Mánh khóe của những kẻ “móc” tiền bị hại trên không gian mạng dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng lừa đảo qua mạng ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn mới mẻ, tinh vi nên khiến bị hại không một chút do dự khi chuyển tiền.

Những ngày cuối năm 2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên tiếp triệt phá 2 vụ án lừa đảo trên không gian mạng khiến nhiều bị hại điêu đứng.

Nữ công nhân lên kịch bản lừa đảo

Giữa tháng 12/2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận được trình báo của chị H.T.N (trú đường Hà Huy Giáp, phường Vỹ Dạ, TP Huế) bị đối tượng không rõ danh tính lừa đảo qua mạng Internet và chiếm đoạt số tiền trên 800 triệu đồng.

Phan Huỳnh Quỳnh Như tại cơ quan Công an.

Phan Huỳnh Quỳnh Như tại cơ quan Công an.

Qua thu thập các tài liệu chứng cứ, các trinh sát nhận định, nếu không kịp thời bắt giữ đối tượng thì sẽ có thêm bị hại sập bẫy với thủ đoạn khá mới mẻ. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã sử đụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, khẩn trương tổ chức truy vết, xác minh truy tìm đối tượng.

Qua đó, Công an xác định đối tượng gây án là Phan Huỳnh Quỳnh Như (sinh năm 1997, trú phường Phú Hội, TP Huế, Thừa Thiên Huế) là công nhân may.

Theo cơ quan Công an, mặc dù không hề biết chị H.T.N nhưng hàng ngày, Như vẫn vào Facebook của chị để xem các bài đăng trên trang cá nhân. Sau một thời gian tìm hiểu và theo dõi Facebook chị N, Như biết được mối quan hệ của bị hại với những người thân đang định cư ở nước ngoài. Như cũng nhận định, bị hại có kinh tế khá giả nên đây là điều kiện thuận lợi giúp cho kế hoạch lừa đảo của Như đạt được mục đích. Sau khi thu thập được các thông tin, mối quan hệ của bị hại, Như đã tạo các tài khoản Zalo mang tên “T.T.N” và “X.M” trùng tên với người thân của bị hại.

Đồng thời, Như còn lấy hình ảnh đại diện từ tài khoản Facebook thật của những người này để kết bạn Zalo nhắn tin trao đổi trò chuyện với chị N khiến chị N tin tưởng đây là người thân của mình. Sau khi nắm rõ nhân thân lai lịch, địa điểm thường đến của những người thân bị hại, Phan Huỳnh Quỳnh Như đã lên kế hoạch và nhắn tin mượn tiền nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khoảng cuối tháng 11/2023, qua Facebook, Như biết được những người thân trong gia đình bị hại vừa về Việt Nam thăm quê hương. Trong quá trình những người thân của bị hại di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau để tham quan, vui chơi, ăn uống thì có “check-in” và đăng hình ảnh lên Facebook. Tất cả những việc làm này đã được Như ghi nhớ một cách chi tiết. Như sử dụng tài khoản zalo “T.T.N” và nhắn tin cho chị N mượn số tiền 50 triệu đồng. Chị N cứ nghĩ, là người thân của mình nên ngay sau khi nhận được tin nhắn đã chuyển tiền ngay lập tức.

Khoảng 2 ngày sau, Như tiếp tục lấy tài khoản “T.T.N” nhắn tin cho chị N để mượn thêm 75 triệu đồng cho mẹ đang ở TP Hồ Chí Minh chi tiêu. Ngày 29/11, Như tiếp tục sử dụng tài khoản zalo “T.T.N” nhắn tin yêu cầu chị N chuyển thêm cho 120 triệu đồng nữa với lý do: “Đợt này gia đình về Việt Nam không đem nhiều tiền mặt”. Chị N. không chần chừ và ra ngân hàng lần lượt chuyển tiền theo yêu cầu của “người thân”.

Sau 3 lần lừa chị N. chuyển tiền trót lọt cho mình, Như cho rằng, nếu tiếp tục sử dụng tài khoản “T.T.N” để mượn tiền của chị N. mà không có lý do chính đáng sẽ bị nghi ngờ nên Phan Huỳnh Quỳnh Như đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo khác nhau, giả danh tên người thân của bị hại ở Mỹ để trao đổi, trò chuyện việc mượn tiền, nhận tiền sau đó chụp ảnh màn hình nội dung trò chuyện chuyển tiền cho bị hại nhằm tạo lòng tin. Ngày 1/12, Như sử dụng tài khoản zalo “X.M” giả danh bà X. nhắn tin cho bị hại để mượn thêm số tiền 400 triệu đồng với lý do cần gấp để chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh… Tất cả các khoản tiền đều được chị N chuyển vào tài khoản số 10583007 mang tên Huynh Thi Minh Huong. Do tài khoản tên Huong trùng tên với Hương em của bà X. đang sinh sống tại TP Huế (là người thân của bị hại - P.V) nên bị hại tin tưởng thật và nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu.

Chưa dừng lại ở đó, với lý do “Mượn tiền đóng thuế cho các tiệm Nail tại Mỹ”, Như tiếp tục sử dụng 1 tài khoản Zalo khác lấy tên người thân của chị N và yêu cầu chị chuyển thêm cho mình số tiền 150 triệu đồng. Qua công tác trinh sát, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghi vấn, người yêu cầu chị N. chuyển tiền có nhiều dấu hiệu khuất tất nên Công an đề nghị bị hại tạm thời dừng lại việc chuyển số tiền trên để xác minh, điều tra.

Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố bị can đối với Phạm Trung Anh.

Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố bị can đối với Phạm Trung Anh.

Qua trao đổi với cơ quan Công an, bị hại khai nhận, lâu nay chỉ liên lạc với những người thân đang định cư ở nước ngoài bằng tài khoản Zalo, chứ không liên lạc bằng điện thoại. Vì vậy, khi thấy Zalo đúng tên, đúng hình ảnh người thân ở nước ngoài mượn tiền thì bị hại tin tưởng là thật nên đã đồng ý chuyển tiền. Theo cơ quan điều tra, qua đấu tranh, Phan Huỳnh Quỳnh Như khai nhận, để có tiền tiêu xài cá nhân, trả nợ; đối tượng đã tìm hiểu được các phương thức thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, mục tiêu nhắm tới là những người có tiền, gia đình có điều kiện kinh tế. Sau đó tìm hiểu thông tin, mối quan hệ của họ trên các tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Zalo... rồi lên kế hoạch, xây dựng kịch bản lừa đảo. Nhận định người thân của bị hại thường xuyên liên lạc qua các tài khoản mạng xã hội nên đối tượng đã sử dụng nhiều sim rác, tạo nhiều tài khoản Zalo nhắn tin với bị hại để tạo lòng tin.

Quá trình điều tra xác minh, mặc dù đối tượng không thành khẩn khai báo, luôn tìm cách quanh co, tìm mọi lý lẽ để chối tội, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Tuy nhiên, bằng các biện pháp đấu tranh sắc bén và các tài liệu chứng cứ thu thập được, cuối cùng đối tượng đã thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền của bị hại trước đó. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Huỳnh Quỳnh Như. Được biết, số tiền hơn 800 triệu đồng sau khi chiếm đoạt của bị hại, đối tượng đã sử dụng để trả nợ vay lãi nặng. Hiện, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự để điều tra mở rộng.

Nhiều chủ cửa hàng điện thoại sập bẫy thiết bị Apple giá rẻ

Ngày 19/12, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt tạm giam Phạm Trung Anh (SN 1996, trú 23 Tản Đà, phường Hương Sơn, TP Huế, Thừa Thiên Huế) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện Anh sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook “Ori Phạm”, “Trung Anh” thường xuyên đăng tải các bài viết rao bán các thiết bị điện tử nhãn hiệu Apple như: Iphone, Ipad, Macbook với giá thấp hơn giá thị trường trên các hội nhóm Facebook: “Mua bán điện thoại ở Huế”, “Gala sale in Huế”.

Nhận thấy thủ đoạn này thường được các đối tượng sử dụng trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành xác minh làm rõ phương thức thủ đoạn và đề xuất xác lập chuyên án đấu tranh. Ngay sau khi xác định đối tượng đang ở tại TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an phường 1, Quận 8 (TP Hồ Chí Minh) tiến hành triệu tập Anh đến làm việc.

Phạm Trung Anh tại cơ quan Công an.

Phạm Trung Anh tại cơ quan Công an.

Quá trình đấu tranh, Anh khai nhận, do kinh doanh thua lỗ dẫn đến nợ nần số tiền hơn 1 tỷ đồng và mất khả năng chi trả nên đầu tháng 4/2023, đối tượng đăng tải trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng, giới thiệu nguồn hàng gồm các thiết bị điện tử của Apple như: Macbook, IPhone, IPad… giá rẻ hơn thị trường. Do có quen biết với quản lý các cửa hàng FPT, Thế giới di động nên đối tượng đã liên hệ và lấy hàng trong các đợt khuyến mãi và cung cấp hàng cho các khách hàng. Trong thời gian đầu, việc mua bán diễn ra bình thường.

Cho đến giữa tháng 5/2023, do áp lực từ các chủ nợ và không thể lấy nguồn hàng giá rẻ như trước đây, đối tượng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác với hình thức tạo ra luồng tiền từ nhiều người mua hàng bằng cách hạ giá rẻ hơn giá đối tượng mua từ các cửa hàng. Cụ thể, mỗi sản phẩm Anh bán với giá thấp hơn giá mua hàng từ 1 - 1,5 triệu đồng. Mặc dù không có nguồn hàng từ cửa hàng Thế giới di động, FPT và còn nợ đơn hàng của nhiều khách hàng nhưng Anh vẫn tiếp tục đặt vấn đề chào bán thêm cho các bị hại khác để nhận trước tiền hàng nhưng không sử dụng để đặt mua hàng mà để trả các khoản nợ của cá nhân.

Qua điều tra ban đầu, chỉ tại địa bàn TP Huế, Công an xác định có 3 chủ cửa hàng điện thoại bị Anh lừa đảo chiếm đoạt gần 1,1 tỷ đồng, trong đó, bị hại bị lừa nhiều nhất là 550 triệu đồng. Một chủ cửa hàng điện thoại di động - nạn nhân của Phạm Trung Anh cho biết: Khi thấy đối tượng rao các thiết bị Apple trên mạng chính hãng giá rẻ hơn thị trường từ 1 -1,5 triệu đồng/sản phẩm, tôi đã đặt hàng gồm: Iphone 14 và 15, Ipad, Macboook với tổng số tiền 550 triệu đồng.

Theo yêu cầu của người bán hàng, tôi đã chuyển đủ số tiền 550 triệu đồng và cam kết sẽ nhận hàng sau 2 hôm. Số hàng này, tôi dự định mua về để bán tết vì nhận định nhu cầu người tiêu dùng dịp tết sẽ tăng cao. Nhưng không ngờ, sau khi chuyển tiền cả 3 tuần tôi vẫn không nhận được hàng. Lúc này, hỏi ra tôi mới biết mình đã bị sập bẫy lừa… Được biết, để có số tiền gần 1,1 tỷ đồng chuyển cho đối tượng Phạm Trung Anh đặt mua hàng, 3 chủ cửa hàng điện thoại di động đã phải vay mượn. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Trung Anh về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi các đối tượng liên quan.

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thừa Thiên Huế khuyến cáo, thời điểm giáp tết Nguyên đán 2024, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý với các hoạt động liên quan Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân một số nội dung sau như: không chuyển tiền cho bất kỳ người nào qua mạng xã hội, mạng viễn thông khi chưa xác thực rõ thông tin; không nhấp, truy cập vào các đường link lạ; không đầu tư tiền ảo, đầu tư vào các sàn đầu tư tài chính trái phép hoặc các dự án không rõ nguồn gốc; không nên vay tiền từ các ứng dụng (app), website để tránh bị lừa đảo hoặc vay lãi nặng…

Nguồn: [Link nguồn]

Dùng “mỹ nữ“ dàn dựng tổ chức, lừa đảo đánh bạc trên không gian mạng

Quyết liệt triển khai kế hoạch về đợt mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã triệt xoá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Lan ([Tên nguồn])
Những chiêu trò lừa đảo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN