Hai bị cáo kêu oan, vụ án 14 năm chưa có hồi kết

Sự kiện: Tin pháp luật

Hà Nội - Bị cáo buộc lừa 22 tỷ đồng từ 14 năm trước, ông Nguyễn Huy Khang và Nguyễn Đình Bang luôn kêu oan, hai lần tòa sơ thẩm tuyên án họ nhưng đều bị hủy án.

Ông Bang, 73 tuổi; ông Khang, 65 tuổi và bà Hoàng Thị Xuân, 61 tuổi, bị TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm lần thứ 3 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hôm 17/4.

Theo cáo trạng, năm 2005, Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh thuê 6.300 m2 đất thuộc Cụm công nghiệp An Khánh (khi đó thuộc tỉnh Hà Tây) và được cấp sổ đỏ. Doanh nghiệp sau đó chuyển nhượng 50% diện tích đất cho ông Nguyễn Kim Hải, Giám đốc Công ty Adisco. Năm 2008, Trường Sinh tiếp tục chuyển toàn bộ cổ phần công ty cùng 3.100 m2 đất cho ông Bang và một cổ đông khác. Ông Bang làm giám đốc công ty.

Tháng 7/2008, Công ty Trường Sinh được tỉnh Hà Tây giao làm chủ đầu tư dự án trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp An Khánh. Dự án là cổ phần chung (Trường Sinh 50% và Adisco 50%), chưa được thành phố phê duyệt, nhưng ông Bang chuyển nhượng cổ phần "huy động vốn trái luật".

Cụ thể, theo cáo buộc, cuối năm 2009, ông Bang chuyển nhượng 80% cổ phần dự án cho ông Khang. Trên thực tế, ông Khang mới chỉ cọc 800 triệu đồng, song đã được ông Bang xác nhận là người đã mua 80% cổ phần tại Dự án An Khánh.

Từ trái qua: bị cáo Bang, Khang và Xuân tại tòa hôm 17/4. Ảnh: Danh Lam

Từ trái qua: bị cáo Bang, Khang và Xuân tại tòa hôm 17/4. Ảnh: Danh Lam

5 tháng sau, tháng 3/2010, ông Bang tự thanh lý hợp đồng do ông Khang không có năng lực thực hiện. Ông Bang chỉ gọi điện báo hủy hợp đồng mà không thu lại các giấy tờ, tài liệu, liên quan dự án đã đưa ông Khang trước đó.

Ông Khang tự ý cầm các giấy tờ trên, nói đã mua 80% cổ phần của dự án, rủ anh Toàn (Phó giám đốc Công ty Huy Phát) góp vốn mua đủ 100%. Sau đó, ông Khang đưa anh Toàn đến nhà của ông Bang và được ông Bang xác định là đã chuyển nhượng 80% Công ty Trường Sinh cho Khang.

Tin là thật, anh Toàn đồng ý và ký hợp đồng góp vốn với Khang. Tháng 4/2010, sau khi nhận 22 tỷ đồng từ anh Toàn, ông Bang làm các thủ tục chuyển nhượng công ty và thay đổi người đại diện công ty cho Khang. Song, theo cáo buộc, ông Bang giả chữ ký cổ đông còn lại tại công ty nên không được Sở Kế hoạch Đầu tư chấp thuận.

Không thấy Khang làm các thủ tục để Công ty Huy Phát được tham gia dự án, anh Toàn nhiều lần đòi tiền nhưng không có kết quả. Tháng 6/2010, anh làm đơn tố cáo.

Theo cáo trạng, khi vụ án bị khởi tố, để có tiền trả cho anh Toàn, bị cáo Xuân (bạn gái của ông Khang) đã làm giả quyết định, tự nhận Phó giám đốc Công ty Trường Sinh để huy động vốn lừa 4 người, tổng cộng hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, bà dùng 22 tỷ trả lại anh Toàn.

Hai lần hủy án sơ thẩm

Năm 2016 và 2020, tòa sơ thẩm 2 lần xét xử, đều tuyên phạt ông Khang và ông Bang lần lượt 16-18 năm tù. Cả hai kêu oan.

Ông Bang cho rằng, bản chất việc anh Toàn chuyển tiền cho Khang là "vay nặng lãi" nhưng hợp thức thành hợp đồng đầu tư dự án. Khi Khang không thể trả nợ, ông Toàn mới làm đơn tố cáo.

Với số tiền 22 tỷ bị cáo buộc chiếm đoạt, ông Bang khai đây là tiền Khang mua cổ phần, đặt cọc góp vốn công ty. Ông Khang đồng ý với lời khai này, cho rằng hợp đồng góp vốn giữa mình và anh Toàn chỉ là hình thức đảm bảo cho việc vay tiền, thực chất không có việc góp vốn làm dự án.

Bị cáo Khang (trái) và Bang trong phiên sơ thẩm lần 2, năm 2020. Ảnh: Xuân Hoa

Bị cáo Khang (trái) và Bang trong phiên sơ thẩm lần 2, năm 2020. Ảnh: Xuân Hoa

Cả 2 bản án sơ thẩm sau đó đều bị tòa phúc thẩm - TAND Cấp cao tại Hà Nội, tuyên hủy, chỉ ra hàng loạt vấn đề chưa thỏa đáng cả về tố tụng và nội dung vụ án.

Về tố tụng, theo tòa, cấp sơ thẩm xác định Công ty Huy Phát là nguyên đơn dân sự là chưa có cơ sở. Vì không có tài liệu nào chứng minh số tiền anh Toàn chuyển góp vốn là tiền của Công ty Huy Phát. Ngoài ra, nhiều lời khai của bị cáo Khang bị điều tra viên ghi sai, nhiều lần xin thay đổi điều tra viên nhưng không được giải quyết.

Về nội dung vụ án, theo tòa, còn nhiều điểm mâu thuẫn. Thứ nhất, dự án An Khánh là có thật, hiện vẫn tồn tại trong quá trình sử dụng, chưa bị thu hồi. Các giấy tờ của Công ty Trường Sinh vẫn ghi nhận Khang đã góp vốn 80%. "Vấn đề cần được làm rõ để xác định có hay không sự gian dối của Khang và Bang", bản án phúc thẩm nêu.

Thứ hai, bị hại (anh Toàn) có lời khai không thống nhất về các hành vi gian dối của Khang, mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các chứng cứ khác; chưa có cơ sở vững chắc để xác định quan hệ giữa anh Toàn và bị cáo Khang thực chất là vay nợ cá nhân hay góp vốn đầu tư dự án. Hồ sơ thể hiện sau khi nhận tiền góp vốn, ông Bang và ông Khang có làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng bản án sơ thẩm nhận định là không... "Dù có nhiều mâu thuẫn nhưng tòa sơ thẩm đã không làm rõ được", tòa phúc thẩm nêu.

Tại phiên sơ thẩm xử lại hồi tháng 3/2020, TAND Hà Nội vẫn giữ nguyên phán quyết và hình phạt. Đến năm 2022, bà Xuân bị bắt theo lệnh truy nã. Tòa phúc thẩm lần 2 tiếp tục hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trên, bởi "việc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của bị can Xuân sẽ giúp cho việc đánh giá, xác định, làm rõ mức độ, hành vi của bị cáo Khang và Bang".

Tại phiên sơ thẩm lần này, bị hại và nhiều người liên quan, luật sư đều vắng mặt.

Ông Khang đề nghị HĐXX cho tại ngoại để chữa bệnh vì đã bị tạm giam hơn 13 năm qua, hiện tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận lời thỉnh cầu này, bởi "đã có lệnh tạm giam bị cáo đến khi kết thúc phiên sơ thẩm".

Do vắng mặt nhiều người, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi của các bên, chưa ấn định ngày xử lại. Như vậy, vụ án đã trải qua 4 lần xét xử trong suốt 14 năm (hai lần sơ thẩm, hai lần phúc thẩm) nhưng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau 14 năm với nhiều lần ra bị đưa ra xét xử và 2 lần hủy án, ông Nguyễn Đình Bang vẫn kêu oan, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Lam ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN