Lộ chuyện ăn chia giữa BV tỉnh Hòa Bình và một công ty

BS Lương nói sẽ chịu trách nhiệm nếu nguyên nhân tử vong thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh, còn ngoài chuyên môn thì bị cáo không chịu.

Ngày 17-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến tám người tử vong bước sang ngày làm việc thứ ba. Tại tòa, luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo liên tiếp đưa ra những câu hỏi đối với lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn, điều tra viên vụ án,... để làm rõ một số tình tiết quan trọng.

Tỉ lệ ăn chia 9:1

Được triệu tập tới tòa, ông Đỗ Đình Vận (Phó Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho biết BV thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010 và thực chất đây là sự liên kết kinh doanh. Tại thời điểm đó, theo lời ông Vận, ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh, không thông báo cho ông biết các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa BV và Công ty Thiên Sơn.

“Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho BV vào ngày 25 hằng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng” - ông Vận khẳng định.

Trước việc ông Vận trả lời “không biết thông tin cụ thể”, LS Hoàng Ngọc Biên, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đã công bố nội dung ghi trong bút lục, trong đó có tỉ lệ ăn chia giữa BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn: Theo đó, Công ty Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, trả lãi vay và bảo quản thiết bị, vật tư tiêu hao. BV tỉnh hưởng 10% số tiền này, sử dụng vào phụ cấp thủ thuật, chi phí điện nước, ấn phẩm.

Nghe xong tình tiết này, ông Vận vẫn khẳng định chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, còn tỉ lệ cụ thể phần trăm như thế nào thì không nắm được. Thấy vậy, LS Biên công bố thêm tài liệu cho thấy số tiền Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/ca chạy thận. Về việc này, ông Vận cũng nói rằng không được ông Dương phổ biến và cũng chưa được nghe bao giờ.

Một số LS khác đề nghị được đặt câu hỏi với đại diện theo ủy quyền của ông Dương; ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư); ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Giám đốc BV); ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn),... để làm rõ các tình tiết liên quan nhưng tất cả đều vắng mặt.

Lộ chuyện ăn chia giữa BV tỉnh Hòa Bình và một công ty - 1

LS Hoàng Ngọc Biên (đứng) công bố tài liệu về tỉ lệ ăn chia giữa Công ty Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TP

Nhiều LS hỏi Công ty Thiên Sơn về việc công ty này “bán trắng” hợp đồng cho Công ty Trâm Anh có vi phạm pháp luật không. Đại diện công ty này cho rằng không bán hợp đồng mà chỉ ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng với BV đa khoa tỉnh. Còn vấn đề hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn với Công ty Trâm Anh có sai phạm hay không thì xem xét sau.

Vị đại diện này cũng khẳng định để xảy ra sự cố chạy thận khiến 8 người chết nguyên nhân chính là do sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo BV đa khoa tỉnh khi cho chạy hệ thống lọc thận mà chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước. Việc này không chỉ gia đình các nạn nhân mà doanh nghiệp cũng bức xúc.

Chi thêm 12 triệu thì 8 bệnh nhân đã không chết?

LS Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đã đặt vấn đề như trên khi xét hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh).

Bị cáo Quốc thừa nhận được ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn, nói rằng kết quả xét nghiệm nước phải mất 15 ngày nhưng vì bệnh nhân rất nhiều và cũng ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp nên cứ đưa vào hoạt động rồi mới mang mẫu nước đi xét nghiệm.

Đặc biệt, quá trình xem xét hệ thống lọc nước của BV, Quốc có đề xuất thay cả bốn màng lọc RO nhưng sau đó chỉ còn hai. Quốc cho rằng nếu thay cả bốn màng lọc như đề xuất ban đầu thì bị cáo đã không cần dùng tới hóa chất để bảo dưỡng lại hai màng lọc kia.

“Thay hai màng có báo giá gần 50 triệu đồng, vậy nếu thay cả bốn thì báo giá là bao nhiêu?” - LS Thiệp hỏi. “Sẽ tăng thêm khoảng 10-12 triệu đồng” - Quốc đáp. “Tức là chỉ cần bỏ ra thêm 12 triệu đồng là có thể cứu sống tám mạng người?” - ông Thiệp đặt vấn đề. “Dạ!” - Quốc nói nhỏ.

LS Thiệp hỏi bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư BV tỉnh). Sơn tiếp tục khẳng định lời khai giống ngày làm việc đầu tiên của phiên xử, rằng từ khi được phân công về đơn nguyên thận nhân tạo, chưa lần nào sửa chữa mà thấy có xét nghiệm AAMI (xét nghiệm nguồn nước có đảm bảo hay không - PV), bị cáo cũng không được cung cấp bất cứ hướng dẫn nào về quy định này.

Trong khi đó, BS Hoàng Công Lương cũng khai rằng từ trước tới giờ chưa khi nào nhận được quyết định của lãnh đạo khoa hoặc lãnh đạo BV về việc phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, cũng không có phụ cấp trách nhiệm nào. Tại thời điểm sửa chữa hệ thống lọc nước RO, bị cáo không hề biết sửa chữa hạng mục nào, sử dụng hóa chất ra sao. Bị cáo cũng không nhận được bất cứ cảnh báo nào từ lãnh đạo khoa, lãnh đạo BV về việc chưa xét nghiệm AAMI nên chưa thể cho hoạt động hệ thống máy móc chạy thận.

“Bị cáo sẽ chịu trách nhiệm nếu nguyên nhân tử vong thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh của bị cáo, còn nếu ngoài chuyên môn thì bị cáo không chịu” - bị cáo Lương nói.

Tại sao không xử lý hình sự Công ty Thiên Sơn?

LS Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền lợi cho BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, đề nghị HĐXX cho phép đặt câu hỏi với ông Bùi Tuấn Nghĩa, điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án.

Theo đó, ngày 8-1-2018, Công an tỉnh Hòa Bình có gửi một công văn sang Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, trong đó có ý kiến khẳng định việc chuyển nhượng thầu 100% giữa Công ty Thiên Sơn sang cho Công ty Trâm Anh đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh chỉ kiến nghị tới Sở cấm đấu thầu đối với Công ty Thiên Sơn, còn về xử lý hình sự thì chưa đủ hoặc chưa xem xét. Điều này là căn cứ vào đâu? Vừa kết thúc câu hỏi, vị chủ tọa cho rằng việc ký biên bản là thẩm quyền của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, không thuộc thẩm quyền nên điều tra viên không thể trả lời. Thấy vậy, ông Nghĩa đã không trả lời và trở về chỗ ngồi.

Trao đổi với báo chí, LS Huế cho rằng theo Điều 89 Luật Đấu thầu, doanh nghiệp không được chuyển nhượng quá 10% hợp đồng nhưng Thiên Sơn đã chuyển nhượng 100% để ăn lợi nhuận gấp đôi. Cụ thể, giá gói thầu sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 được Thiên Sơn ký với BV đa khoa tỉnh có giá 100 triệu đồng nhưng ngay sau đó công ty này đã chuyển nhượng lại cho Công ty Trâm Anh với báo giá chỉ gần 50 triệu đồng…

Xét xử BS Lương: Chi thêm 12 triệu, 8 bệnh nhân đã không chết?

Khi xét hỏi các bị cáo, luật sư (LS) Lê Văn Thiệp, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, nói nếu bỏ thêm 12 triệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TP.HCM)
Sốc phản vệ tập thể, nhiều người tử vong Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN