Mối tình của cô thôn nữ và chàng nghiện

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Có nhan sắc hơn người, vậy mà cô thiếu nữ tuổi trăng tròn Hồ Thị Quý quyết lấy bằng được anh chàng nghiện ngập nên làm giấy tờ giả, khai tăng 2 tuổi.

Khai tăng 2 tuổi để kịp… lấy chồng nghiện

Sinh năm 1987 ở Gia Lâm, Nho Quan, Ninh Bình, Hồ Thị Quý sớm trở thành đối tượng đeo đuổi của biết bao trai làng bởi vẻ đẹp trời cho. Nhưng chỉ học hết lớp 9 thì Quý đã xa rời trường lớp, mặc dù hoàn cảnh gia đình không mấy khó khăn.

Và, năm 2003, khi tròn 16 tuổi, Hồ Thị Quý sang đất Hòa Bình bỏ lại bao tiếng thở dài của những trai làng. Trai làng ngơ ngác vì mất Quý, còn cô lại bắt đầu ngơ ngác nơi đất khách quê người trong vai người học việc, làm thuê.

Thế rồi chẳng bao lâu, theo lời giới thiệu, Quý quen với Huỳnh Trung Chiến hơn mình 11 tuổi, nhà ở ngay TP Hòa Bình và đang là lao động tự do. Bố mẹ Chiến là người năng động và chịu thương, chịu khó làm ăn, nhưng cũng gặp không ít khó khăn do sự cố thương trường.

Ông bà có hai con trai, nhưng đã mất một nên chỉ còn mình Chiến. Thực ra, khi người ta giới thiệu Quý với Chiến thì Chiến vừa hết án ra tù vì ma túy. Quý hoàn toàn không biết Chiến mới ở tù ra, nhưng cô biết Chiến là người nghiện ma túy.

Biết Chiến nghiện ma túy, nhưng Quý vẫn cứ yêu. Phải chăng, Quý nghĩ với tình yêu của mình, cô sẽ kéo được Chiến ra khỏi cơn mê ma túy?

Đi cai đã qua, vào tù đã trải, ngót 30 tuổi Chiến vẫn lông bông bởi chưa dứt được ma túy. Bố mẹ còn khỏe mạnh, còn có chỗ dựa, nay nếu Chiến có vợ, anh ta sẽ thay đổi. Nghĩ vậy nên bố mẹ Chiến mong Chiến lấy vợ.

Chỉ có điều Quý lại chưa đủ tuổi kết hôn. Thế là Hồ Thị Quý sinh 1987, đã làm lại giấy tờ thành sinh 1985, tăng 2 tuổi để đăng ký kết hôn lấy Chiến.

Và cho đến nay, mọi người trong cuộc vẫn đang xem chuyện thay đổi lý lịch ấy là bình thường, vì mỗi khi hỏi chuyện này, họ vô tư kể, vô tư cười… làm cho người đối thoại không khỏi xót xa.

16 tuổi, cái tuổi đang lớn, đang đẹp, thì Quý bỗng chốc trở thành vợ. Song cái khó nhất đối với người vợ 16 tuổi là khuyên bảo chồng từ bỏ ma túy. Gặp Quý trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, phạm nhân này vẫn ngơ ngác kể:

“Thấy Chiến hứa sống, hứa chết, em cứ nghĩ anh ấy đã bỏ được ma túy, nào ngờ... Lúc đủ ma túy, Chiến ngoan ngoãn vâng lời bố mẹ, thương yêu vợ và chịu khó làm việc lắm.

Nhưng cứ mỗi lần lên cơn nghiện, anh ấy lại biến thành con người khác. Thế nên, em nghĩ nếu cứ đủ ma túy cho Chiến dùng thì anh ấy cũng không đến nỗi nào (!?)”.

Trong nhiều năm qua, TP Hòa Bình là một địa bàn phức tạp về ma túy. Số người nghiện ma túy ở thành phố chiếm hơn nửa số người nghiện toàn tỉnh. Từ nghiện ma túy dẫn tới các loại tội phạm khác, trong đó không ít người nghiện ma túy lại trở thành tội phạm ma túy.

Nguyên do là họ không từ bỏ được ma túy nên đã tìm cách kiếm ma túy từ ma túy, mà trong thế giới nghiện gọi là “cò quay”. Nghĩa là họ mua ma túy về vừa sử dụng, vừa bán lẻ, lấy cái lãi ấy mà sử dụng.

Lượng ma túy buôn bán theo kiểu “cò quay” tuy không lớn, nhưng đa số cũng đủ để truy tố trước pháp luật, và cái án tù giam luôn chờ những người nghiện không chịu từ bỏ ma túy. Thế là cái vòng từ trung tâm cai nghiện sang trại giam, rồi từ trại giam sang trung tâm cai nghiện cứ thế xoay tròn.

Nhà còn mình Chiến, kinh tế lại không đến nỗi nào, chính vì thế Chiến thậm thụt dùng ma túy chứ không đến nỗi phải lang thang, dặt dẹo. Khốn nỗi, nhu cầu của người nghiện càng ngày càng tăng, mà để tự Chiến đi tìm kiếm ma túy dù chỉ để sử dụng cũng rất nguy hiểm.

Thế là từ chỗ khuyên bảo chồng không được, Quý đành lén tìm mua ma túy cho Chiến, mà cô không biết chính mình vừa tiếp tay cho chồng phạm tội.

Thời gian đầu Hồ Thị Quý lảng vảng, lấm la, lấm lét mua ma túy từ những người nghiện “cò quay” về cho chồng. Sau đó, vì muốn mua được ma túy với giá rẻ hơn nên mặc cho con còn quá nhỏ, Hồ Thị Quý ngược Sơn La mua ma túy về cho chồng. Và chính thức từ đây, Quý bước vào con đường tội lỗi.

“Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, năm 2008, Hồ Thị Quý bị Công an Hòa Bình bắt quả tang khi đang vận chuyển ma túy từ Mộc Châu về Hòa Bình. Lẽ ra Quý đã bị bắt tạm giam ngay sau đó, nhưng vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại để điều tra.

Kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử, Hồ Thị Quý nhận mức án 42 tháng tù giam và lại được tạm hoãn thi hành án vì con trai của Quý vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi.

Mong muốn ngày trở lại để làm lại cuộc đời

Nhà Quý ở ngay cổng Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Hình ảnh người tù mặc áo xám, áo sọc đối với cô chẳng lạ lẫm gì cho lắm. Tuy vậy, đó chỉ là cái nhìn bề ngoài, còn sự thực bên trong đi tù thế nào thì Quý chưa thể hình dung ra.

Nay nuôi con nhỏ và chờ ngày vào tù, ăn cơm tù, mặc áo tù, thêm tuổi tù thì cứ nghĩ đến là Quý lại rùng mình. Ăn thế nào, ngủ thế nào, sống chung với những người tù khác thế nào… là một loạt các câu hỏi đặt ra trong đầu Quý.

Không ít lần, Quý đánh bạo hỏi chồng xem cuộc sống trong tù thế nào, thì chỉ nhận được cái thở dài và sự lảng tránh của Chiến.

Rồi thời gian tạm hoãn thi hành án cũng đã hết, những ngày chuẩn bị vào trại, Quý thao thức không sao ngủ được. Từ nỗi ám ảnh sợ hãi, nay chuyển sang nỗi nhớ thương con trai da diết.

Vẫn biết ở ngoài kia, con mình đã có ông bà nội và kể cả có bố trông nom, nhưng làm sao bù đắp được khi nó đang tuổi bi bô mà vắng mẹ. Đúng ngày 29/9/2010, Quý nước mắt giàn giụa chia tay đứa con 3 tuổi để vào trại giam.

Không thể trốn con mà đi, Quý cũng như gia đình đều bảo với con: “Ở nhà với ông bà ngoan nhé, mẹ đi chữa bệnh cho khỏe rồi về với con”.

Những ngày đầu bỡ ngỡ trong trại giam rồi cũng qua đi, chỉ nỗi nhớ con thì không sao khuây khỏa được. Ban ngày đi lao động còn đỡ, chứ đêm về phòng giam vắng lặng, nỗi nhớ ấy càng thêm tái tê. Nếu xa hẳn đã đành, nhưng đây chỉ vài bước chân mà mẹ con cách biệt.

Những ngày thăm gặp, người mà Quý mong được nhìn thấy là đứa con trai ngộ nghĩnh, bi bô của mình thì lại không thể, vì cả gia đình vẫn nói dối cháu là mẹ đi chữa bệnh. Và, thỉnh thoảng cháu vẫn hỏi ông bà, sao mẹ Quý chữa bệnh lâu khỏi thế, lâu về thế, cháu nhớ mẹ Quý lắm!...

Có lẽ đi đôi với bản án 42 tháng tù giam của pháp luật, thì nỗi giày vò vì thương nhớ con này cũng không kém phần đè nặng lên trái tim Hồ Thị Quý.

Nhờ cải tạo tích cực, vào dịp 30/4 vừa qua, Hồ Thị Quý được xét giảm thời gian thi hành án 4 tháng. Như thế tổng thời gian chấp hành hình phạt tù của Quý đã được 23/42 tháng. So với nhiều phạm nhân khác thì thời gian còn ở trại giam của Quý không phải là dài nếu Quý biết cố gắng cải tạo.

Năm nay, nếu tính đúng tuổi thật, Hồ Thị Quý mới bước vào tuổi 25 nên còn rất trẻ, con đường phía trước còn rất dài. Đúng như Quý nói, thời gian trong tù làm cho cô lớn lên cả về thể xác lẫn tâm hồn, nhất là những hiểu biết về pháp luật, cuộc sống và tình người.

Quý mong mình sớm hết án để làm lại cuộc đời… Mong muốn của Hồ Thị Quý cũng là mong muốn của tất cả những người tù có thời hạn. Chỉ có điều, biến những trải nghiệm ấy, mong muốn ấy thành hiện thực lại cần có một nghị lực rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Va ([Tên nguồn])
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN