Mua đồng hồ Rolex 900 triệu đồng bằng phiếu chuyển tiền giả

Thấy giấy xác nhận từ ngân hàng thông báo rằng vị khách đã nộp đủ số tiền gần 900 triệu, anh Hải đồng ý giao đồng hồ Rolex. Ai ngờ…

Tháng 6 vừa qua, anh Hải rao trên mạng,bán chiếc đồng hồ Rolex vàng, vành đồng hồ nạm kim cương với giá 38.500 USD (gần 900 triệu đồng) kèm giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Chiếc đồng hồ Rolex bán vào ngày thứ 7 

Đêm muộn ngày 7-6, một tài khoản zalo có tên Mạnh Hùng Jewellery nhắn vào zalo anh Hải với nội dung muốn mua chiếc đồng hồ Rolex trên. Cuộc thương lượng nhanh chóng diễn ra, cả hai thống nhất chốt với mức giá 38.000 USD.

Mua đồng hồ Rolex 900 triệu đồng bằng phiếu chuyển tiền giả - 1

Chiếc đồng hồ Rolex được bán với giá gần 900 triệu.

Hình thức thanh toán là anh Hải sẽ gửi số tài khoản ngân hàng của mình để vị khách nộp số tiền 890 triệu như đã thỏa thuận. Người đàn ông tên Hùng hẹn sáng hôm sau sẽ cho người em vợ tới lấy chiếc đồng.

Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh. Vị khách còn gửi cả thông tin họ tên, địa chỉ, CMND của mình làm tin và nằng nặc muốn mua nhanh bán gọn. Cứ ngỡ đã tìm được vị khách sộp, ai  ngờ bi kịch bắt đầu từ đây.

Đúng hẹn, sáng 8-6, một người đàn ông trẻ xưng là em họ của vị khách tới lấy đồ ngay tại nhà anh Hải ở quận 11. Để chắc chắn, anh Hải còn gọi lại số zalo trên để xác nhận đúng người mới giao đồng hồ. Cùng thời điểm này, bị khách Mạnh Hùng Jewellery chuyển qua tin nhắn giấy kiêm lệnh chuyển tiền, giấy nộp tiền của ngân hàng Sacombank vào tài khoản, số tài khoản mà anh Hải đã cung cấp, tổng đố tiền là 890 triệu.

Người này nói rằng do hôm đó là thứ 7 nên chậm nhất đến sáng thứ hai anh Hải mới nhận được tiền vào tài khoản. Tin tưởng vị khách, cộng thêm giấy tờ biên nhận đó, anh Hải đồng ý đưa đồng hồ cho người đàn ông mang về.

Chờ đợi đến sáng thứ hai, kiểm tra tài khoản, anh Hải tá hỏa khi biết tài khoản của mình chưa hề nhận được số tiền trên. Người "em vợ" đến nhận hàng thì người này cho hay chỉ là người chạy grab nhận chuyển hàng.

Anh gọi trực tiếp vào tổng đài của ngân hàng Sacombank thì được biết giấy nộp trên là giả. Tên tuổi, số chứng minh nhân dân, địa chỉ trên giấy nôp tiền đều không tồn tại.

Gọi điện thoại cho cả hai người đàn ông trên thì đều đã tắt máy, không liên lạc được. Anh Hải vội tới công an trình báo.

Thủ đoạn không ngờ của kẻ lừa đảo

Ngày 14-6, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) chính thức tiếp nhận vụ việc. Manh mối vụ án hầu như không có, sim điện thoại giả, thông tin trước đó mà đối tượng cung cấp cho nạn nhân trước đó cũng là giả nốt.

"Nạn nhân không quen biết người thanh niên đặt mua, cũng chẳng biết người đến lấy đồng hồ là ai, chỉ nhận dạng được người đàn ông tới lấy đồng hồ mặc áo sơ mi đổ, quần Jeans dài màu xanh, mang giày đen, đội nón xám, bịt khẩu trang đi xe ô tô bốn chỗ màu trắng tới. Công tác điều tra gặp không ít khó khăn”, trinh sát đặc nhiệm kể chuyện.

Mua đồng hồ Rolex 900 triệu đồng bằng phiếu chuyển tiền giả - 2

Nguyễn Văn Cường và Phạm Tuấn Đức tại cơ quan điều tra.

Tuy nhiên bằng biện pháp nghiệp vụ phối hợp, chỉ sau một ngày, trinh sát đã tìm ra hai nghi can vụ lừa đảo này đồng thời tìm lại được chiếc đồng hồ Rolex. Cụ thể, đó là Nguyễn Văn Cường (còn có tên khác là Cường Nhóc 36 tuổi) và Phạm Tuấn Đức (39 tuổi), cả hai đều hiện đang cư trú tại Quận 10.

Cường từng có một tiền án về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cường khai nhận ngay khi khi Đức lấy được đồng hồ xong, người này lấy xe chở đồng phạm về nhà mình và cho người này 70 triệu. Cả hai dắt nhau đi ăn nhậu rồi đường ai nấy đi.

“Theo khai nhận, Cường tự lấy phiếu chuyển tiền trong ngân hàng Sacombank rồi giả chữ kí, tự kí, mua mộc giả ngoài chợ để đóng dấu “đã thu tiền” đóng vào. Thực ra đây không phải là thủ đoạn mới, nhưng sẽ là bài học cho nhiều người sau này. Phải kiểm tra tài khoản của mình trước khi giao dịch, “tiền trao cháo múc”, chỉ khi tiền vào tài khoản chắc chắn rồi mới giao hàng. Người giao dịch và người đi nhận đồ giao dịch nên là một người, riêng với những món hàng giá trị lớn, không nên cho nhận thay vừa đảm bảo an toàn cho khách vừa an toàn, giữ uy tín cho mình”, trinh sát đặc nhiệm chia sẻ.

Ngày 16-6, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết đã bàn giao cả hai cùng toàn bộ tang vật phương tiện cho công an quận 11 để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để phục vụ quá trình điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, Đội Hình sự đặc nhiệm đề nghị ai là nạn nhân hoặc trực tiếp chứng kiến những vụ việc trên báo về Đội Hình sự đặc nhiệm (địa chỉ: 96 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, số điện thoại: 028.38217080).

Được tại ngoại chờ xử phúc thẩm, ”hot girl” 9X tiếp tục trộm tài sản hơn trăm triệu

Dù đang đợi tòa án xét xử phúc thẩm tội trộm cắp tài sản, Nguyễn Thị Hằng vẫn tiếp tục cạy cửa nhà dân trộm 75...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Trà ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN