Người tâm thần nhăm nhe gây họa

Hàng loạt vụ thảm sát do người tâm thần gây ra gần đây khiến dư luận càng lo ngại về việc quản lý các đối tượng này

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 6.000 trường hợp mắc bệnh tâm thần. Thế nhưng, chưa đầy 20% trong số này được điều trị tại các trung tâm, bệnh viện (BV) tâm thần.

80% người tâm thần ở cộng đồng

Trong khi đó, theo thống kê của BV Tâm thần tỉnh Quảng Nam, gần 7.500 người ở tỉnh này mắc bệnh tâm thần. Bác sĩ (BS) Võ Quang Thiều, Giám đốc BV Tâm thần tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh dù số lượng nhiều như vậy nhưng BV chỉ có thể điều trị nội trú thường xuyên cho khoảng 100 người. Ngoài 200 người bệnh khác đang được chăm sóc ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần của tỉnh thì số còn lại hiện điều trị ngoại trú ở cộng đồng.

Dù nói là điều trị ngoại trú nhưng hầu như các bệnh nhân ở cộng đồng không được sử dụng thuốc thường xuyên. Nếu không có thuốc, các bệnh nhân rất dễ tái phát bệnh nên tình trạng người tâm thần gây họa cho cộng đồng trong thời gian qua là điều dễ lý giải.

Theo BS Thiều, trước đây, các bệnh nhân ở cộng đồng được cấp thuốc theo chương trình mục tiêu quốc gia nhưng gần đây, chương trình này không còn trong khi BV không có kinh phí. Việc duy trì mạng lưới cộng tác viên ở cộng đồng và cấp thuốc cho người bệnh cũng gặp khó.

Ở Nghệ An, toàn tỉnh có gần 14.000 đối tượng liên quan đến các dạng khuyết tật thần kinh tâm thần đang được điều trị ngoại trú. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ thảm sát do người tâm thần gây ra. Từ tháng 10-2015 đến tháng 7-2016, tỉnh này xảy ra gần 20 vụ trọng án liên quan đến người tâm thần.

Riêng tại Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), ông Bùi Thế Hùng, giám đốc viện, cho hay hiện nơi đây có gần 400 bệnh nhân là can phạm đang phải điều trị bắt buộc dưới sự quản lý của cả công an, viện kiểm sát. Đây là nơi điều trị bệnh bắt buộc và cũng là cơ sở giám định tâm thần, làm rõ hành vi của bị can trong quá trình gây án.

Người tâm thần nhăm nhe gây họa - 1

Hiện trường vụ án mạng tại Hà Giang

Người tâm thần nhăm nhe gây họa - 2

Nghi phạm Phù Minh Tuấn bị lực lượng chức năng bắt giữ Ảnh: Đoàn Tuấn

Chưa quy trách nhiệm cụ thể

Gần đây, nhiều vụ trọng án đã xảy ra, không ít người bỗng mất mạng chỉ vì đối tượng thực hiện hành vi đang mắc bệnh tâm thần.

Mới đây nhất, ngày 1-12, Công an tỉnh Hà Giang đã bắt giữ Phù Minh Tuấn (SN 1984; trú tại thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình). Nghi phạm đã sát hại bố ruột và 3 người thân trong gia đình. Đáng chú ý, nghi phạm Tuấn có tiền sử mắc bệnh tâm thần nặng. Cuối năm 2014, Tuấn đã ra tay giết chính con ruột của mình. Sau đó, cơ quan chức năng đã đưa Tuấn đi điều trị bắt buộc tại BV Tâm thần trung ương (Hà Nội). Ngày 7-7, Tuấn được BV kết luận đã khỏi bệnh nên cho xuất viện về địa phương và tiếp tục gây ra án mạng.

Trước hàng loạt vụ thảm sát do người tâm thần gây ra, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, cho biết ông đã gặp nhiều trường hợp các bị can, bị cáo là người bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, gây ra hậu quả chết người hết sức đau lòng và thương tâm. Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi họ chưa phạm tội.

Theo luật sư Thơm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

“Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải dựa trên sự tự nguyện của gia đình. Nó còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh tâm thần. Điều này khiến nhiều người hết sức lo lắng về việc quản lý người bị bệnh tâm thần trong xã hội, đặc biệt sau các vụ trọng án gần đây” - luật sư Thơm băn khoăn.

Trong khi đó, BS La Đức Cương - Giám đốc BV Tâm thần trung ương, Trưởng Ban Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu y tế quốc gia - khẳng định Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo về quản lý bệnh nhân tâm thần. Dự thảo sẽ quy định cụ thể về các dấu hiệu nguy hiểm bắt buộc phải nhập viện điều trị. Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, chính quyền trong việc tham gia đưa người tâm thần đi điều trị bắt buộc. Chính vì không có quy định cụ thể về trách nhiệm nên có thể chính quyền địa phương cũng “không dám” ép người tâm thần đi BV khi họ tái phát bệnh.

“BV cũng đã một vài lần giúp gia đình đưa bệnh nhân tâm thần đi điều trị theo yêu cầu. Tuy nhiên, mẹ đồng ý mà vài người trong gia đình hoặc chính bệnh nhân không đồng ý. Sau đó, họ quay sang kiện BV về việc lấy văn bản nào, quy định nào để cưỡng ép họ đi điều trị…” - BS Cương dẫn chứng.

Với khoảng 80% bệnh nhân tâm thần mạn tính được quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng thì vẫn có tới 50% hay tái phát, 25%-30% thỉnh thoảng tái phát. Vì vậy, theo BS Cương, các gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh tâm thần hoặc đã bị bệnh và tái phát bệnh thì cần sớm đưa người bệnh đi khám, điều trị. Càng sớm điều trị, người bệnh càng chóng ổn định và tỉ lệ khỏi bệnh hoàn toàn càng cao, tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường

Khi người tâm thần gây ra án mạng, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, thì căn cứ điều 104 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định quyết định khởi tố vụ án hình sự. Sau đó, cơ quan chuyên môn sẽ đưa nghi can đi giám định về thần kinh để xác định năng lực điều khiển hành vi. Kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp:

Thứ nhất, nếu nghi can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. Tuy nhiên, hành vi phạm tội sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu nghi can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra và chuyển hồ sơ cho VKSND cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh rồi bàn giao cho gia đình và địa phương.

Tuy nhiên, Bộ Luật Dân sự đã quy định rõ: Khi người bị bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó trở thành người giám hộ và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo điều 606 Bộ Luật Dân sự.

Thượng tá Đặng Văn Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi:

Án mạng xảy ra, khó xử lý

Thời gian qua, có nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến người tâm thần ở Quảng Ngãi. Do chưa có quy định, chế tài bắt buộc người bị tâm thần đi chữa bệnh khi chưa gây án nên nhiều vụ án dù nghiêm trọng nhưng khó xử lý. Người thân cứ để người bệnh tâm thần sống chung với cộng đồng, rất nguy hiểm đối với người xung quanh.

Ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa:

Thiếu một chỉ huy

Ngành y tế sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để điều trị những trường hợp bị bệnh tâm thần lang thang cơ nhỡ. Điều quan trọng là tổ chức nào đứng ra tập hợp những người này lại để đưa đi chữa trị? Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp với ngành lao động - thương binh - xã hội, các trung tâm bảo trợ trẻ em, người lang thang cơ nhỡ và nhất là sự quản lý của chính quyền địa phương có người tâm thần sinh sống.

Bác sĩ Võ Quang Thiều, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Nam:

Lỗi của gia đình

Khó khăn nhất đối với người bị tâm thần chính là sự bỏ mặc không chỉ của xã hội mà của cả gia đình. Nhiều bệnh nhân được đưa đến BV rồi bỏ mặc, không ai quan tâm; đến khi điều trị đỡ bệnh thì không có người thân đến nhận, họ đành phải đi lang thang ngoài xã hội rồi lại tái phát. Ngoài những bệnh nhân gây án bắt buộc phải điều trị thì chưa có luật nào bắt buộc các bệnh nhân phải điều trị. Bởi vậy, nhiều trường hợp điều trị chưa đến đâu thì gia đình xin về nhà, BV có thuyết phục cũng chẳng được

Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng:

Bệnh viện cũng khổ sở

Hiện tại, các cơ sở điều trị người tâm thần gặp nhiều khó khăn. Đối với các bệnh nhân này thì việc chăm sóc và điều trị rất phức tạp do họ hung hãn, không hợp tác. Không ít lần bệnh nhân gây thương tích cho cán bộ y tế. Đưa ra ngoài xã hội thì các bệnh nhân này gây nguy hiểm cho cộng đồng, ở BV thì phá phách, đánh cán bộ y tế nên chúng tôi điều trị rất khổ sở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hưởng - Ngọc Dung - Tử Trực - Trần Thường - Kỳ Nam (Người lao động)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN