Nhiều cái chết do lỗi của bị hại

Với những hành vi phạm tội, trước vành móng ngựa, các bị cáo đều phải trả giá đắt. Tuy nhiên, ẩn khuất bên trong vụ án, ít ai biết được rằng, để xảy ra chuyện “đã rồi” thì nguyên nhân lại có một phần của người bị hại…

“Sai một ly, đi vào... tù”

Giữa năm 2008, người đẹp vùng cao Lê Thị Bình (SN 1985, trú tại xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), rời quê xuống Hà Nội xin vào một cửa hàng cắt tóc trên phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Thời gian ở đây, Bình quen và yêu anh Hoàng Trung H (SN 1978, trú tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên).

Sáng 10/11/2008, Bình gặp anh H cùng tới nhà nghỉ. Sau khi hai người quan hệ tình dục, anh H hỏi chuyện và biết gia đình Bình chưa biết về mối quan hệ tình cảm của cả hai nên đã buột miệng nói: “Thế thì tốt, không thì lại to chuyện”. Nghe thế, Bình trằn trọc không sao chợp mắt. Chờ anh H ngủ say, Bình ra tay kết liễu sinh mạng người tình bằng những nhát dao lạnh lùng. Tại phiên xử diễn ra vào cuối năm 2009, HĐXX đã tuyên phạt Bình 18 năm tù và nhận định, vụ án đau lòng trên trước hết cũng có một phần lỗi của bị hại. Sụp xuống ghế, nói trong nước mắt, Bình xin HĐXX hãy tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.

Ngày 14/9 vừa qua, Khuất Văn Tục (SN 1966, trú tại thôn Đoàn Kết, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây) cũng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù về tội “Giết người”. Câu chuyện đưa đẩy Tục từ một người nông dân hiền lành chất phác, trở thành một tên tội phạm cũng hết sức nhỏ nhặt. Vốn làm nghề mở nhà hàng kinh doanh thịt chó, tối 1/3/2012, hai chú cháu Lê Văn Phương và Lê Quang Vinh (cùng ở xã Thạch Quán, huyện Quốc Oai) cùng 4 người bạn đến quán ăn nhậu. Sau khi đủ “điện”, Phương gọi bà Đỗ Thị Huệ (vợ Tục) ra thanh toán rồi hai bên xảy ra mâu thuẫn. Bà Huệ bị Phương ném chiếc ĐTDĐ vào mặt, nhưng không trúng. Phương tiếp tục dùng ghế nhựa đánh bà Huệ, khiến người này phải chạy vào bên trong, gần chỗ chồng đang pha thịt chó. Thấy khách đánh vợ, Tục nói: “Các anh ăn hàng đã không trả tiền lại còn đánh vợ tôi”? Nghe thế, Phương liền cầm chiếc áo len vắt trên vai vụt Tục. Sẵn con dao thái thịt trong tay, Tục liền “xiên” bừa vào người khách. Thấy Phương loạng choạng, Tục vội hô hào vợ, con gọi taxi đưa anh này đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên anh Phương đã chết ngay sau khi được đưa đến bệnh viện, còn Tục đến cơ quan Công an đầu thú.

Từ bị hại thành bị cáo

Theo Thẩm phán Nguyễn Hồng Hạnh (cán bộ TAND TP Hà Nội), nhiều vụ án được đưa ra xét xử cho thấy, nguyên nhân xảy ra vụ việc bắt nguồn do lỗi từ phía bị hại. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì đó chỉ là một trong những tình tiết được HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo phạm tội đến đâu sẽ bị pháp luật trừng trị đến đó. Viện dẫn quan điểm này, Thẩm phán Hạnh đưa ra ví dụ: Cũng chính vì thế, tại phiên xử Khuất Văn Tục, bị truy tố phạm tội giết người, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX đã chấp nhận chuyển khoản truy tố Tục theo quy định theo điểm n, khoản 1, Điều 93 BLHS là giết người mang tính chất côn đồ và có khung hình phạt từ cao nhất là tử hình xuống khoản 2 của Điều 93 BLHS, có khung hình phạt tù từ 7 đến 15 năm tù. HĐXX cũng xác định, lỗi trong trường hợp này là do bị hại, khiến bị cáo bị kích động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Quang (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN