Thủy lên rẫy. Dĩ nhiên, tôi lặng lẽ bám theo chị. Khi tới giữa rừng cà phê, nhân lúc chị không để ý tôi đã lao tới quật ngã chị Thủy và xé bỏ quần áo trên người chị ấy. Người phụ nữ chân yếu tay mềm không thể chống cự lại được sức vóc của gã trai 19 tuổi lên cơn thú tính. Chị Thủy chống cự quyết liệt, gào thét dữ dội, nhưng giữa chốn đồng không mông quạnh ấy, kiếm đâu ra người tới cứu chị. Sợ sự việc bại lộ, tôi giết chị Thủy và lột toàn bộ số trang sức, tiền chị mang theo bên người. Sau khi gây án, tôi chạy thục mạng vào rừng, bừng tỉnh nhận ra bàn tay tôi đã nhúng máu. Tôi không biết mình đã chạy đi đâu, chỉ tới khi tối mịt, tôi mới chịu dừng lại.

Nhưng người ta đã nói “lưới trời lồng lộng, tất có báo ứng”, hành vi tội lỗi của tôi không qua nổi mắt cơ quan điều tra, và tôi bị bắt không lâu sau đó, ngay khi xuất đầu lộ diện. Lúc tôi bị cáo buộc 3 tội danh “giết người”, “hiếp dâm”, “cướp của”, mẹ tôi gào khóc, một mực cho rằng cơ quan chức năng bắt nhầm người. Mẹ tôi nức nở, giọng lạc đi: “Cán bộ nhầm rồi, thằng Đông nhà tôi làm sao có thể phạm tội tày trời ấy được. Nó ngoan lắm, nó làm ra bao nhiêu tiền đưa cả cho tôi. Tấm áo rách nó không biết sắm sanh, đôi dép đứt nếu mẹ không mua cho thì cũng mặc kệ, lành hiền, củ mỉ thế làm sao giết người được?”. Khi tôi lặng lẽ cúi đầu nhận tội và đi theo các cán bộ điều tra về nhà tạm giam của Công an tỉnh Gia Lai, cũng là lúc mẹ tôi ngã quỵ xuống nền đất nện trước lều. Có lẽ, giây phút đó, mẹ đã cảm nhận được tôi rời xa vòng tay mẹ vĩnh viễn.

Tôi đã trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Với tội danh của mình, tôi lường trước được cái án phải mang. Còn nhớ, trong phiên tòa ấy, tôi mỏi cổ dõi về phía sau, tìm kiếm bóng dáng người thân. Mẹ tôi. Ba tôi. Các anh chị tôi. Không một ai xuất hiện. Thời điểm ấy tôi hoang mang, sợ hãi. Cảm giác bị bỏ rơi, bị gạt khỏi gia đình, bị quay lưng bức bách cả tâm trí. Nhưng, sau đó, tự tôi trả lời được tất cả những câu hỏi chất ngất trong lòng. Ba mẹ tôi không tới vì ông bà đã già rồi, họ quá nghèo khổ để có thể lo chi phí tàu xe đi lại. Nhưng, tôi trách các anh chị tôi lắm, dù tôi có là kẻ tội đồ, nhưng vẫn cùng chung giọt máu với các anh chị. Từ ngày ra ở riêng, họ lạnh nhạt với tôi và ba mẹ. Tình cảm anh em ruột thịt cứ vậy mà trở nên xa cách, nhạt nhòa. Tôi bị tuyên án tử hình – dấu chấm hết cho một kẻ ngông cuồng, hủy hoại cuộc đời mình trong gang tấc.

Những giấc mơ bồng bềnh của kẻ tử tội - 2

Cô đơn đợi sự khoan hồng trong vô vọng (ảnh minh họa).

Sau khi bị tuyên án, các cán bộ giải tôi về giam giữ ở Trại T20 thuộc Công an tỉnh Gia Lai. Thời gian đầu, do tâm lý không thông, nghĩ rằng chẳng có bất cứ cơ hội nào để sống, tôi tiêu cực, thường xuyên bỏ bữa, đêm đêm gào thét, phá rối trật tự buồng giam. Nhưng, sau nhờ các cán bộ quản giáo động viên, phổ biến nội quy của trại và hướng dẫn tôi viết đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước, tôi nhận ra rằng mình vẫn còn cơ hội sống, cho dù nó rất mong manh. Tôi dạy cho mình một suy nghĩ: Nếu còn có thể hi vọng thì hãy cứ hi vọng, chẳng ai có quyền cấm cản ước mơ của mình. Nhưng, kỳ vọng của tôi được ân xá của Chủ tịch nước, thoát khỏi tội chết tôi cũng không quá lớn lao, bởi với tội danh của mình, tôi hiểu rằng cơ hội dành cho mình vô cùng nhỏ nhoi. Hi vọng quá nhiều rồi sau không đạt như kỳ vọng, sẽ dẫn tới hố sâu của tuyệt vọng. Chỉ biết rằng, tôi đang trân trọng mỗi giây phút đi qua trong đời. Vào tù, một mình nơi buồng giam cách biệt với thế giới, tôi mới hiểu thấm thía giá trị của tự do, giá trị của sự sống – thứ mà tuổi trẻ ngông cuồng không biết bảo vệ. Có thể, sẽ có một ngày tôi phải vĩnh biệt cuộc đời này. Có thể là ngày mai, ngày kia, hoặc một ngày nào đó không quá xa… nếu như đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước của tôi không được chấp thuận, nhưng qua đây, tôi muốn gửi một lời tri ân tới cuộc đời, tới mẹ của tôi. Tôi từng là niềm tự hào của mẹ, là đứa con được mẹ yêu thương nhất, gần gũi nhất, nhưng chính tôi, chưa kịp báo hiếu cho mẹ lúc xế chiều, lại mang tới cho mẹ nỗi đau không bao gột rửa được. Tôi không bao giờ trách mẹ vì không đến dự phiên tòa xét xử tôi, cũng chưa từng ghé vào trại thăm nuôi tôi. Trái lại, tôi là đứa con bất hiếu. Tôi càng đau xót hơn nghĩ đến mẹ ngày càng già yếu và căng mình trong muôn vàn khó khăn cùng tai tiếng về đứa con trai sát nhân, tàn ác. Làm sao tôi có thể tạ lỗi với mẹ đây?

Không hiểu sao từ ngày bị bắt, tôi hay mơ màng về những con đường dốc cao thẳng đứng, chơi vơi, bồng bềnh giữa ngàn mây ở Hạ Lang quê hương tôi – nơi tôi chưa từng được đặt chân đến. Đó cũng là điều hối tiếc nhất của một kẻ tử tội như tôi: không hề biết mặt quê hương, nơi chốn của mình, và có thể khi chết sẽ nằm lại nơi đất khách xa xôi này. Quản giáo của tôi bảo tôi hãy cứ mơ đi, biết đâu phép màu lại xuất hiện, quê hương xa xôi kia trở thành nguồn động lực lớn lao để tôi không ngừng mơ ước thì sao. Cán bộ nói đúng.

Người ta thường bảo, đối với một tử tù, một mình trong bốn bức tường giam chật chội sẽ hoàn toàn mất các ý niệm về thời gian, lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày, vật vờ như con “ma sống”. Nhưng với tôi lại khác, tôi cảm thức rất rõ về từng giây phút trôi qua. Có đôi khi chỉ là tiếng gà gáy sáng xa xôi từ buôn làng nào đó lạc vào sau song sắt, đánh thức giấc ngủ chênh vênh của tôi, tự khắc như có một luồng điện chạy dọc cơ thể, tôi bừng tỉnh và tự nhủ thầm: “Được sống thêm một ngày”. Một ngày sống đối với kẻ tử tù như tôi chẳng gì có thể so sánh được. Và biết bao buổi sớm bình minh đó, tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi thêm một ngày được tồn tại trên cõi đời và tiếp tục hi vọng về một kết cục tốt – đẹp – nhất cho bản thân trong hoàn cảnh lao lý này.

Tôi của hôm nay đã khác rất nhiều “tôi” của 3 năm trước. Tôi biết lắng lòng để suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, về mẹ, về những người thân. Và càng ngộ ra biết bao điều tươi đẹp của hồi ức, tôi lại càng nuối tiếc về hiện tại và tương lai. Một lời cuối cùng, chỉ cầu mong một kết cục tốt đẹp nhất sẽ đến với tôi, và trong tôi, ngọn lửa hi vọng vẫn bập bùng soi rọi.

Kết

Ai đó từng nói rằng: “Nhìn về phía mặt trời, bóng tối đã bị đẩy lùi về phía sau lưng”. Qua cuộc trò chuyện cùng Triệu Văn Đông – kẻ tử tù phạm 3 tội nghiêm trọng, chí ít tôi cảm thấy không quá nặng nề. Lòng hắn u uẩn, nhưng tư tưởng hắn đã được đả thông. Hắn bị tuyên án tử và không biết cái chết sẽ đến vào lúc nào, nhưng hắn không ngừng hi vọng về một cơ may được sống. Số phận của Triệu Văn Đông không biết sẽ ra sao ở tương lai, nhưng bản án của hắn là lời cảnh tỉnh dành cho tất cả cho những ai không biết giữ mình, để phần CON lấn át và ngự trị phần NGƯỜI. Sai lầm ấy sẽ phải trả giá cái giá rất đắt, thậm chí bằng chính mạng sống của mình, đó là luật nhân – quả ở đời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Đỗ Miêu ([Tên nguồn])
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN