Từ biệt giam đến pháp trường

Ngay cả những tên giang hồ khét tiếng khi ra pháp trường cũng run sợ tột độ.

Trường bắn Long Bình, Q9, TPHCM rộng 7ha, với 600 ngôi mộ chính là nơi Năm Cam, Tăng Minh Phụng, Phạm Huy Phước... đã bị trừng trị bằng án tử hình. Nhiều năm tìm hiểu về án tử và gặp gỡ các nhân chứng, phóng viên đã ghi nhận được những thông tin mới nhất, liên quan đến pháp trường.

Kỳ 1: GIỜ HÀNH HÌNH ĐÃ ĐIỂM

Ngày nhận bản án tử hình từ chủ tọa phiên tòa, những kẻ giết người, buôn ma túy... như muốn quỵ ngã. Khi Chủ tịch nước bác đơn xin giảm án của tử tù thì thời khắc phải đền tội của họ đang đến rất gần...

Giây phút cuối cùng

Tại Sài Gòn, Trại giam Chí Hòa chính là nơi tử tù sống những ngày hiếm hoi còn lại. Khám Chí Hòa được thực dân Pháp xây từ năm 1943 nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn (hiện nay là Trung tâm lưu trữ, nằm cạnh ngã tư Lý Tự Trọng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Trại giam Chí Hòa được thiết kế rất đặc biệt, với nhiều khu riêng biệt như một mê cung mà tội phạm không thể thoát thân. Với hệ thống tường cao bao quanh, nhiều lần cửa sắt, nơi đây được xem là bát quái trận đồ. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu xây bịt kín ở phía ngoài, còn bên trong toàn song sắt và mỗi khu có bốn buồng giam. Ở giữa bát quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20 mét, trên đó có bể chứa nước và chòi canh. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.

Từ biệt giam đến pháp trường - 1

Ba hung thủ bị tử hình cùng một ngày

Trước năm 1975, chỉ có tên tội phạm khét tiếng Điền Khắc Kim trốn được bằng cách cưa còng, khoét tường rồi xé quần áo bện làm dây, tụt xuống... và trốn thoát. Sau giải phóng, Phước “tám ngón” (tên thật là Nguyễn Hữu Thành, SN 1972, bị tử hình năm 1998) là kẻ có một không hai trốn được vào đêm 26-3-1995.

Bác sĩ Nguyễn Văn Liệu - Phó giám đốc Bệnh viện Chí Hòa - cho biết, hiện có hơn 1.000 phạm nhân bị giam giữ. Trong nhiều năm qua, Trại giam Chí Hòa đã rất nỗ lực để bảo đảm sức khỏe cho phạm nhân, trong đó có nhiều tử tù đang đợi thi hành án.

Trại giam Chí Hòa gồm ba tầng, tầng một dành riêng cho phạm nhân nữ, tầng hai là tù chính trị, tầng ba giam thường phạm. Riêng khu tử tội thì được gọi là biệt giam. Trước đây, tội phạm ở khu này thường ngủ ngày và thức đêm bởi 2 - 3 giờ sáng, nghe tiếng quản giáo kéo cửa xà lim là chúng biết sắp phải ra pháp trường. Còn không bị đánh thức, tử tù vô tư ngủ vì họ biết sẽ được sống thêm một ngày.

Nếu bị dẫn giải tới một phòng đặc biệt vào trước lúc bình minh ló dạng, tử tù sẽ được nghe đọc quyết định thi hành án và viết lời trăng trối gửi người thân trước sự chứng kiến của đại diện viện kiểm sát, tòa án và công an. Sau đó, chúng được lăn tay, ăn bữa cuối cùng như một bữa sáng gồm: bánh mì, bánh bao, đùi gà, nước ngọt. Thường thì tử tù không ăn nổi vì chỉ còn vài chục phút nữa là sẽ không được tồn tại trên cõi đời này. Làm xong thủ tục, tử tội sẽ được đưa lên xe bịt bùng, nhằm thẳng hướng trường bắn Long Bình, Q9 để thi hành án tử.

Đạn đã lên nòng

Những người dân sống dọc ngã ba Lâm Viên đến Khu du lịch Suối Tiên, phường Long Bình, Q9 đã quá quen thuộc với tiếng còi hú của xe đặc chủng cảnh sát dẫn giải tử tù. Vì tò mò, người dân thường kéo tới trường bắn rất đông để xem. Tuy nhiên, họ bị cách ly phía ngoài bằng hàng rào. Bên trong là nơi hội đồng thi hành án làm việc.

“Tử tù mặc bộ quần áo sọc trắng đen của nhà giam, bị bịt mắt, khi bước xuống xe hầu hết đều chết lâm sàng vì... sợ. Có kẻ đi không nổi, người mềm như cọng bún, báo hại hai cảnh sát dẫn giải phải vất vả đưa ra vị trí cột mục tiêu. Ngay cả gã giang hồ Phước “tám ngón” vùng vẫy một thời, nhưng khi bị trói vào cột bắn cũng bị... ướt cả quần” - bà Thu, nhà gần trường bắn, kể.
Tử tù sẽ được cột chặt hai tay vào cột gỗ. Khi vị chủ tịch hội đồng thi hành án đanh thép đọc quyết định bác bỏ đơn xin giảm án của Chủ tịch nước xong thì đội hành quyết sắp hàng đi tới trước cột bắn.

Năm chiến sĩ thi hành án răm rắp làm theo lệnh của vị đội trưởng. Họ giương lê, tiến một bước, đặt ngón trỏ vào vòng cò và nổ súng. Sau năm loạt đạn khô khốc, vị đội trưởng sẽ móc súng ngắn đeo bên hông, chĩa thẳng vào màng tang (cạnh lỗ tai) của tử tù và bóp cò.

Từ biệt giam đến pháp trường - 2

Hiếm hoi có người thân đến viếng mộ tử tù

Khi thực hiện xong mệnh lệnh, đội hành quyết lập tức lên xe bịt bùng để rời khỏi trường bắn. Nhiệm vụ tiếp theo là của những người ở lại. Một chiếc hòm được khiêng tới đặt sát bên cột bắn, rồi được dựng ngược khoảng 30 độ để “hứng” xác tử tù sau khi bị cắt dây trói từ cột bắn. Bác sĩ pháp y dùng đèn pin soi vào hai mắt tử tù rồi đóng nắp quan tài. Quan tài của tử tù được khiêng tới huyệt cách đó vài chục mét để lấp đất. Gia đình tử tù lúc này mới được phép xuất hiện, họ than khóc và cúng trái cây cho tử tù. Nếu người thân của tử tù khá giả, họ sẽ thuê người xây mộ xi măng còn không thì tử tù sẽ nằm trong những mộ đất hoang lạnh. Sau khi hạ huyệt, nấm mộ tử tù được gắn một chiếc bảng có ghi tên tuổi, tội danh, tử hình ngày mấy và cắm ngay lên mộ đất.

Thông thường trước khi tuyên án tử thì chiều hôm trước, tại trường bắn Long Bình nơi hai cây cột phía đối diện nghĩa địa, đội phu trường bắn đã đào huyệt sẵn. Trước đây, ông Ba Phương, T. mập là người có thâm niên nhất trong nghề nhưng các ông đã truyền nghề lại cho các đệ tử.

Nhiều nguồn tin cho rằng, nếu tử tù bị bắn nhưng không chết thì được... cho sống. Tuy nhiên, khi có mặt tại nhiều trường bắn ở các tỉnh thành trong cả nước, các chiến sĩ thi hành án tử đều nói rằng đó là chuyện phịa vì với 25 viên đạn và thêm một viên “ân huệ” thì không có ai đủ “mình đồng da sắt” mà chịu đựng nổi. Tại Hà Nội, tử tù bị bắn ở trường bắn Cầu Ngà; TP. Quy Nhơn thì được bắn dưới chân núi bà Hỏa, phường Ngô Mây...

Một chiến sĩ cơ động tiết lộ, trước năm 2000 tại TPHCM, nhiệm vụ thi hành án tử do Phòng Cảnh sát bảo vệ thực thi nhưng sau đó được chuyển giao cho Trung đoàn Cảnh sát cơ động. Ngoài Hà Nội và TPHCM là những thành phố đặc biệt có trung đoàn cảnh sát cơ động, các tỉnh thành còn lại chỉ có đại đội cơ động thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ. Để tránh trạng thái tâm lý nặng nề cho các chiến sĩ đa số là nghĩa vụ, các chiến sĩ trong 4 tiểu đoàn của trung đoàn đều thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Đội hành quyết gồm 6 người, do một đồng chí can đảm nhất làm đội trưởng.

Đám tang tập thể

“Guinness” trường bắn thuộc về Năm Cam và đồng bọn. Vì đây là các đối tượng giang hồ cực kì nguy hiểm nên chúng được bắn gục từ rất sớm thay vì lúc 6 giờ sáng như người khác. Ngày 12-12-2002, Năm Cam bị bắt thì đến ngày 3-6-2004, y cùng bốn đệ tử là Châu Phát Lai Em (phạm tội giết người, đánh bạc), Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Việt Hưng, Phạm Văn Minh (Minh Bu - chồng của Hà Trề) bị tử hình về tội giết người.

Sáng sớm 3-6-2004, khi Trương Văn Cam và đồng bọn phải trả giá về tội ác do mình gây ra, các chiến sĩ công an đã phải bỏ ra nhiều công sức. Từ Trại giam Tiền Giang, chúng được dẫn giải bàn giao cho khám Chí Hòa lúc ba giờ sáng, sau đó được đưa thẳng ra trường bắn Long Bình. Để tránh bị người hiếu kì dòm ngó và lường trước được sự lộn xộn, CATP quyết định bắn năm tên sớm hơn dự định. Từ tối hôm trước, hàng trăm cảnh sát đã có mặt dọc xa lộ Hà Nội để làm nhiệm vụ. Các tên thủ ác bị bắn khi bình minh chưa ló dạng. Năm tên được dẫn vào vị trí, sắp thành hàng ngang theo thứ tự: Phạm Văn Minh, Trương Văn Cam, Châu Phát Lai Em, Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Hữu Thịnh.

Ngoài băng đảng xã hội đen Năm Cam thì nhiều tên sát thủ cũng bị bắn một ngày như: Trần Huệ Mẫn (sinh ngày 28-6-1975), Trần Huệ Bình (sinh ngày 1-9-1970), từ trần ngày 11-5 Ất Dậu (17-6-2005). Lật lại cáo trạng của hai chị em tử tù này, người ta căm phẫn và đau xót. Căm phẫn vì cả hai đã giết chết một người phụ nữ nước ngoài để lấy tiền, vàng... Họ ra đi khi còn trẻ, lại là chị em trong cùng một gia đình, bị pháp luật trừng trị cùng ngày.

Có những nấm mộ chôn ba người bị bắn cùng một ngày: Tô Điền Thái Minh, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Quốc Cường vì tham gia vào vụ án “chợ ma túy trên sông Sài Gòn”, bị bắn năm 2005. Theo cáo trạng, đường dây gieo rắc cái chết trắng do Cù Thị Ngọc Hạnh, 34 tuổi (biệt danh Hạnh “hô”, ngụ hẻm 51 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TPHCM) cầm đầu. Tay chân của thị gồm rất nhiều thanh niên. Tô Điền Thái Minh đã thuê Nguyễn Hữu Hậu, Nguyễn Hùng Phi và Nguyễn Thanh Hải mua bán tổng cộng 1.254 gram heroin và 3.900ml tân dược gây nghiện; Nguyễn Quốc Cường, Cù Thị Ngọc Châu thuê Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Út, Nguyễn Thanh Ngọc, Từ Thành và Văn Công Phương mua bán tổng cộng 1.239,15 gram heroin, 990 miếng thuốc phiện và 11.180ml tân dược gây nghiện.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo AN HÒA ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN