Nghi vấn công an phường “ém” vụ cướp giật

Nạn nhân bất ngờ trước biên bản ghi lời khai có chữ ký lạ hoắc trong báo cáo của công an phường gửi cấp trên.

Bà Lê Hoàng V kể, ngày 7.5 bà và một người bạn đang ngồi uống nước trong khuôn viên khu văn phòng cho thuê 18/57B Nguyễn Cửu Vân (phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì bất ngờ một người từ ngoài đi vào giật chiếc điện thoại và túi xách của bà đang để trên bàn rồi tháo chạy. Sự việc được camera an ninh của tòa nhà quay lại, ghi rõ gương mặt kẻ cướp giật.

Số tài sản bị cướp giật bao gồm một điện thoại iPhone 6 (trị giá 16 triệu đồng), một laptop (trị giá khoảng 12 triệu đồng) và một ví tiền có gần 5 triệu đồng tiền mặt cùng một số giấy tờ tùy thân.

“Giả chữ ký và khai báo sai”

Ngay sau đó, bà cùng người bạn chứng kiến mang đoạn clip đến Công an phường trình báo. Nhưng suốt một thời gian dài Công an phường vẫn không thông báo hoặc mời bà đến làm việc. “Tuy vậy, may mắn là một người bạn đã mang đoạn clip này cung cấp cho Công an quận và sau đó các anh Công an quận đã tóm được kẻ cướp giật” - bà V kể.

Theo đó, gần một tháng sau vào ngày 29.5, bà V được Công an quận Bình Thạnh thông báo đã bắt được hai người tình nghi nên đề nghị bà hôm sau lên nhận dạng.

“Tối đó, Công an quận thông báo thì khoảng 23h cùng ngày, một người gọi điện thoại cho tôi nói là CSKV đề nghị tôi đến trụ sở Công an phường ký giấy tờ liên quan đến vụ trộm cướp. Nhưng do lúc này đã khuya, nhà lại có việc nên tôi không đến” - bà V nói và chìa ra màn hình cuộc điện thoại với ba cuộc gọi (từ số 0937021...) liên tiếp trong khoảng thời gian từ 23h đến gần 24h.

Cũng theo bà V, sáng 30.5, bà đến trụ sở Công an quận Bình Thạnh theo thông báo trước đó. Tại đây, điều tra viên đưa ra tờ khai do Công an phường lập lúc 22h30 ngày 29.5 có nội dung bà V không nhận dạng được người cướp giật. Bà V lộ vẻ ngạc nhiên nên được các điều tra viên cho xem tờ khai thì bà càng bất ngờ hơn vì trong tờ khai (nói là lập tại trụ sở Công an phường) có chữ ký của bà.

“Thực tế đây không phải là chữ ký của tôi. Trước đó, khi tôi đến Công an phường trình báo thì công an cũng chỉ ghi nhận sự việc chứ tôi không ký bất kỳ giấy tờ nào cả” - bà V khẳng định.

Nghi vấn công an phường “ém” vụ cướp giật - 1

Nhân chứng (trong ảnh) cùng bà V đến Công an phường 17, quận Bình Thạnh trình báo bị cướp giật. (Ảnh do bà V cung cấp)

Nghi vấn công an phường “ém” vụ cướp giật - 2

Chân dung nghi can (trái) và số điện thoại 0937021... (theo xác minh của phóng viên là của CSKV) gọi bà V nhiều lần đề nghị đến phường “bổ túc” hồ sơ khi hay tin vụ án được phá. Ảnh: CTV

Yêu cầu báo cáo rồi “soi” vụ việc

“Theo tôi được biết thì Công an phường không báo cáo vụ cướp giật này cho cấp trên. May mắn là bạn tôi đã cung cấp thông tin, clip cho Công an quận và sau đó Công an quận bắt được thủ phạm. Điều này cho thấy nếu không có đoạn clip này thì nếu có bắt được kẻ cướp giật cũng rất khó xử lý. Trong khi đó, việc Công an phường lập hồ sơ với chữ ký của tôi bị làm giả là điều rất khó hiểu, đồng thời lời khai báo “không nhận dạng được người cướp giật” trong hồ sơ cũng hoàn toàn trái với thực tế. Hôm đó, tôi có thấy người thanh niên này vào nhưng nghĩ anh ta vào uống nước nên không cảnh giác. Mặt khác, sau đó tôi có xem lại clip ghi rõ khuôn mặt thủ phạm thì không thể nói là không biết được” - bà V khẳng định.

Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, phóng viên đã liên hệ với Công an phường 17 và Công an quận để xác minh sự việc. Tuy nhiên, đến phường thì được chỉ lên quận và sau nhiều lần liên hệ, lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh mới bút phê chuyển cho Đội Điều tra tổng hợp trả lời.

Theo Trung tá Lê Xuân Hòa - Đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Bình Thạnh, sự việc đã được công an phường báo cáo. Từ đó, hình sự quận trong lúc tuần tra mới phát hiện hai thanh niên có biểu hiện nghi vấn nên mời về làm việc và hai người này khai nhận đã giật túi xách, điện thoại của bà V.

“Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi cướp giật tài sản. Việc bà V phản ánh Công an phường giả chữ ký của bà để báo cáo mới là phản ánh một chiều, chưa thể nói Công an phường sai được. Tuy nhiên, Công an quận sẽ yêu cầu Công an phường báo cáo và sau đó Công an quận sẽ thanh tra toàn bộ quá trình tiếp nhận sự việc của Công an phường” - trung tá Hòa khẳng định.

Ông Hòa cũng cho biết thêm theo quy trình thì Công an phường phải có trách nhiệm tiếp nhận tất cả tố giác của người dân và báo cáo lên Công an quận. Nếu không tiếp nhận và trình báo lên Công an quận là sai.

“Ém” thông tin để làm gì?

Theo quy định thì Công an phường phải tiếp nhận tất cả trình báo của người dân, nếu như sự việc nào nghiêm trọng thì phải lập hồ sơ chuyển lên Công an quận. Việc phường không báo cáo lên Công an quận là sai. Vì như vậy ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Trong trường hợp này, tôi nghĩ Công an quận nên cho giám định chữ ký để xác minh là phường có giả chữ ký để báo cáo không. Nếu như thật sự phường giả chữ ký thì cần xử lý nghiêm vì như vậy là không trung thực trong thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, nếu như thiệt hại người dân lớn thì có thể xử lý hình sự đối với những cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chức năng đang phải chịu áp lực thi đua rất lớn. Vì thế không loại trừ các cơ quan “ém” thông tin để chạy thi đua. Để hạn chế việc này thì cần đổi mới quy định thi đua khen thưởng để giảm bớt áp lực cho các cơ quan cũng như cho cán bộ, công chức, viên chức.

TS Nguyễn Văn Tiến - giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quý/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN