Ngày về của 68 phạm nhân ở trại giam nơi đất Mũi

Sự kiện: Tin pháp luật

Hội đồng đặc xá của Trại giam Cái Tàu đã xét đề nghị đặc xá cho 68 phạm nhân, đồng thời mở lớp giáo dục cho những phạm nhân được đề nghị đặc xá. Kết thúc lớp học, tất cả phạm nhân đều viết bản thu hoạch học tập được đánh giá chất lượng cao.

Đặc xá bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đúng pháp luật Công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá 3.026 phạm nhân

Mấy đêm rồi, các phạm nhân được đề nghị đặc xá ở Trại giam Cái Tàu (U Minh, Cà Mau) không ngủ được. Người thì sắp xếp hành trang để trở về, người lại nhớ những kỷ niệm ở trại, nhớ cán bộ, nhớ những tháng ngày lầm lỗi đã qua. Hôm nay, cuộc đời họ sẽ bước sang trang mới, sẽ được ở bên  gia đình, người thân để làm lại cuộc đời.

Hân hoan ngày trở về

Trong những phạm nhân được đặc xá lần này của Trại giam Cái Tàu thì Phi Hải Đăng (SN 1966, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) là nhiều "tâm tư" hơn cả. Dù ở trong trại nhưng hằng ngày Đăng xem tivi, biết được ở TP Hồ Chí Minh tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp. Chính vì vậy, khi biết mình được đề nghị đặc xá, Đăng lo lắng không biết sẽ về nhà thế nào.

Biết được điều đó, ngay khi có hướng dẫn của Bộ Công an về tổ chức đặc xá, Ban Giám thị Trại giam Cái Tàu đã thông báo cho các phạm nhân có gia đình ở vùng dịch biết kế hoạch tổ chức đặc xá. Theo đó, các phạm nhân sẽ được Trại đưa về. Biết tin này, Đăng mừng lắm, bởi anh ta hiểu, nếu không có sự quan tâm của Bộ Công an, của Trại giam thì cho dù có được đặc xá, anh ta cũng chưa thể trở về nhà.

Phạm nhân Mai Thị Huyền Nga

Phạm nhân Mai Thị Huyền Nga

Đăng vốn là “cò đất”. Thời điểm sốt đất từ năm 2014-2018, anh ta dựng lên "vở kịch" có đất nền trong khu đô thị mới ở Bạc Liêu, sau đó dẫn dắt khách đi xem, nhận tiền đặt cọc. Đến ngày bàn giao đất và giấy tờ thì Đăng lại kéo dài thời gian bằng cách nói nền đó Chủ dự án đã bán cho người khác rồi và đưa đi xem nền khác… Do nhiều lần hứa hẹn mà không bàn giao đất, bị hại đã báo Công an và Đăng bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án 4 năm tù giam.

“Trả giá cho tội lỗi của mình, tôi mới thấy rằng, chỉ có làm ăn chân chính mới dài lâu. Vì thế, khi được đặc xá trở về với gia đình, tôi sẽ cùng vợ tập trung kinh doanh hàng tạp hoá để lo cho kinh tế gia đình…” – Phi Hải Đăng cho biết.  

Phạm nhân Phi Hải Đăng phát biểu ý kiến trong buổi bình xét đề nghị đặc xá

Phạm nhân Phi Hải Đăng phát biểu ý kiến trong buổi bình xét đề nghị đặc xá

Phạm nhân Mai Thị Huyền Nga (SN 1960, tphường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng mất ngủ mấy hôm vì háo hức ngày được trở về. Nga vốn là Phó Giám đốc Cty TNHH thức ăn gia súc và xây dựng Phúc Vinh tại TP Cần Thơ. Tháng 7/2014, Nga ký hợp đồng mua thức ăn cá da trơn dưới hình thức mua hàng trả chậm 5 tỷ đồng. Do đối tác yêu cầu phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, Nga đã nhờ người làm chứng thư bảo lãnh giả, sau đó lấy hàng mang bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Nga bị kết án 12 năm tù giam.

Thời điểm đó, từ 1 Phó Giám đốc giàu có, Nga thấy mình như bị tuột xuống địa ngục. Nga chán nản. Nhờ các cán bộ động viên, giúp đỡ, Nga dần lấy lại động lực, cố gắng cải tạo nên được đề nghị đặc xá lần này. Chị ta cho biết, sau khi được đặc xá về, sẽ cùng gia đình kinh doanh nhỏ để trang trải cuộc sống.

Đại tá Phan Văn Hái, Giám thị Trại giam Cái Tàu cho biết, thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, đơn vị đã tổ chức hội nghị để phổ biến, quán triệt đến tận cán bộ, chiến sỹ và phạm nhân nắm vững về điều kiện của người được đặc xá, các trường hợp không được đề nghị đặc xá. Hướng dẫn công tác đặc xá năm 2021 cho tất cả phạm nhân nắm vững và thực hiện nghiêm túc; thực hiện quy trình xét đề nghị đặc xá theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Theo đó, Hội đồng đặc xá của Trại đã xét đề nghị đặc xá cho 68 phạm nhân, đồng thời mở lớp giáo dục cho những phạm nhân được đề nghị đặc xá. Kết thúc lớp học, tất cả phạm nhân đều viết Bản thu hoạch học tập được đánh giá chất lượng cao.

“Đại ca” mong ngày đặc xá

Một phạm nhân từng nhiều lần vi phạm nội quy trại giam là Phạm Trung Dũng (SN 1989, trú ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), phạm tội cướp tài sản. Dũng vốn là tay anh chị, “đại ca” ngoài xã hội. Ngày 10/3/2015, Dũng cùng Ngô Dũng Hải đến quán Phương Loan ở khóm 1, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi để nhậu. Khi vào quán, đến phòng số 22, thấy anh Huỳnh Thanh Phong đang ngồi uống bia một mình. Dũng rủ Hải đến kiếm chuyện, đánh anh Phong chảy máu mũi rồi cướp ví tiền của anh Phong bỏ chạy. Số tiền cướp được gần 11 triệu đồng, cả hai chia nhau. Đến ngày 13/3/2015, Dũng bị lực lượng Công an bắt theo lệnh truy nã.

Phạm nhân Trại giam Cái Tàu lao động, cải tạo

Phạm nhân Trại giam Cái Tàu lao động, cải tạo

Được biết, trước đó, Dũng đã có tới 3 tiền án bởi bản tính thích hưởng thụ, lười lao động nên sau khi thi hành án xong, lại tiếp tục phạm tội. Khi đến Trại giam Cái Tàu thi hành án, Dũng luôn tỏ thái độ “anh, chị”, đã 3 lần vi phạm nội quy cơ sở giam giữ với hành vi: Gây mất trật tự trong trại giam; làm hư hỏng tài sản của trại giam; mang đồ vật cấm vào trại và vay mượn trái phép… đã bị xử lý kỷ luật.

Thấy Dũng như vậy, Ban Giám thị Trại giam Cái Tàu đã nghiên cứu hồ sơ, tìm biện pháp giáo dục phạm nhân này. Khi hỏi về nguyên nhân tại sao lại vi phạm Nội quy nhiều như vậy, Dũng không ngại chia sẻ: Do đã nhiều lần vào tù, ra trại nên gia đình không còn quan tâm, thăm hỏi nên “chán đời”, nghĩ quẩn, làm càn. Biết được tâm tư của Dũng, các cán bộ giáo dục đã phân tích cái đúng, cái sai, quan tâm, giúp đỡ, động viên Dũng.

Đặc biệt, trong các ngày lễ tết, Ban Giám thị Trại giam Cái Tàu tặng quà, động viên Dũng. Hiểu được tấm lòng của các cán bộ, Dũng hứa sẽ thay đổi. Nói là làm, “đại ca” ngày nào đã thay đổi hoàn toàn. Dũng quyết tâm sửa chữa, phấn đấu cải tạo tiến bộ.

Khi nghe Trại triển khai Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, biết mình không đủ điều kiện để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước nhưng Dũng cũng không quá buồn và tự nhủ sẽ quyết tâm cải tạo tiến bộ để được giảm án, sớm về đoàn tụ với gia đình.

Một phạm nhân khác cũng từng có cuộc sống “hoành tráng” ở ngoài đời, đó là Lê Thành Công, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Tân, Cà Mau. Công năm nay 55 tuổi, phạm tội tham ô tài sản với mức án 15 năm tù giam.

Được biết, từ năm 2006 đến năm 2010, lợi dụng chức vụ, Lê Thành Công đã cấu kết với các Tổ trưởng Tổ vay vốn lập hồ sơ vay vốn khống và tự ký duyệt cho vay 34 hồ sơ để chiếm đoạt tổng số tiền 880 triệu đồng. Đến năm 2014, Công bị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phú Tân phát hiện, tố cáo với cơ quan công an.

Trong quá trình chấp hành án, phạm nhân Công đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, luôn bày tỏ niềm hối hận; chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, phấn đấu thi đua học tập, cải tạo tiến bộ. Chia sẻ với cán bộ, Lê Thành Công mong muốn được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước để sớm trở về đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời…

Nguồn: [Link nguồn]

Vợ Tàng Keangnam và chuyện cải tạo trong trại giam

Giọng nói tiếng phổ thông còn ngọng nhưng xuyên suốt cuộc trò chuyện, Giàng Thị Sua, SN 1984 ở Lóng Luông, Mộc Châu (Sơn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN