Đột ngột tâm thần sau khi giết con gái giáo sư: Sự kỳ lạ của 2 kết quả giám định
Gia đình nạn nhân đã gửi đơn yêu cầu TAND TP. Hồ Chí Minh giám định lại tâm thần nghi can Nguyễn Đăng Thành.
Nghi can Nguyễn Đăng Thành trong phiên tòa ngày 29/11/2016
Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy-Trường Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là cha của người bị hại Vũ Thị Hoàng Anh (SN 1985) trong vụ án hình sự Nguyễn Đăng Thành phạm tội “Giết người” gửi đơn cho rằng: Bản giám định tâm thần không chính xác dẫn đến cơ quan chức năng bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, Giáo sư Huy đã gửi đơn yêu cầu TAND TP. Hồ Chí Minh giám định lại đối với tình trạng tâm thần của Nguyễn Đăng Thành trong khi gây án.
Cụ thể, yêu cầu giám định tình trạng tâm thần hiện nay của bị cáo Nguyễn Đăng Thành để phục vụ quá trình xét xử vụ án. Xét xử nghiêm minh vụ án Nguyễn Đăng Thành để góp phần cho xã hội được bình yên, ngăn chặn cái ác từ trong trứng nước.
2 bản giám định tâm thần trái ngược nhau
6 tháng sau khi bị bắt giữ (8/2011), Nguyễn Đăng Thành có dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng đã tiến hành trưng cầu giám định tâm thần 2 lần với Thành vào tháng 8/2011 và tháng 11/2011.
Liên quan đến 2 bản giám định "đối nghịch nhau 180 độ", ông Vũ Đình Huy đặt nghi vấn: Tại sao Viện Kiểm soát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Công an TP.Hồ Chí Minh lại không cho gia đình người bị hại biết về các kết luận đúng đắn của Trung tâm Giám định Pháp Y TP. Hồ Chí Minh, mà chỉ căn cứ vào đề nghị sai trái về y học cũng như về pháp luật của Viện Giám định Pháp y tâm thần Trung ương-Phân viện phía Nam, để ra “quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can Nguyễn Đăng Thành” (ngày 6/12/2011) và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và bị can (ngày 5/12/2011)?
Cụ thể, ngày 25/08/2011, Trung tâm Giám định Pháp Y thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Ngày gây án (27/02/2011), đối tượng Nguyễn Đăng Thành không có triệu chứng loạn thần. Giai đoạn trầm cảm trung bình do căn nguyên tâm lý trước khi gây án ngày 27/02/2011 (F32.1-ICD10). Can phạm đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Không có các triệu chứng loạn thần trong khi gây án ngày 27/02/2011. Để đánh giá năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự đối với can phạm Nguyễn Đăng Thành, không thuộc thẩm quyền của Giám định viên”. (Đã ký: Giám đốc, ThS. Bs. Nguyễn Ngọc Quang; Bs CK1 Trần Đình Phương).
Nhưng đến ngày 10/11/2011, Viện Giám định Pháp Y tâm thần Trung ương - Phân viện phía Nam kết luận: “Về Y học: Trước, trong khi gây án, đương sự Nguyễn Đăng Thành có bệnh trầm cảm tái diễn mức độ trung bình. Hiện nay, đương sự đang bị trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần.
Về pháp luật: Hiện nay, đương sự chưa có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để tiếp tục làm việc với cơ quan pháp luật.
Đề nghị: Cần điều trị theo chuyên khoa một thời gian, khi nào ổn định sẽ tiếp tục điều tra, xét xử. Áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử” (Đã ký: Chủ tịch Hội đồng, Phó Viện trưởng Bùi Thế Hùng).
Liên quan đến kết luận về mặt pháp luật và đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương-phân viện phía Nam, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (bảo vệ cho gia đình nạn nhân) cho biết là vượt thẩm quyền, chức năng vì Viện Giám định pháp y tâm thần chỉ giám định y khoa, chứ không có quyền kết luận về mặt pháp luật.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng viện dẫn Điều 3 Luật Giám định tư pháp: Điều 3- Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp:
1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn.
2. Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.
3. Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.
Liên quan tới bệnh tình của Thành, cha của bị hại bức xúc cho rằng chính Thành từng nhiều lần đe dọa giết chị Hoàng Anh. “Việc giám định bị cáo bị tâm thần là không thật sự khách quan vì bị cáo là người thông minh, nhanh nhẹn, làm kỹ thuật ở nhiều doanh nghiệp, suốt 6 tháng đầu trong trại giam bị cáo khai báo hết sức bình thường, không nhắc gì tới việc bị tâm thần cả, vậy tại sao sau đó lại cho rằng trong lúc gây án bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi?”, Giáo sư Huy cho biết..
Giáo sư Vũ Đình Huy và gia đình đã chờ đợi 2021 ngày để Tòa đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Đăng Thành giết chị Hoàng Anh
Nhiều bất thường trong vụ án
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM, bảo vệ cho gia đình nạn nhân) cho rằng: Vụ án có dấu hiệu "chạy giấy tâm thần để thoát tội", với nhiều khuất tất chưa được làm rõ trong quá trình điều tra như căn cứ nào để cơ quan giám định kết luận bị cáo "có bệnh trầm cảm tái diễn mức độ trung bình" trước và trong khi gây án, trong khi thời gian giám định xảy ra rất lâu so với thời điểm gây án?; hành vi của bị cáo là rất đê hèn đáng lên án, nhưng chưa được cáo trạng ghi nhận nhằm lên án những hành vi tương tự...
Đặc biệt, trong vụ án này có hai lần giám định tâm thần, nhưng cho kết quả trái ngược nhau. Lần đầu cấp tỉnh giám định thì xác định không tâm thần, 4 tháng sau thì cấp Trung ương cho kết quả ngược lại đầy ẩn khuất?!
“Khó có thể tin được bị cáo bị bệnh tâm thần, dù chỉ là một dấu hiệu... Chúng tôi và gia đình nạn nhân sẽ làm rõ những ẩn khuất, để đòi lại sự công bằng cho gia đình người bị hại trong phiên toà sắp tới” - Luật sư Hưng nói.
2.021 ngày chờ Tòa xét xử Trong đơn đề nghị gửi TAND thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Vũ Đình Huy viết: “Kể từ ngày hung thủ Nguyễn Đăng Thành giết hại dã man Vũ Thị Hoàng Anh (27/12/2011) đến ngày TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm (20/12/2016), đã là gần 6 năm (2121 ngày). Một vụ án giết người dã man đặc biệt, các tình tiết, chứng cứ, vật chứng đã quá rõ ràng mà gần 6 năm đi qua mới xét xử, đã thể hiện sự thiếu cẩn trọng cần thiết trong điều tra sự thật khách quan của cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM và Viện Kiểm soát nhân dân TP.HCM”. |